Việc bỏ qua triệu chứng, biểu hiện của bệnh nhân có thể do bác sĩ (BS) tắc trách nhưng cũng có thể vì thiếu thông tin làm kết quả chẩn bệnh bị sai lệch, từ đó dẫn tới điều trị không đúng phương pháp gây hậu quả nặng nề cho bệnh nhân…
Bác sĩ đang khám cho bệnh nhi (ảnh chỉ mang tính minh họa, không phải nhân vật trong bài). Ảnh: I.T |
Chẩn đoán… “ẩu”
Do giờ làm việc ở cơ quan kéo dài tới 8 giờ tối, chị Nguyễn Thị Huyền chọn phòng khám của BS H. (Q.3, TP.HCM) là địa chỉ khám chữa bệnh thường xuyên cho bé Minh Quân. BS H. hiện đang công tác tại một bệnh viện chuyên khoa nhi của TP.HCM, phòng khám tư hoạt động buổi chiều tối thường đông bệnh nhân và cũng được nhiều người truyền miệng là “mát tay” nên vợ chồng chị Huyền hoàn toàn yên tâm, tin tưởng khi Minh Quân được BS chẩn bệnh, kê đơn thuốc. Cho đến một lần khi Minh Quân gần 1 tuổi, căn bệnh viêm mũi họng của bé được BS H. điều trị đã 7 ngày mà vẫn không thuyên giảm, chỉ thấy càng ngày bé càng ăn uống kém, vật vã và khóc lóc không ngừng. Biểu hiện của Minh Quân khiến chị Huyền lo sợ rằng bé có thể bị đau bụng, chị mang con đi khám lại và bày tỏ nỗi lo nhưng BS H. gạt phăng, một mực khẳng định bé chỉ bị viêm mũi họng. Đến đêm thứ 8, Minh Quân liên tục quấy khóc, 3 giờ sáng, bé giật mình tỉnh giấc rồi khóc thét, có biểu hiện bị kiệt sức, mặt mũi xanh rờn, mồ hôi vã ra như tắm khiến vợ chồng chị Huyền phải vội vàng đưa con vào phòng khám cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1. Minh Quân được BS chỉ định cho dùng thuốc để có thể đi cầu ngay lập tức vì bị “ứ phân đại tràng”. Đúng là Minh Quân cũng bị viêm mũi họng, nhưng bé còn bị thêm bệnh về đường tiêu hóa, BS H. đã bỏ qua triệu chứng bé không đi cầu suốt mấy ngày dù được chị Huyền thông báo. Điều này khiến chị Huyền day dứt mãi sau chuỗi ngày “đứt ruột” chứng kiến con đau đớn vật vã mà vợ chồng chị vẫn mù quáng tin tưởng vào quyết định của BS H. khiến con gặp nguy hiểm.
Muốn chữa đúng bệnh, đòi hỏi BS phải giỏi, có kinh nghiệm
BS Bùi Quang Vinh – Khoa Nhi (Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM) cho biết: “Thực tế khám và chẩn đoán bệnh cho trẻ rất khó vì chủ yếu dựa vào lời khai của cha mẹ và tình trạng bệnh hiện tại. Theo nguyên tắc phải ưu tiên các triệu chứng đặc trưng, triệu chứng kèm theo và những dấu hiệu bất thường của trẻ khi khám bệnh. Tuy nhiên, thực tế lại rất sinh động không thể máy móc theo một nguyên tắc cứng nhắc được. Quan trọng là cách làm bệnh án qua việc chẩn đoán chính xác và theo dõi kỹ bệnh sử, bệnh án. Một lưu ý là cần tìm những triệu chứng gì và mất trong thời gian bao nhiêu để tìm ra bệnh. Một số trường hợp điều trị không có hiệu quả là do diễn biến bệnh phức tạp, chẩn đoán bệnh sai và liên quan đến nhiều thứ khác.
Nếu BS ở nước ngoài mỗi buổi chỉ khám nội trú từ 5 đến 10 bệnh nhi thì ở nước ta áp lực khám đông hơn từ 20 đến 30 trẻ. Riêng khám bệnh nhi ngoại trú con số phải trên 200 cháu mỗi buổi nên xác suất sai sót sẽ lớn hơn so với khám ít bệnh nhi.
Muốn chữa đúng bệnh trước hết đòi hỏi phải có BS giỏi, có kinh nghiệm. Có kinh nghiệm ở đây là tay nghề giỏi chứ không phải cứ có thâm niên là giỏi. Nên nhớ kinh nghiệm rất quan trọng nhưng không quyết định tất cả vì còn phụ thuộc vào các yếu tố khác. Lời khai của phụ huynh cũng cần thiết vì đó là một trong những cơ sở để tìm bệnh, nhất là những trẻ chưa nói được. Chẩn đoán sai dẫn đến điều trị sai nhiều khi còn do sự cẩu thả. Tâm lý cha mẹ ai cũng muốn cho con mình được chữa bệnh tốt, không gặp phải sai sót nhưng thực tế như tôi nói các phòng khám khoa nhi còn thiếu phương tiện, thiếu thời gian do quá tải và quan trọng hơn là nắm chưa kỹ bệnh lý của bệnh nhân”. N.Quang |
Vợ chồng anh Thanh Hà (ngụ ở đường Cách Mạng Tháng 8, Q.10) bắt đầu nảy sinh “định kiến” với BS tư từ lần bé Tuấn Anh (8 tháng tuổi) bị đau bụng dữ dội lúc nửa đêm. Anh lập tức mang Tuấn Anh đến phòng khám tư của BS N. (hiện công tác tại một bệnh viện phụ sản lớn ở TP.HCM) do BS N. từng dặn dò nếu chẳng may đêm hôm bé gặp sự cố về sức khỏe thì gia đình anh cứ việc cầu cứu vì là chỗ thân tình. Đúng như lời hứa, BS N. nhanh nhẹn thức dậy mở cửa và nhiệt tình thăm khám cho Tuấn Anh. Thế nhưng kết quả khám bệnh làm vợ chồng anh hoàn toàn thất vọng. BS N. không giúp được gì ngoài lời dặn dò đưa Tuấn Anh đến ngay bệnh viện chuyên khoa vì nghi bị lồng ruột, kèm theo đó là một tờ giấy… giới thiệu có chữ ký của BS. Trên đường đến bệnh viện, anh Hà bực bội vò nát tờ giấy giới thiệu và “chỉ định” cho vợ rằng từ nay không được đưa con đến khám BS tư nữa vì quá mất thời gian trong lúc con đau đớn.
BS bệnh viện lớn cũng nhầm lẫn
Khi bé Việt Liên (con gái thứ hai của vợ chồng chị Minh Hương, H.Bình Chánh) còn chưa biết nói, một lần đón con từ cơ sở giữ trẻ tư nhân về nhà, bé khóc hoài không nín, vẻ đau đớn hiện rõ trên nét mặt ngây thơ nhưng các cô giữ trẻ kiên quyết từ chối tiết lộ nguyên nhân. Mang con đi khám ở Bệnh viện Nhi đồng 2, chị Hương không cung cấp cho BS được thông tin gì ngoài triệu chứng bé quấy khóc liên tục. BS ở Bệnh viện Nhi đồng 2 đã chẩn đoán bé gãy tay trái và cho chụp X quang phần cổ tay. Kết quả không đúng với nghi ngờ của BS nên Việt Liên được cho về nhà uống thuốc. Nửa đêm hôm đó, Việt Liên sốt cao và khóc thét nên vợ chồng chị Hương phải đưa bé quay lại Bệnh viện Nhi đồng 2. BS khám kỹ rồi cho chụp X quang nguyên cả phần cánh tay trái. Kết quả là Việt Liên bị gãy phần xương cẳng tay (gần bả vai) nên phải bó bột cả tháng trời. Quá tức giận, chị tới cơ sở giữ trẻ gây áp lực, đòi thưa kiện. Lúc này cô hiệu trưởng và cô phụ trách lớp của Việt Liên mới thừa nhận bé đã bị té khi chơi cầu tuột.
Hương Lài
Bình luận (0)