Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nguyên tắc “đồ lót” giúp trẻ tránh bị xâm hại

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu bất cứ ai chạm vào con dù bên ngoài hay bên trong “vùng đồ lót” thì con có quyền nói người đó dừng lại. Nếu họ vẫn cứ tiếp tục thì hét lên và bỏ chạy, sau đó kể lại cho người lớn biết.

			Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chuyện kể rằng: một bé gái lớp 1 được mẹ dạy rất kỹ rằng mặc váy đồng phục đứng ngồi phải ý tứ, không được để lộ đồ lót ra ngoài, con trai nhìn thấy sẽ tò mò.

Một hôm đi học về, bé đưa mẹ tờ tiền mới cứng và khoe: “Các bạn trong lớp thách con trèo lên cái cây ở sân trường, rồi tuột xuống. Làm được thì thắng cuộc hai chục ngàn đồng”.

Người mẹ kêu lên: “Sao con dại thế! Tụi con trai xúi con làm thế là để nhìn trộm cái quần lót của con đấy”.

Cô bé cười tinh quái: “Thôi mà má, con biết zdậy đó, nên đã… cởi quần lót của con ra, cất vào cặp sách trước khi leo lên cây ạ”.

Thì ra người mẹ ấy chỉ bắt con “học thuộc lòng”: không để người khác, nhất là bạn khác giới nhìn thấy đồ lót của mình. Giá như bé được giảng giải cặn kẽ rằng: giữ kín đáo vùng đồ lót không phải là giữ bằng được cái mảnh vải “bí mật” ấy, mà chính là phần thân thể riêng tư của con người được nó bảo vệ (thế mới gọi là “vùng kín” của cơ thể).

Che đậy không phải vì chỗ ấy bẩn, xấu hay tục tĩu (vì liên quan đến chuyện tiêu, tiểu, tình dục và sinh đẻ) mà là gìn giữ sự trong trắng, khiết tịnh, đoan trang.

Người Nhật cổ có câu: “Đạo nghĩa và cái khố đều không thể thiếu được”, ý nói có hai thứ thiết yếu, sát sườn, hệ trọng, bắt buộc phải có với một người đàn ông: Đạo nghĩa giữ lành mạnh tinh thần, cái khố (món đồ lót thời ấy) giữ “sạch” thân xác theo nhiều nghĩa.

Từ hai câu chuyện ấy, tôi có ý tưởng xây dựng thành bài học “Nguyên tắc đồ lót” thật ngắn gọn, dễ hiểu (cùng với “Luật bàn tay”) giúp các bậc cha mẹ, thầy cô, người lớn giáo dục giới tính cho con em mình:

Nguyên tắc “đồ lót” dành cho con

– Phần thân thể được đồ lót che phủ là bộ phận sinh dục của mỗi người. Đồ lót bao gồm “quần lót” của cả con gái lẫn con trai và thêm “áo lót” khi em gái lớn lên.

– Bộ phận sinh dục là “tài sản riêng” của con, không ai được phép xâm phạm, sờ mó, đụng chạm vào trừ cha mẹ – ông bà – cô bảo mẫu khi tắm rửa làm vệ sinh và thầy thuốc khi thăm khám. Nếu ai làm con khó chịu, sợ hãi, phải biết nói “không”, biết phản kháng để chấm dứt hành động ấy.

– Không đụng chạm vào “vùng đồ lót” của người khác dù bên ngoài hay bên trong. Nếu bất cứ ai chạm vào con dù bên ngoài hay bên trong “vùng đồ lót” thì con có quyền nói người đó dừng lại. Nếu họ vẫn cứ tiếp tục thì hét lên và bỏ chạy, sau đó kể lại cho người lớn biết.

Nâng cấp bài học khi trẻ lớn thêm

Không “đụng chạm” vào “vùng đồ lót” của người khác dù bằng cái nhìn hay lời nói: nhìn chằm chằm vào “vùng đồ lót” của người khác hoặc bình phẩm về nó là suồng sã, thô thiển.

Đùa giỡn vào phần thân thể gần “vùng đồ lót” của bạn bè, ngay cả bạn cùng phái như cù, thọc lét vào cổ, nách, mạng sườn, bụng là thiếu lịch sự. Vỗ vào mông người khác hoặc nhét tiền vào áo lót là hành vi khiếm nhã.

Những động tác liên quan đến “vùng đồ lót” của mình, dù rất chính đáng (gãi khi ngứa ngáy, chỉnh sửa quần áo cho ngay ngắn, xoa nắn khi nhức mỏi) vẫn nên làm nơi kín đáo như phòng vệ sinh, phòng riêng, góc khuất.

Không lộ “vùng đồ lót” ở nơi công cộng: ngồi xổm, mở rộng hai chân ra cho mát, phanh ngực áo, cúi xuống quá sâu, mặc váy ngắn lên cầu thang thiếu ý tứ.

Vạch áo lót cho con bú chỗ đông người nên kín đáo che lại bằng khăn, áo, nón. Không tiêu, tiểu bậy ở gốc cây, cột điện, bức tường, lề đường.

Nếu thấy người khác vô tình bị “lộ hàng” do bung nút áo ngực, tuột dây kéo khóa quần thì nên nhìn đi chỗ khác hoặc khéo léo nhắc họ.

Không âu yếm, nựng, vuốt ve “vùng đồ lót” của con cái, người yêu, vợ, chồng trước mặt người khác (người thân, bạn bè, người quen, người lạ).

“Nguyên tắc đồ lót” dành cho cha mẹ

Sau khi sinh, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để xác định con mình “có vấn đề” về mặt giới tính hay không để có kế hoạch khắc phục: bé trai tinh hoàn ẩn, tinh hoàn lạc chỗ, dị dạng lỗ niệu đạo thấp, chit hẹp bao quy đầu; bé gái bị phì đại âm vật, dị dạng sinh dục, lưỡng giới,…

Không nên ngủ chung giường với con. Ngoài những lý do vệ sinh, giúp con sớm độc lập, không mắc phải hội chứng “bám bố mẹ”, cái chính là tránh để con nhìn thấy “vùng đồ lót” của cha mẹ ngay từ khi còn bé, khiến bé nảy sinh tính hiếu kỳ, tò mò về chuyện nam – nữ khi lớn thêm vài tuổi nữa.

Không tắm rửa quá kỹ “vùng đồ lót” cho con, làm vậy là vô tình đánh thức những tiềm năng tính dục còn đang ngủ yên, khiến bé thích thú và có nhu cầu được nhắc lại. Hãy yên tâm, tạo hóa có sẵn những “hàng rào bảo vệ” ở mỗi cửa ngõ tự nhiên của cơ thể người (từ lỗ tiểu, hậu môn, vùng sinh dục đến mắt, mũi, miệng, tai). Hướng dẫn con tự làm vệ sinh cho mình ngay khi bé có thể làm được, cha mẹ chỉ nhắc nhở, kiểm tra.

Không cưng nựng, vuốt ve, mân mê, xoa nắn “vùng đồ lót” của con mình cũng như của trẻ khác. Điều ấy khiến trẻ ngỡ rằng: đụng chạm vào “vùng đồ lót” là một cách biểu lộ sự quan tâm thân mật, có quý thì mới làm thế, khi bị kẻ xấu sờ mó, các bé cứ tưởng đó là “chuyện thường ngày ở huyện” nên không phản ứng. Sau này trẻ sẽ mất cảnh giác trước những đụng chạm có dụng ý xấu và không biết đề phòng nguy cơ bị xâm hại.

Không bình phẩm, chế giễu, đùa giỡn, chê bai “vùng đồ lót” cũng như những bộ phận khác trên cơ thể con, khiến bé khó chịu, ấm ức, bất lực và có thể dẫn đến những ám ảnh, mặc cảm, tự ti, lệch lạc về tình dục sau này. Mặt khác, cũng không nên khen ngợi, đánh giá “vùng đồ lót” của trẻ theo kiểu của người lớn khiến bé có ý vênh váo, khoe khoang, bộc lộ cơ thể mình.

Bỏ ngay quan niệm: tắm chung với con hoặc tắm cho hai con cùng lúc để con biết về các “vùng cấm” trên cơ thể và tranh thủ “dạy” cho con sự khác biệt nam nữ. Hãy cùng con khám phá điều ấy qua nhiều loại tranh ảnh, mô hình, clip, cẩm nang, sách vở tài liệu đảm bảo tính sư phạm và khoa học, phù hợp với từng giai đoạn phát triển tâm sinh lý của trẻ.

Trẻ có tật sờ vào “vùng đồ lót”

Hãy kiểm tra xem có phải bé đang bị viêm nhiễm (do thiếu vệ sinh, chít hẹp bao quy đầu ở bé trai, viêm âm hộ âm đạo ở bé gái hoặc bị giun kim gây ngứa ngáy hậu môn) để chữa trị dứt điểm.

Giúp trẻ bỏ tật “sờ chim”: Lờ đi như không nhìn thấy hành vi của trẻ, không đánh mắng, trách phạt khiến trẻ sợ hãi và xấu hổ. Không nhắc gì đến “chim, bướm”, không cấm đoán mà kéo sự chú ý của trẻ sang việc khác. Không để bé cởi truồng.

Lúc tắm hoặc thay đồ cho con, làm như “vô tình” đưa vào tay bé món đồ chơi mới lạ nào đó để bé không rảnh tay sờ được (đưa đồ chơi quen thuộc, cũ mèm thì bé cầm nó không vui bằng… sờ chim!). Tạm thời cho bé mặc quần short hơi ôm sát người bằng chất liệu vải dày, cài nút, có khóa kéo để bé không “tiện tay” sờ bên ngoài quần hoặc thò vào bên trong qua cạp quần hoặc ống quần được, ít lâu sau là bé “cai” được thói “nghịch quả ớt”.

Đừng quá căng thẳng và lo lắng, sẽ làm con nhìn đâu cũng thấy… tội phạm, từ đó thu mình lại, đánh mất sự thơ ngây và hồn nhiên ở lứa tuổi này.

 

Ths.BS LAN HẢI (Cố vấn chuyên môn Hội quán Các Bà mẹ)/TTO

 

Bình luận (0)