Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Nguyễn Ngọc Ký và 60 năm truyền lửa

Tạp Chí Giáo Dục

Từ ngày cậu bé Ký bắt đầu dùng chân viết nên câu chuyện Tôi đi học đến nay đã gần tròn 60 năm. 60 năm làm thần tượng của nhiều thế hệ.

Nhưng thần tượng sáng rõ và bền bĩ ấy chắc chắn không thể chỉ nhờ tài viết, vẽ bằng chân hay tài làm thơ, sáng tác câu đố…
Thầy Nguyễn Ngọc Ký giao lưu với học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Q.3, TP.HCM – Ảnh: Tự Trung
Sáng 12-11, Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Q.3, TP.HCM. “Các em viết chữ đẹp có khó không? Làm thủ công khó không? Khó à. Làm văn, làm toán khó không? Ừ, khó nhỉ. Nhưng chỉ cố gắng một chút là xong ngay ấy mà…”. Thầy Nguyễn Ngọc Ký ngồi trên ghế cao cầm bút viết, ký tên, cầm kéo thoăn thoắt cắt chữ bằng chân trước hàng ngàn cặp mắt tròn xoe, trong veo của các bé học sinh tiểu học.
Hơn một nghìn cuộc giao lưu
Áp lực nghề giáo
Bản thân nghề giáo đã là một áp lực, thầy giáo luôn phải giữ một hình ảnh đẹp đẽ, chỉn chu trong mắt học sinh. Được nhiều người biết đến, yêu mến, giúp đỡ và cả trông đợi, gửi gắm, tôi quả cũng có áp lực. Áp lực ấy thúc đẩy mình phải luôn cố gắng hơn nữa, nỗ lực hơn nữa để vượt lên chính mình ngày hôm nay. Tôi ý thức được điều đó từ khi nhận được chiếc huy hiệu do Bác Hồ gửi tặng lần đầu tiên, khi đoạt giải học sinh giỏi toán năm lớp 7 và luôn luôn đặt ra những mục tiêu phấn đấu.
Đến hôm nay, ở mé bên kia cuộc đời, mục tiêu của tôi là giữ tâm lành, sống vui và cố gắng mang đến cái lành, cái vui cho mọi người.
Thầy Nguyễn Ngọc Ký

Lại đến một đặc sản khác mang tên Nguyễn Ngọc Ký: những câu đố, niềm say mê của bất kỳ đứa trẻ nào. Mà mỗi câu đố của thầy Ký lại như một bài học tiếng Việt, một bài học làm người: Ai người đã sinh ra ta/ Nghĩa tình dào dạt như là suối tuôn/ Chắt chiu từng giọt sữa thơm/ Nuôi ta ngày tháng lớn khôn nên người… Không khí trong sân trường như được thắp lửa, những cánh tay hối hả, rối rít đưa lên, lại có mấy cô bé trầm tư, lẩm nhẩm học thuộc lòng tại chỗ.

Vòng tròn học sinh tay cầm sách đứng chờ thầy ký tặng càng lúc càng chật, trong đó có không ít giáo viên cũng háo hức, chờ đợi vì đã “thần tượng thầy Ký từ hồi còn nhỏ xíu”. Các anh chị lớp 4, lớp 5 thì đã được biết thầy qua bài học “Bàn chân kỳ diệu” trong sách tiếng Việt lớp 4 rồi, các em lớp 1, 2, 3 chưa biết nhưng ấn tượng về những con chữ hiện ra trên bàn chân thì mãi mãi không phai.
Từ hôm được gặp thầy Ký, bé Gia Hân (lớp 1 Trường Hồng Hà, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã không còn phụng phịu mỗi lần ngồi vào bàn tập viết vì “thầy Ký viết được chữ đẹp bằng chân kia mà”, bé Hải Quỳnh (lớp 3 Trường Nguyễn Thái Sơn, Q.3) đã biết rằng đi học là niềm vui cho cả đời…
Đây đã là buổi giao lưu lần thứ gần 1.000 của thầy Nguyễn Ngọc Ký ở TP.HCM, lần thứ một ngàn mấy trăm của thầy ở 26 tỉnh, thành phố trên cả nước. Lịch giao lưu của thầy Ký được đánh dấu chi chít: 15-11 Trường Trịnh Hoài Đức, 16-11 Trường An Phú, 17-11 Trường Trần Quốc Tuấn (Bình Dương), 19-11… Hình ảnh của thầy từ đó mà đi vào lòng bao nhiêu thế hệ học sinh, vừa dung dị lại vừa lung linh.
Giấc mơ của đôi chân
Từ ngày cậu bé Ký bắt đầu dùng chân viết nên câu chuyện Tôi đi học trên những cánh đồng Hải Hậu, Nam Định ấy đến nay đã gần tròn 60 năm. 60 năm làm tấm gương sáng, 60 năm làm thần tượng sáng rỡ và bền bỉ ấy chắc chắn không thể chỉ nhờ ở tài viết, vẽ, làm thủ công bằng chân, cũng không thể chỉ nhờ ở tài làm thơ, sáng tác câu đố hay cả hai tài ấy cộng lại. Đến tìm thầy trong căn nhà nhỏ ở Gò Vấp thì thấy ngay câu trả lời được viết bằng “túc bút” Nguyễn Ngọc Ký treo ngay trên tường: Để làm ngọn lửa con/ Nến tự thiêu mình trong nước mắt/ Câu thơ cuộc đời, khoảnh khắc trăm năm.
Ra thế. Nến thiêu mình, còn Nguyễn Ngọc Ký đã vắt mình suốt 60 năm để giữ mãi tấm gương sáng đến hôm nay.
Ngày ấy cậu bé Ký quặp viên gạch non trong hai ngón chân tập viết trên sân. Rồi gạch thay bằng bút, sân thay bằng vở nhưng Ký phải viết hàng trăm lần để có một con chữ tròn trịa, phải làm hàng trăm lần một bài thủ công, tập xoay compa hàng chục lần để được học hình học. Ký cứ thế mà trở thành học sinh giỏi toán toàn miền Bắc, sinh viên duy nhất có tác phẩm xuất bản ngay khi vừa tốt nghiệp của khoa văn.
Rồi Ký thành thầy giáo. Không cầm được phấn, viết bảng bằng chân trước mặt học trò không phải hình ảnh đẹp nên thầy giáo Ký lại phải vắt óc tìm ra những cách của riêng mình. Viết lên bảng không quan trọng bằng viết vào trí óc, tâm hồn, tình cảm học trò, những giờ giảng văn của thầy Ký vì thế đầy ắp những bình luận ấn tượng có khi là bằng thơ, đầy ắp những câu hỏi mang tính gợi mở để học trò tự tìm ra cái thần, cái hồn của tác phẩm, tự ghi chép bài học. Tuy thế, đã dạy học thì vẫn phải có bảng. Tấm bảng viết sẵn có mành giấy che phủ, hệ thống ròng rọc kéo mành xuống từ từ theo lời giảng. Trên ấy, chỉ những gì cô đọng nhất của nội dung tác phẩm được ghi lại, có khi lại là một hình vẽ đơn giản nhưng thật ấn tượng để in sâu vào trí nhớ học sinh, cái đích đến cuối cùng của bài giảng. Tiết dạy của thầy được giải nhất giáo viên dạy giỏi toàn tỉnh, những bức tranh vẽ nên văn đã được giải sáng tạo dụng cụ học tập toàn quốc, kinh nghiệm được đồng nghiệp học hỏi, học trò hoan nghênh…
Nồng ấm tình thầy trò
Rời miền quê Nam Định vào TP.HCM cách nay 20 năm, thầy Ký không mang theo giấc mơ nào, chỉ mong chữa được bệnh viêm cầu thận.
Người mơ Nguyễn Ngọc Ký sẽ lấp lánh hơn nữa trong khoảng trời mới lại là giáo sư Hoàng Như Mai, người hướng dẫn luận văn tốt nghiệp của Ký ở Đại học Tổng hợp Hà Nội từ năm 1970 và cũng là người hướng Ký vào với nắng gió phương Nam. Đến nay, thầy trò họ đã gắn bó với nhau gần nửa thế kỷ, ân tình vẫn nồng ấm như thuở nào.
Ánh mắt tuổi 94 của thầy Hoàng Như Mai không thôi trìu mến khi nhìn thầy Nguyễn Ngọc Ký vừa ra khỏi phòng chạy thận, tay còn đeo băng đã đến thăm thầy nhân dịp 20-11. Thầy Mai nhớ lại: “Khi công tác ở Sài Gòn, thấy điều kiện thuận lợi, lại nghe Ký bị bệnh ngoài kia, tôi liền viết thư khuyên Ký vào Sài Gòn”.
Để chuẩn bị cho học trò, thầy Mai viết bài giới thiệu “Một học sinh có chí” trên báo Sài Gòn Giải Phóng, lại chu đáo kết nối với Phòng giáo dục Gò Vấp tìm sẵn một chỗ làm, và khi Nguyễn Ngọc Ký vừa xuống tàu hôm trước, hôm sau thầy đã đưa trò đến giao lưu ra mắt ở Trường ĐH Sư phạm.
Từ bấy đến nay đã 20 năm. Ngày ấy, sau một tháng bỡ ngỡ, thầy Ký viết bài “Có một Sài Gòn nhân ái” trên báo Tuổi Trẻ như một phát hiện mới của bản thân. 20 năm, thầy Ký đã có cả một sự nghiệp ở Sài Gòn. Hàng ngàn buổi giao lưu, hàng chục đầu sách, hàng chục năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục ở Gò Vấp, hàng ngàn ca tư vấn tâm lý học đường, lối sống, tình yêu trên tổng đài 1088, lại có cả người quản lý để sắp xếp lịch giao lưu dày đặc xen lẫn với lịch vào bệnh viện chạy thận nhân tạo, được Công ty đầu tư và phát triển giáo dục Sài Gòn nhận độc quyền việc phát hành sách…
Điểm lại cuộc đời mình, thầy Ký bảo: “Tôi không may bị liệt hai tay, nhưng bù lại cả đời gặp toàn người tốt. Từ cha mẹ, thầy cô, anh em, bạn bè, người yêu, những người tuyệt vời ấy đã cho tôi những nấc thang đời để tiến lên”. Và thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký quả là đã tỏa sáng trong vòng tay những người tốt ấy, viết nên một câu chuyện thật đẹp và có hậu trong đời.
PHẠM VŨ
Theo Tuổi Trẻ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)