Các ngôi sao nhấp nháy liên tục trên bầu trời đêm là do ánh sáng phát ra từ chúng bị khúc xạ nhiều lần khi đi qua bầu khí quyển của Trái Đất.
Ngôi sao và hành tinh đều có ánh sáng không thay đổi khi nhìn từ ngoài không gian. Nhưng nếu quan sát ở trên Trái Đất, ngôi sao trông vẻ sáng lấp lánh trên bầu trời, còn hành tinh thì không, theo Earth Sky.
Các ngôi sao nhấp nháy liên tục trên bầu trời, còn hành tinh thì không.
Các ngôi sao sáng lấp lánh vì ở khoảng cách rất xa so với Trái Đất. Thậm chí nếu nhìn qua kính thiên văn, chúng chỉ xuất hiện như một điểm nhỏ. Khi ánh sáng phát ra từ ngôi sao đi qua bầu khí quyển Trái Đất, nó sẽ bị khúc xạ làm thay đổi hướng di chuyển một chút.
Do mật độ và nhiệt độ trong các lớp khí quyển khác nhau, ánh sáng sẽ đi theo đường zig-zag để tới mắt người quan sát thay vì đi theo đường thẳng, nên chúng ta có cảm giác ngôi sao đang nhấp nháy.
Hành tinh ở khoảng cách gần hơn so với Trái Đất. Chúng xuất hiện như những chiếc đĩa nhỏ xíu trên bầu trời. Ánh sáng từ chiếc đĩa nhỏ này cũng bị khúc xạ bởi bầu khí quyển Trái Đất, trên đường tới mắt người quan sát.
Trong khi ánh sáng phát ra từ một điểm trên "đĩa hành tinh" buộc phải di chuyển theo đường zig-zag, thì ánh sáng phát ra từ điểm đối diện của đĩa di chuyển zig-zag theo hướng ngược lại làm triệt tiêu lẫn nhau. Đây là lý do hành tinh không phát ra ánh sáng nhấp nháy.
HT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)