Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nguyễn Thúc Hào – Một Đại trưởng lão trong làng Giáo sư (kỳ 2)

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đảm nhận chức vụ lãnh đạo chủ chốt Trường Đại học Khoa học Hà Nội vào thời điểm rối ren. Duy trì lớp Toán học đại cương tại Nam Đàn (Nghệ An) trong những năm kháng chiến gian nan, bồi dưỡng nhiều nhân tài cho đất nước.

> Nguyễn Thúc Hào – Một đại trưởng lão trong làng Giáo sư

 Kỳ I: Vị giáo sư từ ngày đầu cách mạng

Kỳ II: Lòng hiếu học được "thử lửa" chiến tranh 

Sau Cách mạng Tháng Tám, GS Nguyễn Thúc Hào được cử làm Giám đốc Trung học vụ Trung Bộ. Theo thư mời của Bộ Quốc gia Giáo dục, một lần ra Hà Nội họp Hội đồng Cố vấn học chính, GS Hào được một người bạn cũ – lúc bấy giờ cũng là thành viên Hội đồng – mời về nhà chơi. Trong bữa cơm tối, hai người ôn lại những kỷ niệm xưa bên núi Ngự, sông Hương, khi cả hai còn theo học Trường Quốc học Huế.

Cuộc đấu tranh nảy lửa

Sau khi tốt nghiệp cử nhân sử học và cử nhân kinh tế, anh bạn về dạy sử tại Trường Thăng Long (Hà Nội), rồi bí mật vượt biên giới ở vùng Lào Cai – Hà Khẩu, sang Vân Nam, gặp Nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc trong công viên Thúy Hồ ở Côn Minh. Rồi lại theo Người trở về Pác Bó (Cao Bằng), chuyển dần xuống Tân Trào (Tuyên Quang), thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, nhen nhóm ngọn lửa đấu tranh vũ trang…

Anh bạn cùng lớp năm nào ấy, nay là Giáo sư sử học Võ Nguyên Giáp, đang giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ cách mạng…

Sau này, trong những năm chiến tranh cũng như hoà bình, mỗi khi có sách mới in, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không quên gửi tặng GS Nguyễn Thúc Hào…

Tháng 8/1946, Giáo sư Nguyễn Thúc Hào chuyển hẳn ra Thủ đô.

Chúng ta còn nhớ, sau Cách mạng Tháng Tám, Tổng hội Sinh viên Đông Dương (Association générale des étudiants indochinois/ A.G.E.I.) tự nguyện đổi tên thành Tổng hội Sinh viên Cứu quốc Việt Nam và gia nhập Mặt trận Việt Minh. Nhưng tình hình bỗng trở nên phức tạp khi một số kẻ cầm đầu Việt Nam Quốc dân đảng theo gót quân Tưởng vào miền Bắc nước ta. Bọn họ ra sức chia rẽ phong trào sinh viên, xúi giục số sinh viên đang hoang mang, dao động đòi Tổng hội phải đứng "trung lập", "không làm chính trị", và phải "rút ngay ra khỏi Việt Minh"! Cuộc đấu tranh diễn ra gay gắt. Sinh viên chia ra làm hai phe: phe tán thành ở lại trong Việt Minh, và phe đòi rút ra.

Ngày 9/12/1945, sau một cuộc tranh cãi kéo dài và náo động, có khoảng 500 sinh viên tham dự, khi biểu quyết, phe đòi rút ra khỏi Việt Minh trội hơn 8 phiếu! Trong bài Mấy lời tâm huyết cùng các bạn sinh viên đăng trên báo Sự Thật ngày 15/12 năm ấy, ông Trường Chinh phê phán việc làm sai trái nói trên và vạch mặt bọn chia rẽ phong trào sinh viên.

Tháng 2/1946, Bộ Quốc gia Giáo dục ra Nghị định cho phép tạm đình giảng đến hết kỳ nghỉ hè các ban đại học (trừ hai lớp Anh ngữ và Nga ngữ) để sinh viên đi làm các công tác thiết thực. Nghị định này nhằm, một mặt, thoả mãn yêu cầu tha thiết của nhiều sinh viên muốn được tạm thời nghỉ học để tham gia các hoạt động cách mạng đang rất sôi động, mặt khác, vô hiệu hoá âm mưu chia rẽ của Quốc dân đảng. Trước tình rối ren tưởng chừng không lối thoát ấy, bà Giám đốc Trường Đại học Khoa học Hà Nội Hoàng Thị Nga xin sang Pháp "định cư vì việc riêng". Bà là tiến sĩ vật lý đầu tiên ở nước ta.

Sau kỳ nghỉ hè năm 1946, Trường Đại học Khoa học Hà Nội lại mở cửa. GS Nguyễn Thúc Hào được Bộ Quốc gia Giáo dục điều từ Huế ra Hà Nội, và tín nhiệm giao trọng trách Tổng Thư ký kiêm Quyền Giám đốc nhà trường. Ông phải lo toan nhiều việc. Nào là sắp xếp lại tổ chức, tuyển sinh, ồn định tư tưởng cho sinh viên, vạch ra thời khoá biểu. Nào là mời thầy giảng dạy các môn toán, lý, hoá, sinh. Nhiều nhà khoa học nổi tiếng, vốn là chỗ quen biết GS Hào, nhận lời mời: Tạ Quang Bửu, Nguỵ Như Kon Tum dạy vật lý; Hoàng Xuân Hãn dạy toán…

Nhờ GS Bửu giới thiệu, GS Hào được BS Trần Duy Hưng, Chủ tịch UBHC Hà Nội, hỏi thuê cho một căn gác nhỏ ở phố Đoàn Trần Nghiệp.

 Ngày 6/2/1983, tại Hà Nội, đã tổ chức cuộc họp mặt thân mật các học sinh cũ Trường Quốc học Huế. Trong ảnh: hàng đầu, từ trái sang phải: GS Nguyễn Thúc Hào (thứ hai), Đại tường Võ Nguyên Giáp (thứ ba), GS Nguyễn Lân (thứ tư)…

Mở lớp toán học đại cương trong loạn lạc

Đêm 19/12/1946, đèn thành phố vụt tắt. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Theo chỉ thị của Bộ Quốc gia Giáo dục, GS Hào cùng vợ bế bồng, gồng gánh các con nhỏ đi bộ về phía ga Thường Tín, rồi lại đi tiếp đến tận ga Nam Định, chen lấn xô đẩy, mới bước chân lên được xe lửa, vào Vinh. Gần Tết, thì về tới quê nhà. Ra giêng, đã nhận được công văn của Bộ: Cần mở ngay Lớp Toán học đại cương! Thế là, chỉ vài tháng sau khi cả nước đứng lên nổ súng đánh trả bọn xâm lược, ở một làng quê Nam Đàn, lớp Toán học đại cương khóa I đã khai giảng trong ngôi nhà thờ họ của cụ Nguyễn Thạc Phỉ (bà con với GS Nguyễn Thạc Cát) gần chợ Liễu, bên sông Lam. Số sinh viên chỉ vẻn vẹn có 5 người, hầu hết là các giáo viên Trường THCS Nguyễn Công Trứ, trong đó có nhà giáo Lê Hải Châu. Các anh ngồi đò qua sông Lam học thầy Hào, rồi lại ngồi đò quay về trường, dạy các lớp đàn em.

Cũng vào thời điểm ấy, GS Nguyễn Xiển mở một lớp Toán học đại cương khác, có 10 người học, lúc đầu học theo kiểu gửi bài, về sau, sinh viên tập trung tại làng Đại Điền, huyện Tam Dương (Vĩnh Yên). Tháng 10/1947, quân Pháp tiến công lên Việt Bắc, sinh viên lánh vào hang đá, rồi trở về quê. Lớp này phải đình giảng.

Ở Nam Đàn, đến các khoá II, III, IV, lớp Toán học đại cương chuyển lên gần Bến Gành, bên làng Đan Nhiễm, quê hương nhà yêu nước Phan Bội Châu. Số sinh viên lên tới 20 người, học trong nhà thờ họ ông Chắt Cừ. Các anh phần lớn vừa tốt nghiệp trung học chuyên khoa (như THPT phân ban hiện nay) từ xa đến trọ học hay làm gia sư trong các gia đình ở mấy làng chung quanh: Bố Ân, Bố Đức, Thịnh Lạc, Yên Quả, Xuân Hồ… Nhiều người về sau trở thành những nhà khoa học danh tiếng, đi khắp nơi, nhưng trong những trang hồi ký của mình, vẫn không quên nhắc đến thời gian theo học thầy Hào ở Nam Đàn, với bao kỷ niệm vất vả, êm đềm, vui tươi về những làng quê kháng chiến mộc mạc bên dòng Lam xanh biếc.

Kỳ thi… từ xa của một sinh viên độc đáo

Để khỏi lộ địa điểm của lớp học, đề phòng máy bay Pháp đến bắn phá, GS Nguyễn Thúc Hào liên lạc với Bộ Quốc gia Giáo dục qua địa chỉ bí mật:

Ông Nguyễn Tứ Đức, bưu cục Nam Đàn, Nghệ An.

– Tại sao tôi lại tự đặt bí danh cho mình là Nguyễn Tứ Đức? – GS Hào kể lại. Cha tôi là một nhà nho đỗ đại khoa, cho nên chúng tôi đều được dạy bảo từ thuở bé rằng tứ đức của con trai là hiếu, đễ, trung, tín; còn tứ đức của con gái là công, dung, ngôn, hạnh. Tuy nhiên, tứ đức mà tôi chọn làm bí danh không hề mang ý nghĩa quen thuộc bao đời ở chốn "cửa Khổng, sân Trình". Tứ đức mà tôi noi theo để tu dưỡng, rèn luyện mình, tứ đức mà tôi coi như chuẩn mực của phầm hạnh là: cần, kiệm, liêm, chính. Đức độ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn toàn cảm hoá tôi. Đến với Bác, với cách mạng muộn màng hơn anh Giáp, nhưng tôi quyết không bao giờ nản lòng, thoái chí…

Một anh tú tài ở đất Quảng, trước kia từng theo học thầy Hào tại Trường Quốc học Huế, nay dạy trung học tại Liên khu V, không có điều kiện vượt Trường Sơn ra Liên khu IV, tiếp tục theo học thầy. Anh biên thư xin thầy tài liệu để tự học. Nghe đâu anh là cháu nội cụ Phó bảng Hoàng Diệu, vị Tổng đốc đã tuẫn tiết bên Hà Thành thất thủ hồi thế kỷ 19. Đến cuối khoá, anh xin dự kỳ thi tốt nghiệp… "từ xa"! Giải quyết như thế nào đây? GS Hào bèn xin phép Bộ được gửi đề thi niêm phong từ Nam Đàn vào cho Sở Giáo dục Liên khu V. Sở mở kỳ thi riêng, chỉ cho 2 thí sinh, trong đó có anh sinh viên họ Hoàng kia, xong, thu bài làm, bỏ vào phong bì dán kín, gắn xi, rồi gửi ra Hội đồng chấm thi ở Liên khu IV.

Hội đồng gồm ba nhà khoa học Nguyễn Thúc Hào, Đặng Phúc Thông và Phạm Đình Ái, họp tại đền thờ Mai Hắc Đế dưới chân rú Đụn. Biên bản kỳ thi được gửi ra Việt Bắc cho Bộ kiểm tra, công nhận kết quả, rồi mới cấp chứng chỉ tốt nghiệp cho thí sinh. Anh sinh viên dòng dõi danh nho đất Quảng ấy đã đỗ, còn người thí sinh kia, cùng dự thi, thì bị trượt. Về sau, anh trở thành một nhà toán học nổi tiếng thế giới, được công nhận là "cha đẻ của tối ưu toàn cục" (the father of global optimization). Anh là GS Hoàng Tuỵ, người mà tên tuổi đã in "dấu ấn" trong một số thuật ngữ toán học, như: lát cắt Tuỵ (Tuys cut), thuật toán kiểu Tuỵ (Tuy-type algorithm), điều kiện không tương thích Tuỵ (Tuys inconsistancy condition)…

Số sinh viên toán học đại cương ngày ấy không nhiều. Nhưng đó đều là những con người mà lòng hiếu học đã được "thử lửa" qua chiến tranh khốc liệt. Cho nên, về sau, hầu hết đều trở thành những nhà khoa học, thầy giáo dạy toán-lý, nhà báo, nhà ngoại giáo có uy tín như: Nguyễn Đình Tứ, Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Hoàng Phương, Hà Học Trạc, Nguyễn Văn Cung, Hà Văn Mạo, Nguyễn Hữu Chỉnh, Đinh Ngọc Lân, Trịnh Ngọc Thái, Lê Hải Châu, Lê Thạc Cán, Nguyễn Mậu Tùng, Cung Quang Chương, Đinh Ngọc Cẩn, Lê Nguyên Sóc, Nguyễn Trọng Di…

(Còn nữa)

Hàm Châu (dân trí)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)