Chúng ta đã gặp lời giới thiệu Mã giám sinh khi hắn đến nhà Vương ông mua Thúy Kiều: Hỏi tên rằng: Mã giám sinh/ Hỏi quê rằng: huyện Lam Thanh cũng gần. Trong cách giới thiệu ấy đã có sự coi thường tên họ Mã. Nhưng đến lúc Mã dẫn Kiều ra đi cụ Nguyễn mới thực sự khinh khi, miệt thị: Chẳng ngờ gã Mã giám sinh/ Vẫn là một đứa phong tình đã quen. Từ gã đi liền với đứa, cụ Nguyễn đã tỏ thái độ khinh miệt nhân cách, lối sống của Mã. Phong tình là tính trăng gió, lăng nhăng. Cái tính ấy chẳng hay ho gì, thường chỉ xuất hiện một thời ở tuổi thanh xuân của hạng người không đứng đắn. Ở đây, Mã với cái tính ấy đã quen, tức cái tính phong tình ấy lặp đi lặp lại nhiều lần, nó thành thân thiết, gần gũi, gắn bó. Chưa hết, cụ Nguyễn (cũng như Thanh Tâm Tài Nhân) cho biết vì quá khứ chơi bời, hắn đã khánh kiệt gia tài (Thanh Tâm Tài Nhân), đã đến lúc túng bấn, đã gặp vận rủi (hồi đen – Truyện Kiều). Người ta khi gặp bỉ vận thì lo làm ăn mà sống với đời, còn hắn: quen mồi lại kiếm ăn miền nguyệt hoa. Sao lại quen mồi? Thường những con vật như con cá, con rắn… mới quen mồi. Hay Mã đã mất hết nhân cách, hắn sống như thú vật? Mà quen mồi để kiếm sống nghe ra còn đỡ ô nhục đây lại là kiếm ăn. Ăn cái gì ở miền nguyệt hoa? Đoạn sau, cụ Nguyễn lại cho mụ Tú bà: ăn gì to lớn đẫy đà làm sao, quả thật chữ ăn là một dụng ý, dụng công. Mã muốn kiếm ăn chốn này, Mã phải dựa vào chủ chứa lầu xanh. Trong nguyên truyện (TQ) mụ Tú bà thuộc hạng với mụ chủ lầu xanh của Đạm Tiên và được chỉ đích danh là bảo mẫu. Chữ bảo có nhân đứng một bên là người thay thế cha mẹ dạy dỗ các cháu, còn chữ bảo ở đây có bộ trùng. Từ điển ghi: Bảo mẫu là một loài chim giống chim nhạn, mình loang lổ, tính rất dâm. Từ Hải Từ Điển còn ghi rõ “hỷ dâm vô yếm” (thích chuyện dâm không chán). Thông thường, các cô gái lỡ vào chốn lầu xanh, một thời cực nhục, kiếm ít vốn hoàn lương về già. Mụ Tú bà không hoàn lương, mụ tiếp tục lấy cái sự bán dâm làm nghề nghiệp, làm niềm vui và sinh kế. Cụ Nguyễn viết tế nhị: Lầu xanh có mụ Tú bà/ Làng chơi đã trở về già hết duyên.
Vậy nên, Mã gặp Tú bà là cặp bài trùng: mạt cưa mướp đắng đôi bên một phường (xưa có người đem mạt cưa ra chợ bán giả làm cám heo, có người lấy mướp đắng nói lừa là dưa chuột. Các cụ Trương Vĩnh Ký – Phạm Kim Chi – Tản Đà đều chú như thế, nay có người phản bác. Cần bàn thêm. Chỉ biết chúng là phường đểu giả, không thật). Nói sự hợp tác làm ăn của Mã và mụ Tú, cụ Nguyễn hạ một từ thật đáo để: chung lưng mở một ngôi hàng. Người ta làm ăn thì chung vốn, chung sức, chung lòng sao lại chung lưng? Hóm hỉnh và mỉa mai!
Bản chất giả dối nên cung cách làm ăn của chúng cũng đểu giả, lừa gạt: Dạo tìm khắp chợ thì quê/ Giả danh hầu hạ, dạy nghề ăn chơi. Mã đến chợ, có bản chú thích là thành thị, chúng tôi nghĩ khác: chợ nơi tập trung đàn bà con gái. Thì quê là nông thôn, thiếu nữ nhà quê thật thà và hay rơi vào cảnh túng bấn… Mã đóng kịch, giả danh, tìm vợ bé, tìm người hầu hạ… Chính vì vậy mà khi đến nhà Kiều: trước thầy sau tớ lao xao!
Chính vì những lẽ ấy, Thúy Kiều bị Mẹo lừa đã mắc vào khuôn. Mẹo lừa hiểu theo nghĩa thông thường là mưu thuật lừa dối thiên hạ nhưng cụ Đào Duy Anh nêu thêm một ý nghi ngờ: mẹo lừa là một bộ phận trong khung dệt vải. Khi sợi chỉ mắc vào mẹo lừa, tức xong việc chuẩn bị, có thể dệt vải… Thúy Kiều đã mắc vào bẫy, mắc vào mưu gian.
Trong đoạn thơ này, thi sĩ Tản Đà còn khoái chí với hai chữ chẳng ngờ. Mở đầu hai chữ chẳng ngờ đã đem tung tích của bọn chúng mà bày ra, “thật đã tốn nhiều công khuôn xếp”.
Lê Xuân Lít
Bình luận (0)