Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nguyên liệu “ăn đong”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Phần lớn các doanh nghiệp chế biến nông sản trong nước hiện nay chưa thiết lập được nguồn nguyên liệu ổn định và thường xuyên trong cảnh “ăn đong” nên khó đáp ứng đơn đặt hàng.
Theo ông Chu Văn An, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Minh Phú, hiện các nước trong khu vực rất chú trọng quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu bền vững. Như ở Thái Lan, việc trồng cây gì, nuôi con gì ở khu vực nào, nhà máy chế biến công suất bao nhiêu được xem xét và triển khai rất bài bản. Trong khi đó ở nước ta, mọi thứ đều gần như tự phát.

Để tránh “ăn đong”, ngành thủy sản cần được quy hoạch nguồn nguyên liệu. Trong ảnh: Chế biến bạch tuộc xuất khẩu tại Công ty Hai Thanh. Ảnh: HỒNG THÚY
Khó thoát vòng luẩn quẩn
Thời điểm này nhiều nhà máy thủy sản tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang hoạt động cầm chừng, chỉ với 30% – 40% công suất do thiếu nguyên liệu. Nguồn cung không đủ, giá tôm nguyên liệu liên tục được đẩy lên cao trong vài tháng gần đây. Hiện tôm sú loại 20 con/kg đang ở mức 185.000 đồng/kg, loại 30 con/kg ở mức 150.000 – 160.000 đồng/kg; tăng trung bình 20.000 đến 25.000 đồng/kg so với tháng trước. Nhiều nhà máy rơi vào tình trạng sản xuất cầm chừng, chỉ sản xuất 10% công suất. Lãnh đạo một công ty chế biến thủy sản than phiền rằng, mỗi ngày công ty này chỉ mua được gần 15 tấn tôm, trong khi sức tiêu thụ của họ được thiết kế trên 150 tấn tôm/ngày.
VN xuất khẩu cao su thiên nhiên đứng top 5 thế giới, nhưng ngành công nghiệp sản xuất các sản phẩm từ mủ cao su thiên nhiên vẫn thường xuyên trong tình trạng bị động về nguồn nguyên liệu. Hiện nhiều đơn vị sản xuất phải gồng mình nhập về mủ cao su với giá tăng lên đến 300% so với thời điểm tháng 4-2009. Một cây cao su khai thác được phải mất khoảng thời gian chăm bón 7 năm. Vì vậy, nếu các doanh nghiệp chế biến không có chiến lược dài hạn trong đầu tư nguồn nguyên liệu thì khó thoát khỏi cảnh “ăn đong”.
Tình trạng thiếu mía nguyên liệu cũng luôn là “chuyện dài”. Nhiều nhà máy đường hằng năm chỉ khai thác được từ 20%-30%. Trong khi đó, ở một số địa phương, việc kêu gọi và cấp phép cho các nhà máy và cơ sở chế biến vẫn đang diễn ra ồ ạt. Cái vòng luẩn quẩn “được giá, thiếu nguyên liệu” đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra.
Liên kết và cam kết
Hiện nhiều nhà máy chế biến đang tự tìm cách cứu mình trong việc chủ động đầu tư vùng nguyên liệu. Như Công ty CP Thủy sản Minh Phú, đã đầu tư sản xuất con giống ở Ninh Thuận, liên kết với nông dân nuôi trên 600 ha tôm theo mô hình khép kín ở Kiên Giang và Cà Mau nhằm ổn định nguyên liệu sản xuất.
Xây dựng các vùng nguyên liệu là điều rất cần thiết trong việc phát triển nông sản thương hiệu Việt. Tính ổn định của nó sẽ làm tăng giá trị lợi nhuận cho cả doanh nghiệp lẫn nông dân. Tuy nhiên, thực tế không phải doanh nghiệp chế biến nào cũng đủ lực để đầu tư chủ động được nguyên liệu đầu vào. Việc quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu bền vững đòi hỏi ở tầm vĩ mô. Trao đổi với phóng viên Báo NLĐ, ông Lê Thế Chỉ, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cà phê VN, cho rằng vấn đề này cần những cú hích đột phá từ chính sách của Nhà nước. Trước hết, phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng và các chính sách ưu đãi để huy động nguồn vốn tập trung về nông thôn, nhằm phát triển vùng nguyên liệu và công nghiệp chế biến.

Cần quy hoạch để có chính sách đầu tư
Ông Nguyễn Đình Long,Viện phó Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho biết: Cần căn cứ vào lợi thế của các ngành để xây dựng các vùng nguyên liệu cụ thể, xác định được địa điểm, quy mô. Muốn xây dựng được vùng nguyên liệu trong nông nghiệp cần có các quỹ đất thích hợp, các chính sách về quản lý và sử dụng đất, tăng cường các biện pháp kỹ thuật khuyến nông, hỗ trợ tốt về cơ sở hạ tầng cho từng vùng nguyên liệu. Nhà nước cần đóng vai trò quan trọng trong việc gắn kết giữa nhà máy chế biến với vùng nguyên liệu, tạo nên kết cấu bền vững…

 Khánh Mai/ Người Lao Động


Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)