Cầu vượt trước Bệnh viện Gia Định vẫn chưa được người đi bộ quan tâm
|
Thời gian gần đây, hiện tượng vi phạm Luật Giao thông của người đi bộ đang trở thành nỗi lo thường trực của những người điều khiển các loại phương tiện tham gia giao thông. Điều đó không chỉ gây nguy hiểm cho chính bản thân họ mà còn nguy hiểm cho cả những người xung quanh.
Ở những “điểm đen” của thành phố, nhiều cầu vượt, hầm chui được xây lên dành cho người đi bộ nhưng không có mấy người sử dụng. Việc leo qua dải phân cách để băng sang đường một cách tùy tiện, cẩu thả vẫn thường xuyên diễn ra.
Cầu vượt “có để đó”
Để giảm thiểu tai nạn giao thông cho người đi bộ, từ lâu TP.HCM đã đầu tư xây dựng một số cầu vượt, hầm chui cho người dân sử dụng. Tuy nhiên, cầu vượt được xây dựng để tránh tai nạn vẫn bỏ không, chưa được sử dụng đúng chức năng, chưa phát huy hiệu quả và nhiều người vẫn thản nhiên băng qua đường mà không màng đến tính mạng của mình cũng như của người khác. Điển hình như trước khu vực Suối Tiên, cầu bộ hành đã có từ lâu nhưng người đi bộ vẫn leo dải phân cách qua xa lộ Hà Nội. Hành vi này không chỉ có ở người dân sống trong khu vực này mà cả những du khách đến Suối Tiên cũng như một số sinh viên của Trung tâm Giáo dục Quốc phòng gần đó. Khi được hỏi sao có cầu vượt mà không đi thì chị Linh, một người dân sống ở đây nói: “Trước giờ đi vậy quen rồi, thấy có sao đâu. Với lại chạy qua có tí việc rồi lại về liền mà cứ leo lên leo xuống cầu vượt thì vừa mệt vừa mất thời gian”. Với suy nghĩ đó, nhiều người ở khu vực này vẫn vô tư len lỏi giữa dòng xe cộ nườm nượp, trước những tiếng còi inh ỏi, cùng với sự khó chịu của các tài xế xe ô tô, xe tải… trong khi đây lại là tuyến đường mà xe cộ lưu thông với mật độ lớn và thực tế đã có nhiều vụ va chạm, tai nạn xảy ra.
Tương tự như trên, ở khu vực Khu công nghiệp Linh Trung – Thủ Đức gần quốc lộ 1A, buổi chiều tan tầm, hàng ngàn công nhân hết đợt này đến đợt khác thay nhau chạy băng qua quốc lộ dù đã có hầm chui trước mặt. Trước Khu công nghiệp Tân Tạo – Bình Tân cũng vậy. Tại đây, Nhà nước đã bỏ ra hàng chục tỉ đồng để xây dựng hầm chui nhằm tránh tình trạng ùn tắc giao thông và để người đi bộ cũng như các phương tiện lưu thông qua đây được an toàn. Thế nhưng theo quan sát của chúng tôi, mặc dù vào giờ cao điểm có người sử dụng hầm chui, nhưng cũng còn một số người chọn cách leo qua con lươn bê tông (mặc dù có hàng rào thép), nhảy qua dải phân cách giữa những dòng xe tải đang lưu thông nối đuôi nhau để qua đường. Đặc biệt, công nhân của khu công nghiệp tại khu vực này, họ đi qua đường theo từng nhóm, mỗi nhóm khoảng 10-15 người và khi tới đây, các phươngtiện kể cả ô tô đều phải dừng hoặc chạy chậm lại để “nhường”.
Bác Trần Thế Tài, tài xế xe ôm trước Bến xe An Sương cho biết: “Ở đây ngày nào cũng có người qua đường kiểu liều mạng như thế, đa số họ là hành khách đi từ các tuyến xe buýt, xe khách đến Bến xe An Sương, tôi thấy họ tìm cách chui hoặc trèo qua hàng rào thép trước những phương tiện giao thông chạy với tốc độ cao và bấm còi inh ỏi”.
Nguy hiểm luôn thường trực…
Không chỉ tại những “điểm đen” kể trên mà ngay cả trên các tuyến đường, nơi có nhu cầu đi bộ qua đường rất lớn cũng đang diễn ra tình trạng như vậy. Nhiều người vẫn chưa sử dụng cầu vượt dù biết nó an toàn cho mình. Vì vậy mà các cây cầu vượt như trước Bệnh viện Nhân dân Gia Định (quận Bình Thạnh), trước Bệnh viện Từ Dũ (đường Cống Quỳnh, quận 1), cầu Văn Thánh (đường Điện Biên Phủ, trước chợ Văn Thánh), cầu vượt ngang Công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), các cầu vượt dọc trên tuyến đại lộ Võ Văn Kiệt… hầu như chưa được người đi bộ quan tâm. Trước Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (quận 5) dù cầu vượt được xây dựng nối liền 2 khu nhà của bệnh viện nhưng ít thấy người đi trên cây cầu này. Trong khi đó tuyến đường Nguyễn Trãi xe cộ tấp nập lưu thông, nhưng có rất nhiều người dân vẫn vô tư đủng đỉnh đi bộ hoặc chạy vút qua đường rất nguy hiểm. Anh Đức – người dân sống ở khu vực này – nói: “Đi bộ vài ba bước là qua tới đường rồi, leo lên cầu chỉ cho mệt. Nhiều lúc cũng sợ tai nạn giữa đường nhưng dù sao đi như vậy cũng nhanh hơn”. Chính những suy nghĩ đơn giản như thế này của nhiều người nên đã gây ra nguy hiểm cho giao thông tại các tuyến đường.
Bài, ảnh: Anh Kiệt
Thực tế trên chính là nguyên nhân của rất nhiều vụ tai nạn. Điều này xuất phát từ ý thức của người đi bộ, tâm lý “lười” hay chủ quan, thiếu ý thức đã gây nên diện mạo xấu cho giao thông của thành phố hiện nay. |
Bình luận (0)