Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nguy cơ thiếu nhân lực ngành du lịch sau dịch Covid-19

Tạp Chí Giáo Dục

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động du lịch ảnh hưởng kéo theo lao động nhóm ngành này bị cắt giảm, mất việc, chuyển đổi công việc khác để mưu sinh và có nguy cơ thiếu hụt nhân lực khi du lịch hoạt động trở lại.


Các chuyên gia cho rằng, nhân lực nhóm ngành du lịch có nguy cơ thiếu hụt sau khi ngành này hoạt động trở lại. Trong ảnh: Du khách tận hưởng dịch vụ du lịch tại Côn Đảo

Đây là nhận định chung của các chuyên gia tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Cơ hội việc làm ngành du lịch thời hậu Covid-19” do Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn tổ chức hôm 28-9.

Theo Tổng cục Du lịch, năm 2020, lượng khách du lịch quốc tế giảm 79,5%, khách nội địa giảm 34%, tổng thu du lịch giảm 58,7%; gần 60% lao động mất việc làm hoặc cắt giảm lao động, công suất buồng, phòng các khách sạn chỉ đạt 10-15%; gần 90% doanh nghiệp (DN) lữ hành quốc tế đóng cửa.

Còn báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, lao động trong một số ngành dịch vụ như lưu trú và ăn uống, nghệ thuật, vui chơi giải trí bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch COVID-19. 1/3 DN tham gia khảo sát nhanh cho biết phải thực hiện các biện pháp cắt giảm lao động; các DN du lịch và dịch vụ lưu trú có tỷ lệ lao động bị cắt giảm cao nhất.

Tại tọa đàm, ông Huỳnh Chí Công – Phó Giám đốc điều hành Công ty Du lịch Bến Thành cho biết từ khi dịch Covid-19 bùng phát, hầu hết DN lữ hành, khách sạn tạm đóng cửa. Đây là lý do nhiều lao động ngành này mất việc hoặc chuyển đổi công việc để mưu sinh. Có lao động chuyển sang làm việc ở lĩnh vực bất động sản, thậm chí làm nhân viên giao hàng… và có thể đội ngũ này sẽ không quay lại với công việc trước đó dẫn đến thiếu hụt nhân lực”, ông Công nói.

Trước lo lắng của phụ huynh và sinh viên về cơ hội việc làm ngành du lịch trong thời gian tới, ông Huỳnh Chí Công cho rằng việc trước tiên là các bạn phải học cho thật tốt thì cơ hội sẽ không thiếu. Thời điểm này, DN tập trung quảng bá, xây dựng phương án hoạt động và củng cố nguồn nhân lực. DN không xem các bạn là sinh viên mà luôn xem các bạn là nguồn nhân lực.

Tương tự, ông Trần Anh Tuấn – đại diện một chuỗi nhà hàng ở phía Nam chia sẻ, thời điểm này nhiều DN nhóm ngành đang tập trung kiểm soát chất lượng để chờ cơ hội “bùng” vào năm 2023 trở đi. Trước đó, do ảnh hưởng của dịch, lao động đã dần chuyển công việc, vì vậy cơ hội việc làm rất lớn khi dịch đã được kiểm soát.

Về quan điểm tuyển dụng, ông Tuấn khẳng định, tấm bằng loại khá, giỏi chưa thể đánh giá năng lực nhưng có thể phản ánh được tinh thần, thái độ làm việc của bản thân.

Ông Trần Anh Tuấn – Chuyên gia hướng nghiệp, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM đánh giá: Tình trạng chuyển đổi việc làm trong thời điểm này dẫn đến việc thất thoát nhân lực trầm trọng đối với lĩnh vực du lịch và đây thực sự là một hiện tượng chưa từng có. Dịch Covid-19 gây ra nhiều thiệt hại, tác động nặng nề đến nền kinh tế, mà trực tiếp và nặng nề nhất là lĩnh vực du lịch, tuy nhiên chỉ là tạm thời và tiềm năng phát triển ngành du lịch, khách sạn… vẫn rất lớn.

Ông Tuấn dẫn chứng, mùa tuyển sinh năm nay khối ngành du lịch, khách sạn, dịch vụ vẫn là sự lựa chọn của đông đảo thí sinh, dù đây là lĩnh vực đang chịu nhiều thiệt hại và "đóng băng" do dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, số liệu đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ năm 2021 của Bộ GD-ĐT cho thấy có 199.166 nguyện vọng đăng ký vào nhóm ngành du lịch, khách sạn, dịch vụ cá nhân, trong đó 48.334 thí sinh lựa chọn nguyện vọng 1. Năm nay, có 24.036 chỉ tiêu cho nhóm ngành này. Về mức độ cạnh tranh, khối ngành du lịch – dịch vụ đang đứng thứ 4 những nhóm ngành có sự cạnh tranh trong xét tuyển mạnh nhất trên tổng số 24 nhóm ngành.  

T.Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)