Sự kiện giáo dụcTin tức

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan làm việc với TP.HCM về công tác khuyến học

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

GS.TS. Nguyễn Thị Doan – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cùng đoàn công tác Hội Khuyến học Việt Nam vừa có buổi làm việc với TP.HCM về công tác khuyến học và xây dựng xã hội học tập.


GS.TS Nguyễn Thị Doan làm việc với TP.HCM về công tác khuyến học

Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải; Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức; Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cùng lãnh đạo Hội Khuyến học TP.HCM đã làm việc với đoàn.

Báo cáo với GS.TS. Nguyễn Thị Doan, ông Nguyễn Huy Cận – Chủ tịch Hội Khuyến học TP.HCM thông tin tính đến thời điểm này, hội có gần 1,5 triệu hội viên (18,55%/tổng số dân) – tăng 59.104 hội viên so với năm 2021. Toàn thành phố có 4.697 chi hội khuyến học, trong đó 2.012 chi hội khu dân cư, 655 chi hội cơ quan, 352 chi hội lực lượng vũ trang, 1.411 chi hội trường học và 267 chi hội khác. Tổng số tổ hội khuyến học trong khu dân cư là 24.998.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn thành phố có 86,44% gia đình đăng ký "gia đình học tập"; 94,53% dòng họ đăng ký "dòng họ học tập"; 99,93% khu phố, tổ dân phố đăng ký "cộng đồng học tập"; 98,74% đơn vị đăng ký "đơn vị học tập". Hội Khuyến học TP đã tham mưu UBND TP triển khai thí điểm xây dựng mô hình Công dân học tập trên địa bàn thành phố; tham mưu làm việc định kỳ với Thường trực Thành ủy mỗi năm 1 lần…

Thời gian qua, các mô hình, hoạt động khuyến học trên địa bàn thành phố rất đa dạng, đạt được nhiều hiệu quả cao: Học bổng "học không bao giờ cùng" của Hội Khuyến học TP; Hội Khuyến học quận 3 với CLB sinh viên khuyến tài dạy kèm văn hóa cho học sinh cơ nhỡ; CLB khuyến tài quận Bình Tân tổ chức lớp ôn luyện tiếng Anh, toán cho học sinh qua hình thức online; CLB nhà tài trợ học bổng khuyến tài huyện Hóc Môn đóng góp kinh phí tài trợ học bổng 1&1…

Thông tin thêm, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải cho hay, TP.HCM luôn có truyền thống chăm lo, quan tâm đến giáo dục. Tuy nhiên, đặc thù là thành phố đông dân, dân nhập cư đông nên mặt bằng xã hội mức chênh lệch khá lớn. Có những gia đình rất khá giả song nhiều gia đình cũng khó khăn, nhất là người lao động đến thành phố sinh sống. Thành phố không xem đây là gánh nặng mà xem là nguồn lực cùng thành phố phát triển. Vì vậy, làm thế nào để tất cả con em dù ở đâu đến thành phố sinh sống đều có cơ hội học tập, sau này đóng góp cho thành phố luôn là vấn đề lãnh đạo thành phố hết sức quan tâm, chú trọng…

"Việc vận động xã hội học tập, xây dựng công tác khuyến học xuất phát từ trái tim những người có mong muốn làm cho xã hội tốt hơn, phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu từng cơ quan, đơn vị. Phát triển hội viên hội khuyến học, ý thức công tác khuyến học là vấn đề chung của xã hội thì mới tạo được sức bật, lan tỏa, từ đó tạo điều kiện tốt nhất cho mọi con em thành phố có điều kiện học tập…", Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Hồ Hải nói.

GS.TS Nguyễn Thị Doan – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đánh giá TP.HCM luôn là điểm sáng trong công tác khuyến học khuyến tài cả nước. TP luôn coi sự học là số 1, xuyên suốt trong cả quá trình hoạt động, Hội Khuyến học luôn được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP…

Theo GS.TS Nguyễn Thị Doan, TP.HCM đã làm rất tốt 3 yếu tố trụ cột trong xây dựng xã hội học tập: Sự cam kết chính trị của Đảng và chính quyền, nhận thức về sự học, về sự cần thiết của sự học của toàn xã hội; sự quản lý của các bên liên quan từ phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh, MTTQ, các ban ngành toàn thành phố cam kết tham gia tốt công tác khuyến học và xây dựng xã hội học tập; sự huy động nguồn lực của nhân dân, cộng đồng… Thúc đẩy và làm tốt hơn nữa 3 yếu tố này chắc chắn con đường tri thức của TPHCM sẽ phát triển.

Bà khẳng định, hiện nay con đường khuyến học được xác định theo tư tưởng của Bác Hồ là diệt giặc dốt, tự học thành tài và học suốt đời. Chính phủ cũng đã có đầy đủ hành lang pháp lý cho hội khuyến học hoạt động. Bây giờ, việc xây dựng xã hội học tập ở thời kỳ 4.0, chúng ta phải đặt vấn đề về diệt giặc dốt trong thời kỳ 4.0- dốt về CNTT, dốt về ngoại ngữ, dốt về kỹ năng lao động, kỹ năng ứng xử, kém về quan hệ xã hội.

Từ đó, GS.TS. Nguyễn Thị Doan đề nghị TP.HCM nghiên cứu, chỉ đạo xây dựng 4 vấn đề: Duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là trách nhiệm của tổ chức đảng, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu; phát triển tổ chức hội trong các cơ quan, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường học và các sở ban ngành, lực lượng vũ trang; đẩy mạnh công tác tuyên truyền khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đưa một số chuyên đề về khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập vào giảng dạy trong các trường chính trị từ cấp huyện trở lên; lồng ghép các tiêu chí thi đua công dân học tập, gia đình học tập, cộng đồng học tập vào xây dựng xã nông thôn mới và đô thị văn minh.

Yến Hoa

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)