Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nguy cơ thị trường bán lẻ rơi vào tay tập đoàn ngoại

Tạp Chí Giáo Dục

Với tốc độ phát triển thị trường bán lẻ như hiện nay, nếu các nhà bán lẻ trong nước không liên kết lại, xây dựng chiến lược cạnh tranh hợp lý thì hoạt động trong lĩnh vực phân phối hàng hóa ở các đô thị sẽ rơi vào tay các tập đoàn nước ngoài.
Sức “hút” mạnh từ các tập đoàn nước ngoài

Theo công bố của hãng tư vấn Mỹ AT Kearney năm 2008 Việt Nam là thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Năm 2009, ngành bán lẻ cũng được cho là ngành kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất Việt Nam (12%). Thậm chí, người ta còn dự báo đến năm 2012, doanh số bán lẻ tại thị trường Việt Nam có thể đạt mức 85 tỷ USD.

Tập đoàn nước ngoài vẫn có những lợi thế mà doanh nghiệp

trong nước khó "địch nổi".

Thống kê cho thấy, hệ thống phân phối tổng hợp hàng tiêu dùng bao gồm gần 9.000 chợ trên toàn quốc. Còn hệ thống bán lẻ hiện đại có khoảng 70 trung tâm thương mại – trung tâm mua sắm, hơn 400 các loại siêu thị và hàng trăm cửa hàng tiện lợi khác.
Các cửa hàng bán lẻ hiện đại của các doanh nghiệp trong nước như Hapro Mart, Saigon Co.op, Fivimart, Citimart, G7 Mart… ngày càng xuất hiện nhiều, chủ yếu tập trung tại Hà Nội và TPHCM, chiếm thị phần của hệ thống bán lẻ hiện đại khoảng 20 – 30%.
Tuy đã có sự tăng trưởng đáng kể song thị phần của hệ thống bán lẻ Việt Nam còn thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực (như Trung Quốc: 51%, Thái Lan: 34%, Singapore: 90%, Malaysia: 60%…). Trong khi đó, sự có mặt của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam ngày càng nhiều đang tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt với các doanh nghiệp trong nước.
Hiện có 5 tập đoàn bán lẻ nước ngoài có quy mô lớn đang hoạt động tại Việt Nam là Metro bán buôn (thực chất là bán lẻ), Big C bán lẻ tổng hợp, Parkson chuyên doanh hàng công nghiệp, Lotte kinh doanh cả siêu thị và cửa hàng bán lẻ, Louis Vuiton chỉ bán sản phẩm mang nhãn hiệu của họ.
Các nhà kinh doanh này đã có mặt ở các đô thị chính của nước ta như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng… qua việc mở các siêu thị có quy mô lớn, có sức hút mạnh với khách hàng cả trong bán buôn và bán lẻ.
Theo nhận định của TS. Nguyễn Văn Minh (Đại học Thương mại), với tốc độ phát triển như hiện tại, nếu các nhà bán lẻ trong nước không liên kết lại, xây dựng được chiến lược cạnh tranh hợp lý thì hoạt động trong lĩnh vực phân phối hàng hóa ở các đô thị sẽ rơi vào tay các tập đoàn nước ngoài.
Liệu có “địch nổi” nhà đầu tư ngoại?
Khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO, Việt Nam cam kết mở cửa lĩnh vực phân phối từ 1/1/2009, trên thị trường nội địa sẽ có sự tham gia của các doanh nghiệp phân phối nước ngoài, do đó mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Trong khi đó, sự chuẩn bị của các doanh nghiệp nội trong lĩnh vực hệ thống bán lẻ lại chưa được tốt. Phần lớn các doanh nghiệp trong nước vẫn trong tình trạng phương thức kinh doanh lạc hậu, trình độ quản lý chưa đáp ứng được xu hướng hiện đại, thông tin còn kém nhạy bén…
Ngược lại, bước vào thị trường Việt Nam, các nhà bán lẻ nước ngoài có sẵn những lợi thế mà các nhà bán lẻ trong nước khó “địch nổi”, thể hiện ở những điểm như: nguồn vốn lớn; nguồn hàng phong phú, đa dạng; trình độ quản lý, kỹ năng tiếp thị, quảng cáo, chiến lược kinh doanh, lợi thế về chi phí và giá bán.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, với sự “bành trướng” và xuất hiện của các nhà bán lẻ nước ngoài thì thị phần của hệ thống bán lẻ trong nước sẽ bị “co lại”. Nói như thế không có nghĩa là các doanh nghiệp trong nước đã mất hết cơ hội vì sự thông hiểu về phong tục tập quán, thói quen mua sắm là lợi thế quan trọng mà các doanh nghiệp nước ngoài không dễ có được.
Bên cạnh đó, với mạng lưới phân bố đã được rộng khắp, có được vị trí cửa hàng “đắc địa”, nhất là tại các đô thị, các doanh nghiệp trong nước nếu biết tận dụng sẽ thu hút được khách hàng. Bởi thực tế cho thấy, các nhà phân phối nước ngoài thường phải chọn địa điểm xây dựng cửa hàng ở khu vực ngoại vi thành phố, vì khu vực trung tâm đã hết chỗ, hoặc giá thuê mặt bằng quá cao…
Vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta cần phải biết tận dụng những thế mạnh sẵn có cũng như sự điều chỉnh phù hợp để thích nghi với xu hướng phát triển chung, trong đó có thị trường bán lẻ.

Nguồn Dân Trí

Bình luận (0)