LTS: Thời gian gần đây, Sở Y tế TP.HCM liên tục công bố danh sách đen của các nhãn hiệu nước uống đóng bình (NUĐB) không đạt tiêu chuẩn vi sinh. Điều đó đã gây hoang mang cho người tiêu dùng, đặc biệt là các trường học sử dụng NUĐB cho học sinh và giáo viên uống. Không chỉ có vậy, nước sinh hoạt ở nhiều nơi, đặc biệt là những vùng hiếm nước máy cũng bị nhiễm bẩn nặng. Vậy uống nước “bẩn” ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?
Thanh tra Sở Y tế TP.HCM lấy mẫu NUĐB đi xét nghiệm. Ảnh: H.Triều |
Xung quanh vấn đề này, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của BS. Nguyễn Lân Đính – chuyên viên dinh dưỡng.
Nước “bẩn” là nước bị nhiễm trùng, có thể gây nên các bệnh do vi khuẩn. Phải kể đến các trường hợp ngộ độc do salmonella, coli hay các dịch bệnh thương hàn và dịch tả. Thứ hai là nhiễm siêu vi, nguy hiểm nhất là loại gây viêm gan siêu vi B. Thứ ba là nhiễm Amíp và ký sinh trùng đường ruột, tức là bị kiết lỵ và bị nhiễm sán, lải. Thứ tư là ngộ độc kim loại nặng do hiệu ứng Minamata qua dây chuyền thực phẩm. Các kim loại nặng đáng lưu ý nhất là chì, thủy ngân, cadmium và thạch tín. Thứ năm là rối loạn oxy hóa máu. Thứ sáu là dư Fluor, trên 2 phần triệu (p.p.m) là có nguy cơ làm cho men răng biến màu và hóa bở. Thứ bảy làcác chất dầu lửa, phenols, các chất cứng hòa tanảnh hưởng đến mùi, vị, độ trong khiến cho nước trở nên khó uống…
Phải làm gì với nước “bẩn”?
Giữ cho nước trong lành để uống, để sinh hoạt là một trong 10 vấn đề cần thiết cho cuộc sống.
Xử lý nước phải qua các khâu: đầu tiên là phải đánh phèn, tác động của Sulfat kép nhôm và kali trên nước để làm đông tụ, kết bông những gì ở dạng keo lơ lửng trong nước. Sau đó để lắng cặn xuống đáy hay tuyển nổi để hớt trên mặt. Tiếp theo là lọcqua một lớp cát. Rồi khử trùngbằng Clor hay nước Javel để bảo đảm còn lưu lại một chất ôxy-hóa trong hệ thống cấp nước. Cuối cùng, nếu cần có thể xử lý bằng Ozone O3, bằng than hoạt tính.
Người ta thường lưu ý tới “độ cứng” của nước: Nước “cứng” thường hàm chứa nhiều muối Canxi và Manhê khiến cho các ống nước hay ấm đun nước bị đóng cáu một lớp khá dày sau một thời gian. Đó là đặc điểm nước ở những vùng có đá vôi. Nước này rửa tay, giặt giũ bằng xà bông thường ít lên bọt. Người ta có thể xác định độ cứng bằng “phương pháp đo độ cứng”. Nước cứng thực ra uống vào không có hại cho sức khỏe, đôi khi còn tăng thêm lượng vôi và Manhê cho cơ thể. Có hại chăng là hại ống nước, ấm nước, máy giặt hay máy gia dụng khác.
Nếu nước “cứng” quá, người ta có thể xử lý cho “mềm” bớt bằng cách dùng một loại nhựa đặc biệt dạng hạt, mỗi hạt có phủ một lớp hạt nhỏ Natri. Khi nước chảy qua lớp hạt nhựa, có sự trao đổi iông: Canxi và Manhê được giữ lại, còn Natri thì trôi theo nước đi. Khi nào các hạt nhựa bão hòa với Canxi và Manhê thì cần cho tái sinh lại với một dung dịch muối biển tinh luyện.
Để nước sinh hoạt và nước uống được an toàn, con người phải nỗ lực gìn giữ môi trường sạch, xanh và an toàn; xử lý tốt các chất thải sinh hoạt cũng như chất thải từ các nhà máy.
BS. Nguyễn Lân Đính
(Chuyên viên dinh dưỡng)
Bình luận (0)