Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nguy hiểm của áp lực hiếu học

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Áp lực phải thi đậu khiến các em học sinh lúc nào cũng luôn căng thẳng. Anh: M.Tâm

Trước hết chúng ta phải tự hỏi rằng tại sao lại xuất hiện các hiện tượng tự tử, điên loạn, hoảng sợ… khi không đạt được điểm thi như mong muốn, rớt ĐH, không đạt được thành tích thi chuyên… Câu hỏi này nếu chúng ta không tìm được bản chất sẽ rơi vào câu hỏi khác, tại sao, tại sao và tại sao.
Muốn nhận thức đúng vấn đề chúng ta phải bắt đầu từ con người hiện thực, đó là người học, thế nhưng khi người đó đã tự tử, đã điên, hoặc sợ hãi thì lấy gì để đánh giá đúng. Đây là vấn đề chủ quan mà cha mẹ học sinh, các thầy cô và xã hội nếu không nhập thân vào sự thật, hoặc trốn tránh sự thật trước sự thật về việc học của thế hệ hôm nay thì vô tình tự chúng ta làm “suy thoái” ý thức về giá trị làm người.
Có lẽ chúng ta lại phải bắt đầu từ giá trị con người và giải phóng con người theo lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mới có thể nhận diện được nguy cơ này. Con người có hai phần rất rõ, đó là năng lực sinh thể thuộc bẩm sinh và năng lực tư tưởng được nuôi dưỡng từ gia đình, xã hội và nhà trường.
1. Về năng lực bẩm sinh liên quan đến tất yếu không thể thay đổi mà chỉ có thể tác động tích cực trên cấu trúc của nó. Ví dụ: em bé bị thiểu năng tâm thần (Down) thì có hoài bão đến đâu cũng chỉ tập cho em biết tự sinh hoạt tối thiểu là cùng. Em bé bị Down nhận thấy rất dễ vì khoảng cách rất lớn so với em bé bình thường; còn hai em bé bình thường phải so sánh ai có năng khiếu hơn ai, gần như rất khó. Vậy trẻ em chúng ta ai có năng lực sinh thể hiếu học và ai lười học, bài toán này phụ thuộc phụ huynh học sinh là những người gần gũi con em mình nhất phải đánh giá được; và nếu không đánh giá được thì hãy động viên tích cực để các em bộc lộ khả năng đó, tránh đem chủ quan của mình áp đặt theo kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy”.
Về năng lực tư tưởng lại là cả quá trình truyền thụ lối sống, kỹ năng sống và nghệ thuật sống. Sai lầm lớn nhất của HS là do lối sống gây ra, tức là con đường nhân cách chưa được hình thành rõ nét, khi con đường nhân cách trở nên thụ động thì học sinh đó có rất nhiều nguy cơ, ông cha ta xưa gọi là “gà tồ”, sau này gọi là “gà công nghiệp”. Nếu học sinh chủ động tích cực hơn, nhưng bị cha mẹ đẩy vào con đường mà nó không đủ sức vượt qua và nó cũng không nhận ra do chủ quan thì một lúc nào đó sẽ “đứt gánh trên đường”, những học sinh tự tử, điên, hoảng loạn… đều từ nguyên nhân này, nguyên nhân tự tin thái quá và cha mẹ thì hoài bão. Một chiếc động cơ chạy quá tải sẽ có sự cố. Tuy nhiên nếu được tập kỹ năng sống tốt học sinh sẽ có nghị lực, sức chịu đựng trước thất bại nhờ hiểu và đủ chuyển bại thành thắng theo cách “thất bại là mẹ thành công”; còn đối với học sinh nào đó chỉ biết học và tự tin thái quá khi có sự cố về học tập không chuyển “bại thành thắng” sẽ trở nên sợ hãi, nhẹ nhất là buồn, không gặp gỡ mọi người, nặng hơn sẽ mắc bệnh tâm thần tùy theo mức độ khác nhau, và đỉnh cao của sợ là tìm cái chết. Đây là hiện tượng “xấu hổ, lo lắng, đến sợ hãi”. Nghệ thuật sống là đỉnh cao của cuộc sống, nó chỉ xuất hiện khi người ta gặp khó khăn nhất mà các kỹ năng khoa học, sự tính toán không thể giải quyết được vấn đề. Theo ngôn ngữ dân gian thì đó là “xuất chúng”, theo ngôn ngữ mỹ học thì đó là “chân giá trị được hoàn thiện”. Trình độ sống có nghệ thuật rất hiếm gặp, tuy nhiên phải tập cho con em chúng ta để nó biết cười trước sự thất bại và có năng lực tư tưởng chịu đựng trước mọi áp lực.
Sai lầm lớn nhất của HS là do lối sống gây ra, tức là con đường nhân cách chưa được hình thành rõ nét, khi con đường nhân cách trở nên thụ động thì học sinh có rất nhiều nguy cơ, ông cha ta xưa gọi là “gà tồ”, sau này gọi là “gà công nghiệp”.
2. Từ những nhận thức căn bản trên chúng ta vận dụng vào từng học sinh cụ thể cũng là cái khó, vì thế ở đây chúng ta trở lại với hai giá trị của con người, đó là giá trị lao động và kết quả lao động. Lao động phải có kết quả và không có kết quả nào không từ lao động. Khi học tập yếu tức là lao động kém thì phải xác lập kế hoạch bằng kết quả đúng, đủ. Những học sinh xác lập kết quả quá sức thường có biểu hiện đi chùa, “sờ đầu rùa Văn Miếu”…, còn số không xác định được kết quả chính xác nhưng mơ hồ ở thành tựu… sẽ dẫn đến hoảng sợ khi biết kết quả cuối cùng “thất bại”. Vì vậy mỗi học sinh phải đánh giá đúng năng lực, đặt tư tưởng phấn đấu tối đa nhưng hy vọng tối thiểu sẽ không bị đẩy đến thất vọng, sợ hãi, tự tử…
Đối với cha mẹ học sinh không nên bắt con học theo kiểu “trả thù” cuộc đời xưa mình không được học, đồng thời không nên “ham giàu” nhờ con học thành tài. Để có được nhận thức đúng này cần học lại người xưa ở hai cách cùng lúc “không thành danh thì thành nhân”, tức là học làm người còn hơn “học làm quan mà không làm người”. Một người học cao về thi cử nhưng học làm người ít thì tội của họ tương đương với học vấn. Người học làm người có thể không nổi danh, nổi giàu như thiên hạ nhưng là người cha người mẹ vĩ đại của gia đình. Tất cả những tấm gương hiếu học thành công đa phần thuộc gia đình có giá trị làm người cao hơn. Làm người tức là “tay làm hàm nhai”. Gần đây tôi có thử nghiệm ở một số nhóm học sinh bằng câu hỏi “Kỹ năng sống từ đâu?”. Các em đa phần trả lời: “từ trái tim, bộ óc, tư duy…”. Thật là nguy hiểm. Kỹ năng tức là hành vi, mà hành vi thì phải rèn kỹ mới có cơ năng được biểu hiện qua tai, mắt, miệng, mũi, chân tay, đầu, cổ, quần áo, và ứng xử cụ thể. Người ta không biết cậu ta nghĩ gì nhưng người ta sẽ biết cậu ta chửi thề, đi đứng thiếu nghiêm trang, nói năng tùy tiện… Việc này thuộc gia đình là chính. Người xưa nói: “Giỏ nhà ai quai nhà nấy”. Hoài bão “thần đồng” qua kỳ thi “lên tiên”… đều là tư tưởng xa cách học làm người.
Đối với nhà trường và xã hội thì tùy thời người ta chú trọng “hiếu học” hay “chăm làm”. Từ thực tế “hiếu học”, “chăm làm” của dân tộc, chúng ta xây dựng hệ thống giáo dục đáp ứng cho hai nhóm học sinh năng khiếu và khéo tay. Khéo tay và năng khiếu không ai hơn ai mà là cơ hội tự hơn chính mình. Nếu không chú ý đến “chăm làm” tương lai đất nước sẽ có “cái đầu to” mà tay chân thì bé tí teo, suy thoái dân tộc là cái chắc. Dạy cho học sinh tự hơn chính mình là giáo dục hiện đại thay cho giáo dục đua tranh.
Có thể nói vấn đề giáo dục là vận mệnh quốc gia và sinh mệnh con người, vì thế phải hết sức thận trọng, không được mơ hồ và thiên lệch về giá trị “chăm làm” và “hiếu học”. Mỗi gia đình đều phải tự chịu trách nhiệm về áp lực học tập trong “trường chuyên” , “thi ĐH”… vì học sinh của chúng ta đang trong quán tính “hiếu học” rất mơ hồ. Mỗi nhà trường động viên và tạo cơ hội cho học sinh yêu lao động và lao động, qua đó tạo ra bản lĩnh dũng cảm trước cả những thất bại. Đối với xã hội không nên xem có con học đại học mới chứng tỏ thân thế gia đình. Mỗi chúng ta cùng rút ra bài học và cố gắng khắc phục để không còn bị trả giá về sai lầm của mình.
GS.TS Vũ Gia Hiền
LTS: Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa thi là xảy ra những chuyện đáng tiếc, nhiều em HS bỏ nhà đi hoang và nghiêm trọng hơn nữa là tự kết liễu đời mình vì suy nghĩ “mình vô dụng không làm cha mẹ vui lòng, dòng họ nở mày nở mặt”… Cụ thể, năm nay một HS ở Quảng Ngãi đã uống thuốc rầy tự tử vì… tự nhận mình không làm tốt bài thi tuyển sinh ĐH; một HS ở Tân Bình (TP.HCM) tự tử do không đậu tốt nghiệp THPT… Tại sao ngày càng có nhiều em HS tìm đến cái chết oan uổng như vậy? Tòa soạn xin giới thiệu bài viết của GS.TS Vũ Gia Hiền về vấn đề này.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)