Mặc dù đã được cảnh báo nhưng với thói quen ăn uống thiếu kiểm soát nhiều người đã phải nhập viện do bị liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh heo trong những bữa tiệc liên hoan trong dịp Tết Nguyên đán.
Một ca cấp cứu vì bị liên cầu lợn tại BV Nhiệt đới TW (ảnh BV cung cấp) |
Theo thông tin từ BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong kỳ nghỉ Tết vừa qua đã có 3 bệnh nhân (BN) nam bị liên cầu lợn do ăn tiết canh heo có chứa vi khuẩn liên cầu.
Tự hủy hoại cơ thể từ món khoái khẩu
Cũng may do phát hiện sớm và điều trị kịp thời hiện sức khỏe của 2 BN đã bình phục và ổn định trở lại. Đó là 2 BN mới 40 tuổi quê ở tỉnh Bắc Ninh và Ninh Bình dùng tiết canh trong ngày cận Tết sau khi gia đình giết một con heo để lấy thịt làm mâm cỗ ngày Tết Đinh Dậu. Do ăn ít nên BN chỉ bị sốt cao nhức đầu sau đó được các BS chẩn đoán viêm màng não mủ do liên cầu lợn hoành hành. Đến nay hai thực khách đặc biệt này vẫn tiếp tục điều trị tại BV và được các BS ở đây theo dõi diễn tiến bệnh hàng ngày. Riêng một BN quê ở tỉnh Nam Định dù được điều trị tích cực nhưng sau đó vẫn không qua khỏi. Đó là một người đàn ông đã 60 tuổi sau khi dùng quá nhiều món khoái khẩu từ huyết heo đã có triệu chứng sốt cao, tiêu chảy và phát ban xuất huyết hoại tử trên da. Được chuyển từ BV Đa khoa Nam Định lên BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, BN trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn và suy đa tạng do vi khuẩn liên cầu lợn đang phá hủy dần các bộ phận trong cơ thể do “nhắm mắt nhắm mũi” ăn quá nhiều tiết canh.
Trước đó anh T. quê ở tỉnh Lai Châu 35 tuổi cũng phải nhập viện trong tình trạng mệt lả, sốt cao trên da có nhiều nốt hoại tử mà nguyên nhân do “đánh chén” món tiết canh heo. Sau 5 ngày anh T. có triệu chứng tiêu chảy, sốt nhẹ và xuất hiện những mẩn đỏ trên da từ ít sang nhiều. Dù sau đó đã tỉnh nhưng BN vẫn còn tình trạng sốc, có ban hoại tử toàn thân chủ yếu tay và chân, Ngoài rối loạn đông máu nặng, BN còn bị tắc mạch hoại tử đầu ngón chân ngón tay.
BS Nguyễn Trung Cấp – Khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) trao đổi, liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu lây từ heo. Biểu hiện lâm sàng của bệnh đa dạng nhưng hay gặp nhất là viêm màng não mủ và sốc nhiễm khuẩn, với tỷ lệ tử vong cao. |
Theo báo cáo của Bộ Y tế hàng năm vào dịp cận Tết số người mắc bệnh nhiễm khuẩn liên cầu lợn luôn tăng cao do giết mổ heo tại nhà tăng. Hàng năm BV tiếp nhận khoảng 100 ca mắc liên cầu khuẩn từ nhiều địa phương chuyển đến. Phần lớn các ca bệnh đều liên quan đến ăn tiết canh hoặc tham gia giết mổ heo. Ngoài tiết canh heo, nhiều nơi vẫn còn có thói quen ăn tiết canh vịt, bê, dê vào dịp lễ tết. Đây chính là thủ phạm gây nhiễm vi khuẩn liên cầu phá hủy các bộ phận bên trong cơ thể ảnh hưởng đến tính mạng con người. BS Nguyễn Trung Cấp – Khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) trao đổi, liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu lây từ heo. Biểu hiện lâm sàng của bệnh đa dạng nhưng hay gặp nhất là viêm màng não mủ và sốc nhiễm khuẩn, với tỷ lệ tử vong cao.
Đừng để hối hận thì đã quá muộn
Theo BS Cấp, liên cầu khuẩn là bệnh từ động vật lây sang người do vi khuẩn liên cầu lợn gây ra mà nguyên nhân là do người bệnh ăn thịt chưa được nấu chín, ăn tiết canh các loại động vật. Một số ngươi chỉ tiếp xúc với máu và thịt sống qua các vết thương ở da, đường hô hấp cũng bị vi khuẩn liên cầu tấn công. Đáng lo ngại hơn không chỉ heo bệnh truyền bệnh mà các con heo khỏe mạnh cũng có liên cầu khuẩn lưu trú vùng hầu họng. Vì thế cứ ăn thực phẩm chưa được nấu chín dù con vật đó lành hay bị bệnh vẫn có thể “dính chàm”. Liên cầu lợn lây sang người gồm 3 thể: nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai như các trường hợp bệnh đã mắc trong dịp Tết Đinh Dậu vừa qua. Tùy từng thể mắc mà diễn biến bệnh nặng hay nhẹ vì có trường hợp mới bị mắc mà đã rất nặng.
Về triệu chứng, khi mắc bệnh do liên cầu lợn, người bệnh thường có biểu hiện sốt nhẹ rồi sau đó cao dần, tai bị ù như điếc không nghe rõ. Dễ nhìn nhất là xuất huyết dưới da từng mảng thâm tím như hình xăm nếu nặng thì gây hoại tử từng phần, sau đó xuất huyết tiêu hóa bên trong. Nếu không được phát hiện sớm hoặc không điều trị kịp thời thì sau đó người bệnh có thể bị nhiễm độc tố rất nặng nguy cơ tử vong là không thể tránh khỏi. Để phòng bệnh liên cầu khuẩn, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Không ăn tiết canh, nội tạng heo và các sản phẩm từ thịt heo chưa được nấu chín. Nói không với các loại thịt có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, ăn uống có chọn lọc vệ sinh khoa học không gặp gì ăn nấy dù được mời miễn phí. Nhiều người chỉ một lần chứng kiến người nhà bị liên cầu lợn là lần sau không dám dùng tiết canh heo hay thịt sống như các món tái, món gỏi. Vẫn có người dù được báo chí, truyền thông cảnh báo nhưng vẫn xem thường, nhắc đến các món khoái khẩu như thịt tái, tiết canh heo là đã thèm thuồng nên sớm muộn gì cũng “dính” vi khuẩn liên cầu lợn. Đừng để lúc hối hận thì đã quá muộn.
Nguyễn Hoàng Anh
Bình luận (0)