Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” viết về Trạng Trình Quốc Công như sau: “Vua Mạc tôn như bậc thầy, khi trong nước có việc quan trọng vẫn sai sứ đến hỏi ông. Có lúc còn triệu ông về kinh để hỏi mưu lớn. Ông học rộng, hiểu sâu nghĩa lý Kinh Dịch, mưa nắng, họa, phúc việc gì cũng biết trước”.
Tiết học sân khấu hóa tác phẩm văn học của học sinh Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM (ảnh minh họa). Ảnh: N.T
Nguyễn Bỉnh Khiêm còn có nhiều môn đệ tiếng tăm lẫy lừng như Nguyễn Dữ, Lương Hữu Khánh, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Quyện, Giáp Hải, Trương Thời Cử, Đinh Thời Trung, Nguyễn Văn Chính… Những người này có sở học đạt đến trình độ uyên bác và đều là danh thần vang tiếng một thời.
Ngày nay nhìn lại, chúng ta thấy bóng dáng Nguyễn Bỉnh Khiêm rất lớn, là cây đại thụ che mát cả một khoảng sân rộng của lịch sử và văn học thời kỳ trung đại.
Xuất thế để… hành đạo!
So sánh về thái độ “nhập thế” để hành đạo với đời thì Nguyễn Bỉnh Khiêm có phần giống với Phan Bội Châu, vì cả hai đều bất mãn thời cuộc mà buổi đầu “ẩn chí đợi thời”, chẳng màng thi thố tài năng.
Trong lúc, về sau, Phan Bội Châu với than vắn thở dài rằng “Hiền thánh còn đâu học cũng hoài” nhưng vì bất đắc dĩ với chữ “danh” để mà hành sự, vậy nên phải quy lụy quan trường tòng theo lời răn của Khổng Tử: danh phải chính để cho ngôn được thuận. Thì trước đó, trong thời buổi Lê suy, “không còn cảnh tượng thái bình”, “khắp nơi chỗ nào cũng máu chảy thành sông, xương chất thành núi”, Trình Quốc công không chịu ra thi, mà ẩn sĩ chờ thời. Phải đến khi nhà Mạc thay Lê, Nguyễn Bỉnh Khiêm mới ra ứng thí. Và chỉ cần xắn tay vẩy bút, cả hai người đều đã đỗ giải nguyên.
Về thái độ “xuất thế” để lánh đục tìm trong, thì Nguyễn Bỉnh Khiêm lại có phần giống Tam nguyên Yên Đỗ. Vì, Bạch Vân Cư Sĩ cáo quan ẩn dật sau tám năm ngao ngán lộng thần nơi chốn quan trường, thì Nguyễn Khuyến cũng chỉ làm quan được mười năm rồi cáo quan. Và, cả hai từ quan nhưng đều canh cánh trong lòng bởi trách nhiệm kẻ sĩ. Thế mà cách ứng xử sau đó lại khác. Nguyễn Khuyến dù day dứt: “Ơn vua chưa chút báo đền/ Cúi trông hổ đất, ngửa lên thẹn trời” nhưng lại có phần cự tuyệt khi dặn con: “Đề vào mấy chữ trong bia/ Rằng: Quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu” (Di chúc). Còn Nguyễn Bỉnh Khiêm, “vì muốn tác động đến thời cuộc và vì sự ràng buộc của nhà Mạc đối với những sĩ phu có uy vọng, ông đã trở lại tham chính” (Từ điển Văn học, bộ mới, NXB Thế giới, tr. 1.108). Rồi sau đó phải đến bảy mươi tuổi Nguyễn Bỉnh Khiêm mới treo mũ từ quan.
Học sinh vẽ tranh về bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm (ảnh minh họa). Ảnh: NT
Vì vậy, có thể thấy, Nguyễn Bỉnh Khiêm là một hiện tượng khá đặc biệt trong lịch sử trung đại. Trong con người, ông là người nhập cuộc với triết lý Khổng giáo. Trong sáng tác, nhất là khi về ẩn, lập “quán”, xây chùa, thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm vừa có thiên hướng thế sự vừa nhuốm nhiều màu sắc tư tưởng Lão Trang.
Đoạn “trung chuyển” trong dòng chảy thơ Nôm dân tộc
Xét về vị trí của các tác giả trong dòng chảy văn học, nếu Nguyễn Trãi là người kết tinh thời kỳ vàng son văn hóa Lý – Trần, thì Nguyễn Bỉnh Khiêm là người theo sau, kế thừa tinh hoa Nguyễn Trãi và đạt đến đỉnh cao, thêm một bước hoàn thiện cả về tư tưởng, bút pháp, và thể loại cho thi ca dân tộc. Chỉ cần so sánh thơ Nôm đủ cho ta thấy điều đó: Nếu Quốc âm thi tập (được xem là tập thơ viết bằng chữ Nôm sớm nhất của văn học nước nhà), mặc dù được Nguyễn Trãi ý thức cách tân “Nôm hóa” thơ thất ngôn Đường luật chữ Hán bằng nhiều câu thơ lục ngôn, song vẫn còn đậm đặc yếu tố cổ điển. Thì đến Bạch Vân quốc ngữ thi, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã “lột xác” cho thơ Nôm dân tộc, “Việt hóa” rất nhiều, từ ngôn từ, mỹ cảm cho đến tâm thức… Tất cả đều nhuốm màu thế sự, thấm đẫm hơi thở thời đại, đậm đặc đạo lý luân thường. Mà phải chờ khá lâu sau đó, chờ đến áng thơ Nôm trác việt kết tụ linh hồn dân tộc Truyện Kiều (Nguyễn Du) và thơ Nôm của “bà chúa” Hồ Xuân Hương, dòng chảy thơ Nôm Việt Nam mới thật sự thăng hoa, đạt đến đỉnh cao của sự hoàn hảo. Nhìn bao quát ra như thế để thấy rằng, trong dòng chảy ấy, Nguyễn Bỉnh Khiêm là chiếc cầu nối, là một mắt xích quan trọng, là vị trí khó có thể thiếu trống.
Bạch Vân quốc ngữ thi là đoạn “trung chuyển” của dòng chảy ấy, mà tiêu biểu nhất là bài thơ Nhàn (Thú nhàn). Bài thơ này của Nguyễn Bỉnh Khiêm từ lâu đã được đưa vào giảng dạy ở chương trình Ngữ văn lớp 10. Đây được xem là bài thơ khá đặc biệt vì nó kết tinh tư tưởng sâu sắc quan niệm sống của những bậc đại hiền triết thức giả Á Đông xa xưa. Những chiêm nghiệm sống ấy của tác giả ngày nay vẫn còn nguyên những giá trị thực tiễn với nhiều thâm thúy sâu sắc trong cách nhìn và quan niệm nhân sinh sâu sắc.
Nhà tiên tri “số 1” của dân tộc
Nhiều giai thoại và sử sách ghi lại Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà tiên tri với nhiều lời “sấm” truyền, những lời mách bảo nhằm hạn chế chiến tranh đổ máu, hạn chế dịch bệnh. Theo Wikipedia tiếng Việt: “Ông cũng được sử sách và người đời thừa nhận rộng rãi với tư cách là một nhà dự báo, hoạch định chiến lược kỳ tài, với tầm nhìn địa chính trị đi trước thời đại nhiều thế kỷ. Những lời cố vấn nổi tiếng của ông dành cho các tập đoàn quyền lực phong kiến Mạc, Lê – Trịnh, Nguyễn (nói theo lời của danh sĩ Nguyễn Thiếp là phiến ngữ toàn tam tính) đã có ảnh hưởng to lớn, mang tính bước ngoặt đối với tiến trình của lịch sử dân tộc và từ đó tác động lớn tới quan hệ địa chính trị của cả khu vực Đông Nam Á trở về sau”. Theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, Nguyễn Bỉnh Khiêm là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có một tầm nhìn chiến lược thấu suốt về chủ quyền của đất nước trên biển Đông ngay từ thế kỷ 16.
“Sấm Trạng Trình” từng mách bảo nhà Mạc chạy lên Cao Bằng lập nghiệp. Từng khuyên Trịnh Kiểm “giữ chùa thờ Phật được ăn oản”, căn cớ lập nên nhà Lê. Từng khuyên chúa Nguyễn Hoàng lập nên vùng đất Thuận Hóa với câu nói ẩn ý nổi tiếng “hoành sơn nhất đái khả dĩ dung thân”. Tại xã Nam Tân (Nam Đàn, Nghệ An) còn lưu lại câu chuyện về khe Bò Đái, gắn liền với câu sấm truyền đời được cho là của Trạng Trình – Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Đụn Sơn phân giải/ Bò Đái thất thanh/ Nam Đàn sinh thánh”. Phải chăng vì lý do này mà trong Cao Đài Tam Thánh (thờ tại Tòa thánh Cao Đài tỉnh Tây Ninh), người ta lại chọn Nguyễn Bỉnh Khiêm đứng cạnh nhà cách mạng Trung Quốc Tôn Dật Tiên và đại văn hào Pháp Victor Hugo…
Trần Ngọc Tuấn
Bình luận (0)