Chuyện phái sinh tác phẩm, nặng hơn là chế nhạc, chế lời, xâm phạm bản quyền âm nhạc lại nóng lên khi gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên lên tiếng về ồn ào xoay quanh ca khúc Chú voi con ở Bản Đôn. Nhiều người dễ dàng tiếp cận tác phẩm để khai thác, thu lợi mà các tác giả bất lực.
Phái sinh tùy tiện, vi phạm bản quyền
Chị Phạm Hồng Tuyến, con gái nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết, trên mạng xã hội đang lan truyền bài hát phái sinh Chú voi con ở Bản Đôn với những biến thể âm nhạc lẫn phần lời ca khúc khác với bản gốc. “Ca khúc đã bị điều chỉnh từ giọng trưởng sang giọng thứ mà chưa hề được sự chấp thuận của nhạc sĩ. Bố tôi và cả gia đình đều cảm thấy khó chịu vì không có ai xin phép tác giả để ra bài hát biến thể (phái sinh) này. Thậm chí, nhiều người khi hát bài này vẫn nghĩ là của nhạc sĩ Phạm Tuyên, đến ca sĩ chuyên nghiệp khi được đề nghị biểu diễn Chú voi con Bản Đôn lại hát bản phái sinh, như một sự mặc nhiên”, chị Tuyến chia sẻ.
Hành lang pháp lý về bản quyền và quyền tác giả đang đối mặt với thách thức mới từ môi trường số
Nhạc sĩ và gia đình biết đến bản phái sinh từ vài năm trước. Nhận thức đây là hành vi vi phạm bản quyền bài hát, nên đã ủy thác đơn vị giám sát bản quyền các bài hát thiếu nhi của nhạc sĩ Phạm Tuyên trên các nền tảng số xử lý việc này. Gần đây, các video bản phái sinh lại lan truyền trên mạng xã hội, gia đình nhạc sĩ quyết định lên tiếng để cảnh tỉnh về nhận thức bản quyền.
Theo Luật Sở hữu trí tuệ, tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn. Điều 20 của luật này nêu rõ, làm tác phẩm phái sinh là quyền độc quyền của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả. |
“Tình trạng vi phạm bản quyền ở Việt Nam ngày càng tinh vi. Trước đây, thường việc vi phạm là sử dụng phần lời, phần giai điệu hoặc sử dụng phần bản ghi mà không xin phép tác giả ca khúc. Nhưng giờ đây, nhiều chương trình, nghệ sĩ trẻ còn sẵn sàng biến tấu một bài hát sang một phong cách khác, làm mất đi ý nghĩa của bài hát gốc”, con gái nhạc sĩ Phạm Tuyên lên tiếng. Nhạc sĩ Phạm Tuyên ủng hộ sự tìm tòi, sáng tạo, làm mới tác phẩm của ông. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tùy tiện sử dụng, biến đổi ca khúc mà không hề xin phép tác giả hoặc làm mất đi tinh thần tác phẩm gốc.
Trên một số nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là TikTok, nhiều tài khoản nổi lên nhờ chuyên hát nhạc cover (hát lại ca khúc nổi tiếng). Sau khi bài hát nhạc Hoa lời Việt có tên Độ ta không độ nàng gây sốt với hàng chục bản cover, nhiều bản nhạc Hoa khác tiếp tục được chuyển ngữ hoặc viết lời mới. Tuy nhiên, việc xin phép tác giả hầu như bị ngó lơ.
Giữa năm 2023, khán giả phẫn nộ khi bài thơ Lượm của cố nhà thơ Tố Hữu bị chế thành bản nhạc phản cảm. Nhạc sĩ sau đó phải lên tiếng xin lỗi, gỡ ca khúc khỏi mọi nền tảng và yêu cầu mọi người ngừng sử dụng bản nhạc để tạo xu hướng. Một tài khoản mạng có tên Vanh Leg – nổi tiếng với những ca khúc nhạc chế – cũng từng gây tranh cãi vì biến tướng lời phản cảm ca khúc Thương quá Việt Nam.
Bản nhạc nổi tiếng của thiếu nhi bị biến tấu làm sai lệch ý nghĩa ban đầu
Chặn thói quen “xài chùa”
Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết, thời gian qua đơn vị này đã khởi kiện hơn 40 vụ vi phạm bản quyền, trong đó có hơn 20 vụ vẫn đang trong quá trình giải quyết. Việc xử lý khó khăn do trong nhiều trường hợp, tác giả chỉ thỏa thuận miệng, tin nhắn hay gọi điện thoại với công ty phát hành,…
Một số ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được ca sĩ Hà Lê làm mới với album Ở trọ. Việc khoác áo mới cho những nhạc phẩm quen thuộc được công chúng yêu thích và gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chấp thuận. Ca sĩ Hà Lê khi làm mới nhạc Trịnh cũng cẩn trọng xin phép gia đình nhạc sĩ. |
Ông Phạm Việt Long, Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu Văn hoá và phát triển nhận định, môi trường số đang bị lợi dụng khiến nạn xâm phạm quyền tác giả gia tăng. Nhiều người dễ dàng tiếp cận tác phẩm để khai thác, thu lợi mà các tác giả bất lực. Hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan cũng xảy ra với muôn hình vạn trạng và khó kiểm soát.
“Việc xài chùa chất xám gây thiệt hại về tinh thần cho các nhạc sĩ, người sáng tạo. Họ có thể cảm thấy thiếu được tôn trọng, từ đó giảm hứng khởi sáng tạo. Sau đó là thiệt hại về kinh tế. Thậm chí, nhạc sĩ còn bị mất luôn tên mình, khi người ta bỏ tên tác giả khỏi tác phẩm”, TS Phạm Việt Long nói.
Nhạc sĩ Dương Trường Giang nêu quan điểm, trừ những tác phẩm dân gian (không tìm thấy tác giả), các ca khúc chế với mục đích nào đi chăng nữa vẫn phải xin phép tác giả, đó là sự tôn trọng cần thiết. “Xin phép tác giả là động thái nhỏ nhưng đó là biểu hiện của sự tôn trọng cần có. Không xin phép không khác gì hành động ăn cắp”, nhạc sĩ nói.
Là thành viên của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, TS Phạm Việt Long nhận định, nhạc sĩ, tác giả cũng phải tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Thái độ dễ dãi, cả nể, ngại va chạm hay chưa có thói quen bảo đảm tính pháp lý cho tác phẩm dẫn đến những hệ lụy khó lường.
“Nhạc sĩ phải tạo cơ sở pháp lý cho các tác phẩm của mình như đăng ký bản quyền, ký các hợp đồng thể hiện sự đầu tư của mình khi tạo nên tác phẩm đã được thu thanh, thu hình, ký hợp đồng với những chủ thể phân phối tác phẩm. Cơ quan chức năng cần nhận thức được mức độ nghiêm trọng của tình trạng vi phạm quyền tác giả để bảo vệ quyền này một cách đúng mức, không để xảy ra tình trạng thờ ơ, buông lỏng”, ông Long nói.
Bình luận (0)