Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Nguy hiểm khi hạ đường huyết

Tạp Chí Giáo Dục

Một bệnh nhân đang bị triệu chứng hạ đường huyết. Ảnh: T.L

Do chế độ ăn uống và lối sống không hợp lý nên tạo điều kiện cho chứng hạ đường huyết phát triển. Bệnh này tuy ít gặp nhưng nguy hiểm hơn tăng đường huyết.
Lúc nào cũng thấy đói
Thời gian gần đây anh Nguyễn Văn Bình ngụ ở đường Nguyễn Thượng Hiền, P.5, Q.Bình Thạnh, TP.HCM có triệu chứng sức khỏe không bình thường. Mặc dù 11 giờ trưa mới ăn cơm nhưng đến khoảng 3 giờ chiều là bụng đói cồn cào. Buổi tối cũng vậy, trước khi đi ngủ mà không có gì lót dạ là người anh mệt mỏi. Lúc đầu anh cứ tưởng do làm việc nhiều nên cơ thể cần cung cấp thêm năng lượng. Nhưng cảm giác đói của anh rất lạ, có khi tay chân run lẩy bẩy và còn thêm triệu chứng chóng mặt. Người nào ngồi đối diện nhìn anh sẽ thấy rõ những giọt mồ hôi vã ra trên sắc mặt nhợt nhạt và xanh xao. Anh đến Khoa Nội tiết Bệnh viện Nhân dân Gia Định xét nghiệm máu thì thật sự bất ngờ khi biết mình mắc bệnh hạ đường huyết. Qua lời giải thích của BS. Đỗ Thị Hạ Kỳ, anh Bình mới biết chứng hạ đường huyết là sự giảm lượng đường glucose trong máu xuống mức bình thường. Đây là một bệnh thể dịch, một bệnh sinh hóa có ảnh hưởng lớn đến các chức năng hoạt động của cơ thể con người. Tham khảo một số bạn bè là BS, anh Bình còn biết thêm hạ đường huyết có thể gây ra nhiều rối loạn cho sức khỏe, thậm chí là vô cùng nguy hiểm vì có thể gây tử vong nhanh chóng.
Nguyên nhân của chứng hạ đường huyết do người bệnh vô tình hoạt động, làm việc quá mức bình thường như tập thể dục, chạy thể thao và cả lao động nặng… Bệnh này cũng hay gặp ở những người cao tuổi, mắc các bệnh nhiễm vi khuẩn như nhiễm trùng phổi và đường tiết niệu. Các căn bệnh về thận, gan, tuyến giáp, ung thư và rối loạn các cơ quan nội tiết hormon cũng có “mối quan hệ” mật thiết với chứng hạ đường glucose. Tiểu đường – ít ai ngờ tới – cũng làm cho con người mắc chứng hạ đường huyết.
Bổ sung đường kịp thời
Các BS còn cho biết, hạ đường huyết biểu hiện qua 3 thể: Thể nhẹ như anh Bình thì luôn có cảm giác đói, tay chân bủn rủn, tim đập nhanh, mắt lờ đờ. Thể vừa làm cho người bệnh rối loạn tinh thần, đôi khi co giật và tính nết dễ bị kích động. Hôn mê sâu và co giật toàn thân thường thấy ở những người hạ đường huyết thể nặng. Nếu đường huyết hạ vừa phải, cơ thể sẽ nhanh chóng sản xuất ra glucose, mức độ nguy hiểm không lớn. Nếu bị nặng, thời gian để đường huyết trở lại bình thường sẽ kéo dài. Tuy vậy, bệnh nhân vẫn có thể hồi phục mà không có di chứng gì. Nếu bệnh nhân bị hôn mê do hạ đường huyết, cần tiêm glucagon cho họ tỉnh lại. Khi được tiêm glucagon, đường huyết sẽ tăng vì dự trữ glucose ở gan đã được giải phóng để đi vào máu. Nhưng lượng đường glucose này chỉ đủ làm bệnh nhân hồi tỉnh trong vài phút. Vì vậy, tốt nhất bệnh nhân cần ăn bổ sung thêm đường ngay sau đó. Kinh nghiệm cho thấy, bệnh nhân nên có sẵn đường hoặc các sản phẩm có đường như kẹo, bánh, sôcôla, nước ngọt… để lúc xảy ra hạ đường huyết là dùng ngay khỏi mất công tìm kiếm. Hạ đường huyết nhẹ thì dùng bánh, hoa quả, sữa… hoặc bất cứ đồ ăn nào có sẵn trong nhà. Nếu hạ đường huyết do bệnh tiểu đường thì nên tuân theo lời chỉ dẫn của BS trong việc dùng thuốc và ăn uống hằng ngày. Đặc biệt không bỏ bữa ăn, để dạ dày rỗng nhiều giờ mà phải ăn đủ lượng cacbonhydrat, ăn thêm bữa phụ, ăn nhiều rau củ quả. Đối với người do bị đái đường cần tiêm hay cho bệnh nhân uống glucose. Đặc biệt, nên tận dụng thời gian rảnh rỗi để tập thể dục thường xuyên, đúng bài bản vì đó là một liều thuốc không có tác dụng phụ cũng như không phải mất tiền mua.
Phan Ngọc Quang

Bình luận (0)