Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lại một lần nữa làm chấn động thị trường sách khi truyện dài mới nhất của ông – Cây chuối non đi giày xanh – được ấn hành số lượng 170.000 bản.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (phải) đang tâm sự về nghề viết nhân buổi ra mắt sách Cây chuối non đi giày xanh – Ảnh: L.Điền
Nếu để ý, ta sẽ thấy các nhà văn có xu hướng trở đi trở lại một đề tài nào đó. Đó chính là cái mà nhà văn ám ảnh nhất. Và tôi bị ám ảnh nhất là tuổi thơ.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói về nguồn cảm hứng trong các tác phẩm của mình.
Mặc dù sáng 20-12 mới ra mắt chính thức, Cây chuối non đi giày xanh đã lên kệ các nhà sách khắp cả nước từ tuần trước. Trong số 170.000 bản in lần đầu, có 20.000 bản bìa cứng in bốn màu phát hành một lần duy nhất.
Theo ông Nguyễn Minh Nhựt – giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, Cây chuối non đi giày xanhhoàn tất bản thảo từ tháng 6-2017, nhưng ấn hành vào dịp này như một sự kiện đón chào năm mới 2018 và chuẩn bị cho Hội sách TP.HCM lần 10.
Con số bản in khủng 170.000 bản (cán UV định vị, chọn giấy in Nhật Bản để chống in lậu, các sách phát hành được gói giấy kiếng kèm quà tặng là postcard và lịch bàn năm 2018… đều là chỉ dấu để bạn đọc phân biệt sách thật với sách giả) được cho biết đã cân nhắc theo nhu cầu thị trường.
Tâm sự với bạn bè đồng nghiệp và người hâm mộ, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho biết sau khi dừng bút Ngày xưa có một chuyện tình, những bứt rứt nặng nề của các nhân vật của cuốn sách khiến ông muốn quay lại viết một tác phẩm về những gì trong trẻo của tuổi thơ.
Và đó chính là ý tưởng để ông viết Cây chuối non đi giày xanh.
So với các tác phẩm trước, thời gian truyện trong tác phẩm lần này dài hơn, xê dịch từ năm cậu bé Đăng và các bạn học lớp 5 đến năm lớp 9.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sẽ có hai buổi tặng chữ ký cho bạn đọc. Tại Đường sách Nguyễn Văn Bình – TP.HCM ngày 7-1-2018, từ 8h30 đến 10 và tại phố sách Hà Nội (phố 19 tháng 12) ngày 14-1, từ 8h30 đến 10h. |
Đây cũng là câu chuyện về đôi bạn thân lớn lên cùng các mối quan hệ của mình. Từ tuổi tiểu học đến tuổi cấp hai, những chuyển biến về tâm sinh lý, nhận thức và cả tâm tư tình cảm riêng tư… là đề tài quen thuộc hấp dẫn dường như bất tận của Nguyễn Nhật Ánh.
Ông cũng cho biết từng viết một tác phẩm "trong suốt" chứ không chỉ "trong trẻo", đó là Đảo mộng mơ, phát hành cách nay 7 năm.
Còn ở Cây chuối non đi giày xanh lần này, Nguyễn Nhật Ánh quay trở lại cái thị trấn Hà Lam quê ông. Ở đó có những gia đình thôn quê chân chất, có đôi bạn Đăng và Thắm thân nhau từ tiểu học lên đến cấp hai.
Những trang viết chuyển mình theo từng năm tháng lớn lên của nhân vật, mang lại cho người đọc sự đồng cảm thật thú vị.
Nguyễn Nhật Ánh lại tỏ ra có duyên xuất sắc khi cấu tứ cho nhân vật của mình "tung hoành" trong thế giới tuổi thơ, va chạm vào nhiều người nhiều ngóc ngách của làng quê, trường lớp, chạm phải nhiều cung bậc tình cảm của cô bạn Thắm ngồi cùng bàn, và khám phá cả những bí mật…
Chỉ xoay quanh không gian của thị trấn Hà Lam, mà thế giới truyện của Cây chuối non đi giày xanh hấp dẫn đầy ấn tượng. Có cả cao trào một phen chết đuối hụt, dẫn đến câu chuyện nhóm bạn cùng dạy nhau tập bơi.
Nhà tôi hồi đó cũng ở đất chùa, tôi có chú tiểu là bạn học, bọn tôi cũng đến chùa ngày rằm chờ ăn các thứ, và những đêm ngủ lại chùa đòi ôm chú tiểu cho ấm nhưng chú kiên quyết không cho vì tránh đụng vào "người phàm" dù đó là thằng bạn học… Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh |
Có tình tiết lâm ly mưu mẹo của chuyện tình anh Thắng với cô Sa. Có sự xuất hiện của tiệm cho thuê truyện độc đáo và niềm đam mê sách của Đăng từng vô tình lật tẩy trò giả làm người khùng của anh Thắng…
Và, lần đầu tiên trong truyện Nguyễn Nhật Ánh xuất hiện một chú tiểu thật dễ thương. Tác giả thừa nhận đây là nhân vật gần với nguyên mẫu ngoài đời.
Thế giới tuổi thơ, trong một nghĩa nào đó cũng chính là thế giới từng của người lớn.
Quyển Cây chuối non đi giày xanh và các sản phẩm "ăn theo" gồm lịch bàn và sổ tay – Ảnh: L.Điền
Nguyễn Nhật Ánh có biệt tài gì mà khai thác mãi đề tài tuổi thơ nhưng lần nào cũng đầy hấp dẫn lôi cuốn độc giả ở nhiều độ tuổi?
Ông trầm ngâm mất một lúc rồi mới giãi bày trước thắc mắc trên.
Rằng "có lẽ tôi đã sống rất sâu với tuổi thơ của chính mình. Con người ta, thường thì sẽ sống rất sâu với một đoạn đời nào đó. Nó trở thành ấn tượng hơn hết so với các chặng đời khác. Năm 14 tuổi tôi rời quê hương đi tha phương, nên tuổi thơ quê tôi là quãng đời 14 tuổi trở về trước.
"Cái tuổi thơ ấy, đến bây giờ, có khi tôi gặp lại trong một buổi chiều thấy mưa bay lất phất ngoài vườn, hay một buổi trưa ngủ dậy thấy tia nắng lọt qua khe cửa. Giọt mưa, tia nắng ấy nó làm tôi nhớ lại cũng buổi chiều như vậy, buổi trưa như vậy, hồi nhỏ ở quê, tôi đi đến nhà bà dì, ông cậu, chơi với những anh, những chị, những bạn bè… Và tôi thấy tức ngực khi nhận ra giờ đây không còn những người ấy nữa, những thứ ấy nữa. Rồi ngày sau, ngày sau nữa tôi viết, như để níu kéo những ngày tuổi thơ không còn. Có lẽ vì vậy mà tôi trở thành nhà văn chuyên viết về tuổi thơ chăng. Tâm hồn tôi bị neo vào bến tuổi thơ mất rồi". Nguyễn Nhật Ánh |
Nói vậy, nhưng để cho những thiên truyện hấp dẫn dài lâu, quyến rũ không chỉ bạn đọc trong mà cả ngoài nước, công phu nhà văn đâu phải dạng vừa.
Như ở Cây chuối non đi giày xanh này, người ta thấy có sự can dự của người lớn vào đời sống của con trẻ. Tình cảm hồn nhiên thánh thiện của đôi bạn "thanh mai trúc mã" bỗng dưng bị chen vào cái quan niệm về "kết sui gia" kiểu hôn nhân theo giao kèo từ trước của các bậc cha mẹ khiến nó trở thành lấn cấn.
Và cái tài của Nguyễn Nhật Ánh là khéo léo tạo ra cái lấn cấn để mạch truyện dịch chuyển mối quan tâm của người đọc vào chiều sâu.
Cũng như có lẽ không tìm thấy ở đâu cái sự ám ảnh như của Đăng trước cái miệng màu nước trầu của ông Cứ hớt tóc dạo để đến nỗi cậu quên bẵng mất bài học chỉ vì màu son mô của cô Sa ảnh hưởng trong vô thức.
Phải thật kỳ tài mới cấu tứ được như vậy, mới có thể làm cho hai tình tiết tưởng không liên hệ gì với nhau mà thành ra có quan hệ nhân quả, lại có tác dụng làm bật ra tâm lý đặc biệt của nhân vật Đăng.
Cũng có bạn đọc đặt vấn đề liệu trong tương lai, Nguyễn Nhật Ánh có viết về một thế giới truyện nào khác thế giới tuổi thơ không. Ông thừa nhận rằng những nhà văn thường muốn làm mới mình, muốn khác đi, và "tôi cũng từng muốn chống lại mình".
"Nhưng có thể đến một lúc nào đó tôi không còn thao thức về tuổi thơ của mình nữa thì tôi sẽ không viết về tuổi thơ. Có điều khi nào điều đó diễn ra và các khác mà tôi sẽ viết đó là gì, thì lại là một bí mật sáng tạo, mà ngay cả tôi bây giờ cũng chưa biết". Nguyễn Nhật Ánh |
Bình luận (0)