Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nguy cơ thị trường cuối năm thiếu thịt

Tạp Chí Giáo Dục

Dịch tai xanh bùng phát, giá các sản phẩm chăn nuôi trên thị trường xuống mạnh khiến người chăn nuôi nhiều địa phương đành bỏ trống chuồng và giảm đàn để hạn chế thua lỗ.

Tiêm vắcxin phòng dịch tai xanh cho đàn lợn của một hộ dân ở xã Bình Dương, huyện Đông Triều (Quảng Ninh). Ảnh Quang Quyết-TTXVN

Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), nếu không có những biện pháp can thiệp và hỗ trợ kịp thời, khả năng những tháng cuối năm, nguồn cung thịt cho thị trường trong nước sẽ thiếu.

Người chăn nuôi đang “đuối”
Tình trạng người chăn nuôi điêu đứng vì dịch bệnh tấn công đàn gia súc cộng với khó tiêu thụ và giá cả sụt giảm khiến phải giảm đàn hoặc ngừng sản xuất là thực tế đang diễn ra tại nhiều địa phương. Sở NN&PTNT Bắc Giang cho biết, hơn 2 tháng nay, giá lợn hơi trên địa bàn chỉ còn 32.000 – 33.000 đồng/kg mà vẫn khó bán. Hàng nghìn hộ chăn nuôi tại tỉnh này đang lao đao, không ít nhà bỏ trống chuồng hoặc giảm đàn. Có nhiều hộ chăn nuôi trước đây lúc nào cũng có trên 1.000 con lợn nái và lợn thịt thì nay đã giảm 30%.
Người chăn nuôi gà cũng khó khăn không kém. Chị Nguyễn Thị Luyện, chủ trang trại nuôi gà thịt tại xã Quang Thịnh (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) đứng ngồi không yên bởi giá gà lông trắng giảm từ 37.000 đồng/kg xuống còn 26.000 đồng/kg. Chị Luyện nhẩm tính, giá cám hiện nay là 12.000 đồng/kg, cộng với tiền tiêm phòng, tính ra cứ bán 1 con gà 3,2 kg, người nuôi sẽ lỗ 25.000 đồng, tức là mỗi kg gà thịt lỗ 8.000 đồng. “Hai tháng nay tôi xuất chuồng 2 lứa gà thịt, mỗi lứa 6 tấn, bị lỗ hơn 90 triệu đồng”, chị Luyện cho hay.

Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), việc tiêu thụ khó khăn, giá các sản phẩm chăn nuôi sụt giảm khiến người chăn nuôi thua lỗ lớn là nguyên nhân khiến họ thu hẹp đàn, “treo chuồng”. Theo Bộ NN&PTNT, không chỉ riêng thịt lợn mà giá của các sản phẩm chăn nuôi đều đang xuống rất thấp. So với đầu tháng 3/2012, giá thịt lợn, thịt và trứng gia cầm hiện nay giảm mạnh. Cụ thể, giá gà công nghiệp lông trắng còn 24.000 – 25.000 đồng/kg; gà lông màu còn 40.000 đồng/kg; giá trứng gà công nghiệp bán tại chuồng còn 1.150 đồng/quả; trứng vịt còn 1.750 đồng/quả…
Mặt khác, một nguyên nhân chính dẫn đến thực tế này là dịch bệnh. Mặc dù dịch cúm gia cầm và lở mồm long móng tạm thời được khống chế nhưng dịch tai xanh kéo dài từ tháng 2/2012 đến nay vẫn chưa dừng, ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng và thiệt hại trực tiếp tới từng hộ chăn nuôi. Theo Phòng dịch tễ (Cục Thú y), tính đến hết ngày 16/6, dịch vẫn còn xảy ra ở 8 tỉnh là: Điện Biên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lai Châu, Hòa Bình, Lạng Sơn, Bạc Liêu và Đồng Nai. Trong 6 tháng đầu năm, cả nước có trên 33.000 con lợn bị mắc dịch tai xanh và phải tiến hành tiêu hủy trên 21.000 con. So với 6 tháng cùng kỳ năm trước, tổng số lợn bị tai xanh tăng gấp 2,5 lần. Bên cạnh đó, điều đáng nói là suốt tháng 4 và tháng 5/2012, dịch chỉ quanh quẩn ở các tỉnh phía Bắc nhưng đến đầu tháng 6 thì dịch đã bắt đầu xuất hiện tại tỉnh Bạc Liêu. Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), nếu không theo dõi chặt chẽ để khống chế kịp thời thì dịch sẽ lây lan sang 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Nguyễn Thanh Sơn khẳng định: “Ngành chăn nuôi nước ta đang đứng trước một thực tế rất khó khăn. Giá cả bấp bênh khiến người chăn nuôi ngại đầu tư mới. Nếu không có biện pháp hỗ trợ, tình trạng này cứ tiếp tục thì sẽ thiếu thịt vào cuối năm”. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần cũng cùng lo ngại: “Nếu xử lý vấn đề này không tốt, 4 tháng nữa chúng ta sẽ thiếu thịt, dù cho hiện nay đang thừa”.

Cần nhiều “phao” cứu trợ
Thực tế, dịch tai xanh vẫn chưa có dấu hiệu dừng, thậm chí còn lan rộng về khu vực phía Nam. Do đó, việc dập dịch là biện pháp được ngành nông nghiệp ưu tiên trước nhất hiện nay. Theo ông Hoàng Văn Năm, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), sở dĩ dịch tai xanh thời gian qua lây lan rộng do vận chuyển lợn từ vùng có dịch chưa được kiểm soát chặt chẽ. Vì vậy, hiện nay cục tăng cường công tác kiểm tra này, đồng thời, Thanh tra Bộ NNN&PTNT và Cục Thú y cũng tiến hành thanh tra công tác giết mổ.
Liên quan đến việc tăng cường phòng chống dịch tai xanh, có một điểm đáng ngại trong diễn biến dịch thời gian qua xảy ra tại một số cơ sở giống. Theo ông Hoàng Văn Năm, tình trạng mầm bệnh tai xanh trỗi dậy tại các cơ sở sản xuất lợn giống diễn ra từ trung ương đến địa phương. Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Cục Chăn nuôi đã có văn bản chi tiết yêu cầu các cơ sở giống lấy mẫu kiểm tra để kịp thời xử lý.
Liên quan đến khó khăn về “đầu ra” cho các sản phẩm chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần cho biết, Bộ NN&PTNT đang chuẩn bị tổ chức một Hội nghị trực tuyến với một số địa phương chăn nuôi trọng điểm trên cả nước để đánh giá thực trạng này và tìm cách tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi, đồng thời góp phần ổn định sản xuất cho những tháng cuối năm. Dự kiến, Hội nghị này sẽ tổ chức vào cuối tháng 6/2012.
Bộ NN&PTNT đã giao Cục Chăn nuôi xây dựng đề án nhằm khắc phục khó khăn cho chăn nuôi. Hiện nay, Đề án này vẫn chưa hoàn thành để trình Bộ trước khi trình Chính phủ. Vì thế, trước khi có những chính sách hỗ trợ cụ thể, thời điểm hiện tại, theo đại diện Cục Chăn nuôi, biện pháp thứ nhất là cần có biện pháp hỗ trợ tín dụng cho các cơ sở chăn nuôi lớn để khắc phục khó khăn về vốn, giúp nông dân trong việc tái đàn. Ông Sơn cho biết, Đề án đang xây dựng đề xuất gói hỗ trợ 9.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho các trang trại chăn nuôi vay với lãi suất ưu đãi (tuy nhiên, đến thời điểm này cùng với các giải pháp khác, con số này vẫn chưa chốt và đang cần thảo luận thêm). Thứ hai, ông Sơn cũng cho rằng nên tạo thuận lợi về nộp phí kiểm dịch và thủ tục cho việc xuất khẩu trứng gà sang một số thị trường châu Á như Hồng Công và Xinhgapo. Còn trước mắt, các địa phương cần rà soát lại tình hình nông dân “treo chuồng” để có hướng khắc phục phù hợp ngay cho địa phương mình.

Mạnh Minh

Theo Tin Tức

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)