Khi có chỉ định từ bác sĩ điều trị, người bệnh cứ vô tư đi chụp X-quang, phó mặc sức khỏe cho các phòng chụp tư nhân đang mọc ra như nấm sau mưa tại TPHCM. Trong khi trên thực tế, các cơ sở này đang sử dụng nhiều thiết bị có tuổi trên 30 năm.
Phòng nhếch nhác, máy hết “date”
Khu vực đường Nguyễn Chí Thanh, mặt tiền bệnh viện Chợ Rẫy (quận 5) với bán kính 600m có gần 10 cơ sở khám, chữa bệnh, xét nghiệm và chụp X-quang.
“Có thể nói, nơi đây không chỉ là trung tâm chụp X-quang của TPHCM mà còn của cả miền Nam. Chất lượng thì thượng vàng hạ cám”, bác sĩ H., Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết.
Theo quy định, máy X-quang chỉ được sử dụng trong vòng 7 – 10 năm nhưng rất nhiều máy chụp tại những phòng khám tư đã vượt mốc thời gian trên. Anh T., một kỹ thuật viên có thâm niên, từng làm ở nhiều phòng khám tư nhân, cho biết, một số máy chụp X-quang tại cơ sở tư nhân có tuổi thọ thuộc vào hàng “cụ” nhưng vẫn được sử dụng. Máy càng cũ thì chùm tia độc khuếch tán trong không khí càng nhiều, ảnh hưởng lên cơ thể bệnh nhân càng lớn nên không đảm bảo về an toàn bức xạ cho bệnh nhân và nhân viên chụp.
Phòng chụp X-quang số 37C Thuận Kiều (quận 5) là phòng chụp X-quang duy nhất trên đường Thuận Kiều nhưng phòng ốc khá nhếch nhác, vừa bán thuốc tây kiêm phòng chụp X-quang. Phòng chụp cũ kỹ, không sạch sẽ, cửa ra vào không được áp dụng các biện pháp chắn tia X. Máy chụp là loại máy đời cũ, bệnh nhân chụp xong chỉ nhận phim mà không hề có bác sĩ đọc phim và viết bản report (bản báo cáo kết quả). Với chụp phổi thẳng, mức giá dao động 40.000 – 45.000 đồng một lần, gấp đôi giá ở các bệnh viện (chỉ 20.000 – 25.000 đồng một lần) nhưng độ an toàn thì… trời mới biết.
Ngoại trừ số ít cơ sở lớn (Nguyễn Hoàng, Nhân Hậu…) đạt tiêu chuẩn phòng chụp X-quang (diện tích 36 m2, chiều cao trần nhà 3 m), nhiều phòng chụp nằm chung với phòng xét nghiệm, phòng thuốc, diện tích chỉ gần… 10m2. Có khá nhiều phòng chụp X-quang không có thiết bị quan sát bệnh nhân, không có đèn, tín hiệu cảnh báo…
“Lơ” nhiều quy định
Trung tâm chẩn đoán Nguyễn Hoàng (229 Nguyễn Chí Thanh) có phòng ốc khá sạch sẽ, khang trang. Tuy nhiên, khi vận hành máy, kỹ thuật viên vẫn không mặc áo chì như quy định (được giải thích là do trọng lượng áo… quá nặng, khoảng ba đến bốn kg).
Một thực tế đáng lo ngại khác là vấn đề xử lý nước thải của các phòng khám tư nhân, đặc biệt là nước rửa phim X-quang có chứa các hóa chất rất độc hại. Theo quy định, hoá chất này phải đưa vào bồn dung dịch trung hòa để bớt độc tính trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, theo lời anh T., “ngay cả các bệnh viện lớn của thành phố còn chưa có hệ thống xử lý nước thải huống gì các cơ sở tư nhân. Tại những cơ sở tư, nước rửa phim X-quang và các loại nước thải y tế khác được xả thẳng ra… cống”.
Một số bệnh nhân tại các phòng chụp X-quang tư cho biết, bác sĩ điều trị trong BV là người cho địa chỉ phòng chụp X-quang. Theo một bác sĩ (xin không nêu tên), đây là một tam giác khép kín: bác sĩ lâm sàng – cận lâm sàng – hiệu thuốc. Bác sĩ khám lâm sàng (khám bệnh) sẽ cho địa chỉ để bệnh nhân đi làm xét nghiệm cận lâm sàng (siêu âm, X-quang, điện tim, nội soi…) và hiệu thuốc.
Nhiều trường hợp không cần chụp X-quang, bác sĩ điều trị vẫn có thể chẩn đoán được bệnh nhưng do để thu hồi vốn đầu tư (khu vực y tế tư nhân), có thêm “hoa hồng” (bác sĩ liên kết với các phòng khám), bác sĩ điều trị sẵn sàng cho bệnh nhân đi chụp.
Theo Thu Thảo
Đất Việt
Bình luận (0)