Sự việc 4 trẻ sinh non tử vong dù được cấp cứu tích cực ở BV Sản Nhi Bắc Ninh đã thật sự gây bàng hoàng và lo lắng trong dư luận. Sau một thời gian điều tra nguyên nhân ban đầu được xác định là do sốc nhiễm trùng ở trẻ sinh thiếu tháng.
BS Kim Anh đang khám bệnh cho trẻ suy hô hấp tại BV Nhi đồng 2 |
Tại Hội thảo các thầy thuốc lồng ngực Hoa Kỳ được tổ chức tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM mới đây, các chuyên gia y tế đã định nghĩa: “Sốc nhiễm khuẩn (Septic shock) là một nhiễm khuẩn huyết nặng với hạ huyết áp, đề kháng với bù dịch đầy đủ”.
Nguyên nhân gây trẻ tử vong
Theo đó, sự rối loạn phân bố là điều đã được khẳng định trong sốc nhiễm khuẩn. Ban đầu là giai đoạn tăng động, sau đó là giai đoạn giảm động. Theo báo cáo của BV Sản Nhi Bắc Ninh, 4 trẻ tử vong cùng ngày 20-11 đều là các trẻ sinh non bằng phương pháp mổ. Ngoài suy dinh dưỡng bào thai, các bé đều bị suy hô hấp, suy tuần hoàn sau sinh nên phải nằm lồng ấp, thở máy nuôi dưỡng tĩnh mạch, uống kháng sinh, ăn sữa qua sonde dạ dày. Thế nhưng sau vài ngày dù được cấp cứu tích cực nhưng tình trạng suy hô hấp vẫn không giảm và đã tử vong sau đó.
BS Lê Thị Kim Anh – Khoa Khám bệnh (BV Nhi Đồng 2) cho biết, nhiễm khuẩn có 3 mức độ. Nhiễm khuẩn nhẹ có tình trạng viêm nhiễm đi kèm sốt, bạch cầu và nhịp tim tăng làm cho trẻ thở nhanh. Nhiễm khuẩn nặng bao gồm các triệu chứng suy các tạng bởi giảm tưới máu hoặc hạ huyết áp. Sốc nhiễm khuẩn là một nhiễm khuẩn huyết nặng với tình trạng hạ huyết áp, đề kháng với bù dịch đầy đủ. Theo BS Kim Anh, sốt nhiễm khuẩn đi kèm triệu chứng dễ thấy như sốt rét run, thở nhanh do nhịp tim tăng, hạ huyết áp. Nếu trẻ lớn thì thấy vã mồ hôi, bất an, co giật, hôn mê, nói sảng, tiểu ít. Các triệu chứng của các ổ nhiễm khuẩn rõ nhất là viêm phổi, viêm đài bế thận, viêm mô mềm, viêm phúc mạc, viêm tắc tĩnh mạch… Như vậy, sốc nhiễm khuẩn là giai đoạn nặng của quá trình diễn biến liên tục bắt đầu từ đáp ứng viêm hệ thống do nhiễm khuẩn, suy đa tạng.
Về nguyên nhân được xác định là do vi khuẩn và nấm từ các ổ nhiễm xâm nhập vào máu từ lớp da bên ngoài, các mô mềm hay cơ xương khớp. Đường tiêu hóa bị nhiễm khuẩn như viêm ruột, nhiễm khuẩn đường mật, áp xe gan hay đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi, áp xe phổi cũng là “thủ phạm” của sốc nhiễm khuẩn.
Ngăn chặn và phòng ngừa
Đối với các BN bị sốc nhiễm khuẩn, sau khi chẩn đoán các BS chỉ định tiến hành xử trí các phương pháp như: bồi phục thể tích dịch, dùng vận mạch, uống kháng sinh, kiểm soát đường máu, thở máy, lọc máu và các biện pháp hỗ trợ tích cực khác nếu thấy cần thiết và có hiệu quả. Để ngăn chặn tình trạng sốc nhiễm khuẩn, người bệnh cần được chăm sóc tốt, phát hiện bệnh sớm và xử trí kịp thời các mức độ nhiễm khuẩn. Không được để cơ thể bị nhiễm khuẩn nhẹ, nếu nhiễm khuẩn nhẹ thì ngăn chặn không cho nhiễm khuẩn nặng và đặc biệt là sốc nhiễm khuẩn vì đe dọa tính mạng con người nhất là các trẻ nhỏ như các bé sinh non ở BV Sản Nhi Bắc Ninh.
Vì thế, đối với các thai phụ cần có một sức khỏe và chế độ dinh dưỡng thật tốt trong thời gian thai kỳ để bào thai được phát triển hoàn thiện, hạn chế sinh non ở mức thấp nhất. Nếu thai phụ khỏe mạnh thì sẽ sinh em bé vào tuần 40 của thai kỳ, trường hợp sinh trước khi thời gian có thai mới được 37 tuần tuổi tính theo ngày đầu kỳ kinh gần nhất thì được gọi là sinh non. Lúc đó em bé sinh non chưa phát triển hoàn thiện về thể chất và tinh thần. Theo khoa học một ngày thai nhi phát triển trong bụng mẹ bằng một tuần so với thời gian sau khi đẻ. Vì thế bé càng sinh non thì càng có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe mà biểu hiện dễ nhận biết nhất là nhẹ cân, suy hô hấp, hệ miễn dịch yếu kém nên dễ bị nhiễm trùng, khó tiêu hóa và hấp thụ kém. Bên cạnh đó các nguy cơ khác cũng luôn rình rập như dễ bị tim bẩm sinh, các bệnh về dạ dày, võng mạc như các trẻ sinh ra thiếu tháng ở BV Sản Nhi Bắc Ninh.
BS Thanh Cần – Khoa sản (BV Đại học Y Dược TP.HCM) khuyên, để hạn chế giảm thiểu sinh non, thai phụ cần ăn uống bồi bổ đủ dưỡng chất, cẩn thận khi di chuyển đi lại, khám thai đúng kỳ theo lịch hẹn của BS. Chế độ làm việc nhẹ nhàng, nghỉ ngơi hợp lý, không làm việc nặng quá sức.
Bài, ảnh: Hoàng Anh
Bình luận (0)