Việc bỏ phiếu phải được tiến hành liên tục, bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối ngày 22-5-2016. Tùy tình hình địa phương, tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước 5 giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 9 giờ tối ngày 22-5-2016.
Nguyên tắc bỏ phiếu
Mỗi cử tri có quyền bỏ 1 phiếu bầu đại biểu Quốc hội (QH) và bỏ 1 phiếu bầu đại biểu HĐND tương ứng với mỗi cấp HĐND.
Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay. Trường hợp cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào thùng phiếu. Nếu cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được và những trường hợp do luật định thì tổ bầu cử mang thùng phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.
Khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri; khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả thành viên tổ bầu cử. Nếu viết hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu bầu khác; khi cử tri bỏ phiếu xong, tổ bầu cử có trách nhiệm đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào thẻ cử tri.
Mọi người phải tuân thủ theo nội quy phòng bỏ phiếu.
Phiếu không hợp lệ
Phiếu không theo mẫu quy định do tổ bầu cử phát ra; phiếu không có dấu của tổ bầu cử; phiếu để số người được bầu nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử; phiếu gạch xóa hết tên những người ứng cử; phiếu ghi thêm tên người ngoài danh sách những người ứng cử hoặc phiếu có ghi thêm nội dung khác.
Cách thức bỏ phiếu
Nếu cử tri không tín nhiệm người ứng cử nào thì gạch ngang giữa cả họ và tên người ứng cử đó (gạch đè lên hàng chữ họ và tên người ứng cử); không khoanh tròn, gạch chéo, gạch dưới, gạch trên hàng họ và tên người ứng cử; không được đánh dấu trên phiếu bầu; không được viết vào phiếu bầu; không bầu quá số đại biểu được ấn định trong phiếu bầu; không để nguyên phiếu bầu đối với phiếu bầu có số dư người ứng cử (không gạch tên người ứng cử nào) hoặc gạch tất cả người ứng cử trong phiếu bầu.
*TP.HCM có 10 đơn vị bầu cử đại biểu QH, 35 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND TP; 3.700 tổ bầu cử.
PV
Bình luận (0)