Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Nguy hiểm từ nước rửa chén trôi nổi

Tạp Chí Giáo Dục

Nên dùng các loại nước rửa chén có tên tuổi trên thị trường để đảm bảo an toàn
Hiện nay, trên thị trường bày bán rất nhiều các loại nước rửa chén có tên tuổi nên được khá nhiều các bà nội trợ biết đến. Nhưng bên cạnh đó, có không ít loại nước rửa chén không rõ nguồn gốc đang được bày bán trên thị trường với nhiều nguy cơ tiềm ẩn về mặt sức khỏe.
Nguy hiểm cho sức khỏe
Chúng tôi đã tiến hành một cuộc khảo sát nhỏ đối với các bà nội trợ trong việc chọn và sử dụng nước rửa chén. Trong số đó có nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh vấn đề này. Chị Nguyễn Cẩm Tú (35 tuổi, ngụ quận 7, TP.HCM) cho biết: “Nước rửa chén miễn sao có nhiều bọt, rửa chén đĩa sạch và có mùi thơm là tôi thường sử dụng chứ ít khi chọn mua cố định một loại nào. Có khi đi chợ thấy người ta quảng cáo với giá rẻ tôi cũng mua về dùng”. Trái với quan điểm này là ý kiến của chị Lan Anh (28 tuổi, ngụ quận Gò Vấp): “Tôi là dân văn phòng  không có thời gian nhiều cho việc đi chợ nên tôi thường vào siêu thị để mua đồ kể cả nước rửa chén. Mua trong siêu thị hàng đảm bảo về chất lượng hơn là mua ở ngoài”. Với lí do nước rửa chén chỉ dùng để rửa chén bát sao cho sạch nên nhiều người không quan tâm đến chất lượng sản phẩm, thường “gặp đâu mua đấy, ưu tiên hàng giá rẻ”. Cô Ngân (54 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè) làm công việc lau chùi, quét dọn, rửa chén ở một nhà hàng trên địa bàn quận 7 đã nhiều năm cho biết: “Chỗ tôi làm thường sử dụng một can lớn nước rửa chén mà chả biết hãng nào, cũng không tên tuổi chỉ biết hết là sẽ có người giao tận nơi. Hàng ngày rửa hàng đống chén đĩa, ban đầu chủ quan nên không mang găng tay thấy da bị ngứa, nổi mẩn đỏ nên sau đó tôi phải trang bị găng tay”. Được biết muốn mua hóa chất công nghiệp với giá rẻ thì đến chợ Kim Biên TP.HCM hầu như loại nào cũng có. Vào một cửa hàng hóa chất tại đây khi hỏi mua để pha chế nước rửa chén người bán hàng lấy ra 3 loại gồm chất tạo hương, chất tạo màu và chất tạo bọt. Họ nói rành rọt công thức pha chế cụ thể nhưng họ không biết thành phần có trong đó. BS. Trần Đắc Nguyên Anh (Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM) cho biết: “Các loại nước rửa chén trôi nổi không rõ nguồn gốc trên thị trường thường có chất tẩy rửa rất mạnh, đa số những loại hóa chất đó đều là các chất dùng trong công nghiệp nên giá thành rất rẻ. Nếu dùng để rửa bát đĩa thì khả năng chúng sẽ lưu trên chén đĩa và theo đường ăn uống vào trong cơ thể là rất cao nên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Nước rửa chén có khả năng ăn mòn, làm tổn thương đường tiêu hóa. Da tay tiếp xúc trực tiếp với hóa chất trong nước rửa chén sẽ khiến da mỏng đi, dễ bị bào mòn, viêm da”.
Đừng tham rẻ
Để đảm bảo sức khỏe và an toàn nên chọn mua các loại nước rửa chén có thương hiệu, nhãn mác đã qua kiểm định và có giấy chứng nhận an toàn sử dụng, tránh mua hàng trôi nổi, giá rẻ để gây hại cho bản thân. BS. Nguyên Anh cho biết: “Với các loại nước rửa chén có thương hiệu người ta thường quảng cáo không hại da tay nhưng các bà nội trợ cũng nên tự bảo vệ mình bằng cách đeo găng tay khi rửa chén đĩa. Nhiều người thường có thói quen khi rửa chén đổ trực tiếp nước rửa lên đó là thói quen không tốt cần phải bỏ vì khi đổ như vậy hóa chất sẽ lên chén đĩa nhiều hơn. Cần pha loãng rồi sử dụng vừa đảm bảo mục tiêu tiết kiệm vừa vệ sinh an toàn. Sau khi rửa cần tráng lại thật kĩ vì trong nước rửa chén có chất nhờn và không nên ngâm chén đĩa quá lâu trong chậu có nước rửa chén để hạn chế chất tẩy rửa lưu lại trên chén đĩa. Nên để chén đĩa khô ráo trước khi sử dụng”.
Bài, ảnh: Nghiêm Quế
Tự tử bằng nước rửa chén
Ngày 18-10, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM tiếp nhận bé gái tên P.T.P.N (14 tuổi, ngụ quận 7 TP.HCM) bị ngộ độc nước rửa chén. BS. Trần Đắc Nguyên Anh (Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2) cho biết: “Bé N. nhập viện trong tình trạng cổ họng bị bỏng rát, nói khó khăn… Được biết, trước đó bé bị bố rầy la do trong thời gian gần đây học hành bị giảm sút. Sau đó gia đình thấy bé nằm đau quằn quại ở ghế nên đã đưa bé đến bệnh viện ở quận 7 để sơ cứu rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2. Sau khi cấp cứu khỏi cơn nguy kịch bé đã thừa nhận là đã pha một ít nước rửa chén với cà phê sữa rồi uống. Bé N. do uống một lượng nhỏ nước rửa chén và gia đình đưa đi cấp cứu kịp thời nên không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Nguyên tắc cấp cứu bệnh nhân uống nước rửa chén là không được phép rửa ruột giống một số loại thuốc khác như thuốc trừ sâu, thuốc ngủ, thuốc cảm… Bởi nếu tiến hành rửa ruột thì sẽ bị tràn ra làm tổn thương các bộ phận khác trong cơ thể. Sau khi cấp cứu thành công gia đình bé N. đã xin cho bé về vì bé đang trong thời gian thi kiểm tra các môn”.
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)