Hội nhậpThế giới 24h

Nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng

Tạp Chí Giáo Dục

Lưu vực sông Dương Tử đang khô hạn nghiêm trọng khiến Trung Quốc phải bắn các thanh i-ốt bạc lên trời để gom mây tạo mưa

Trung Quốc vừa cảnh báo tình trạng khô hạn dọc sông Dương Tử có thể kéo dài đến tháng 9-2022, khiến chính quyền nhiều địa phương chạy đua bảo đảm nguồn điện cũng như nguồn nước sạch để bảo vệ mùa màng trước vụ mùa thu sắp tới.

Một trận sóng nhiệt nghiêm trọng trải rộng khắp lưu vực con sông dài nhất Trung Quốc nói trên hơn 2 tháng qua. Giới chức cho hay nhiệt độ trong khu vực tiếp tục vượt qua 40 độ C trong ngày 18-8, trong đó nhiều nơi ở TP Trùng Khánh còn cao hơn 44 độ C.

Máy lạnh dùng càng nhiều thì áp lực lên lưới điện càng nặng nề. Thế nhưng, các nhà máy thủy điện khổng lồ sử dụng nước sông Dương Tử – cung cấp điện cho khoảng 1/3 dân số Trung Quốc – không thể hoạt động hiệu quả bởi lượng mưa ở lưu vực con sông này kể từ tháng 7 thấp hơn mức bình thường khoảng 45%.

Nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng - Ảnh 1.

Sông Gia Lăng, một phụ lưu của sông Dương Tử, chảy qua TP Trùng Khánh – Trung Quốc khô hạn nghiêm trọng ngày 18-8. Ảnh: Reuters

Ở các vùng phía Tây Nam Trùng Khánh – nơi có hồ chứa của đập Tam Hiệp, lưới điện đang phải vật lộn để cung cấp điện cho những nơi khác trong khi điện dành cho sản xuất công nghiệp đã phải sử dụng luân phiên – truyền thông địa phương đưa tin.

Đã vậy, theo Bộ Thủy lợi Trung Quốc ngày 16-8, đập Tam Hiệp phải tăng xả nước xuống hạ lưu trong 10 ngày tới để cứu cây trồng sắp đến đợt thu hoạch. Ở tỉnh Tứ Xuyên lân cận, từ chỗ là nguồn cung cấp thủy điện lớn cho khu vực bờ biển phía Đông Trung Quốc nay thiếu điện tới mức phải ra lệnh đóng cửa tất cả nhà máy trong 6 ngày của tuần này.

Để cứu vãn phần nào tình hình, theo đài CNN, Trung Quốc đang bắn các thanh i-ốt bạc lên trời nhằm gom mây tạo mưa trên sông Dương Tử. Không chỉ Dương Tử mà nhiều sông hồ trên khắp bán cầu Bắc cũng đang khô hạn do nắng nóng dữ dội và lượng mưa ít.

Tại Pháp, sông Loire đang cạn kỷ lục. Reuters cho hay dòng chảy của sông đang ở mức 40 m3/giây – chưa bằng 1/20 mức bình quân hằng năm.

Nước sông có thể thấp hơn nữa nếu nhà chức trách không xả nước từ 2 con đập Naussac và Villerest xuống. Vấn đề là 2 con đập trên được xây từ thập niên 1980 với một phần mục đích là bảo đảm nguồn nước làm lạnh cho 4 nhà máy điện hạt nhân xây dọc sông Loire.

Với tổng công suất 11,6 GW, 4 nhà máy tại Belleville, Chinon, Dampierre và Saint-Laurent chiếm gần 1/5 sản lượng điện của Pháp. Với thực tế nhiều nhà máy của Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) đã phải ngừng hoạt động do các vấn đề kỹ thuật và nhiều nhà máy khác giảm công suất vì nước sông xuống thấp, việc đóng cửa một hoặc nhiều hơn các nhà máy dọc sông Loire có thể khiến giá điện trên khắp châu Âu lên cao hơn nữa.

Chung "số phận" khô hạn là 2 hồ chứa Mead và Powell trên sông Colorado ở Mỹ, với lượng nước đã giảm xuống chỉ còn 1/4 mức thông thường vào mùa hè này. Nếu mực nước giảm nữa, 2 hồ này không đủ khả năng sản xuất điện cho hàng triệu khách hàng ở miền Tây nước Mỹ.

Còn tại California, nhà điều hành lưới điện của bang (ISO) hôm 17-8 đã yêu cầu 40 triệu người dân tại đây giảm sử dụng điện tại nhà ở và doanh nghiệp. Theo Reuters, nhiệt độ nhiều nơi ở California những ngày qua đã bỏ xa mốc 38 độ C, cá biệt lên tới 42-43 độ C.

Để tránh cảnh quá tải lưới điện, ISO khuyến cáo tắt bớt đèn và các thiết bị điện, đồng thời cài đặt bộ điều nhiệt ở mức 26 độ C – đặc biệt là trong khoảng thời gian từ 16-21 giờ hằng ngày. Không có gì lạ khi giá điện ở miền Nam California và bang Washington có thể leo lên mức kỷ lục kể từ tháng 9-2021. 

Theo Hải Ngọc/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)