TS nộp hồ sơ xin xét tuyển NV2 tại Trường ĐH Hoa Sen năm 2010. Ảnh: N.Hùng
|
Đến thời điểm này tất cả các trường ĐH, CĐ đã công bố điểm thi. Theo nhận định của lãnh đạo các trường top dưới, trường ngoài công lập, trường địa phương, nếu năm nay Bộ GD-ĐT mà lấy điểm sàn như năm vừa rồi thì các trường chắc chắn sẽ tuyển không đủ chỉ tiêu.
Trông chờ nguyện vọng 2, 3
Trường ĐH Tiền Giang dự kiến sẽ dành đến 600 chỉ tiêu (CT) cho xét tuyển nguyện vọng (NV) 2, năm nay kết quả thi của thí sinh (TS) vào trường khá thấp. Tương tự ở Trường ĐH Kinh tế công nghiệp Long An cũng chẳng khả quan khi CT được giao là 1.250, trường chỉ có 34 TS đạt tổng 13 điểm trở lên. Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) chỉ có 25% đạt 13 điểm trở lên. Trao đổi với Báo Giáo Dục TP.HCM tiến sĩ Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng cho biết với kết quả điểm như vậy, trường sẽ phải tuyển 30-40% CT NV2 và NV3, nếu điểm sàn của bộ bằng năm ngoái. Trường ĐH Tân Tạo năm nay là năm đầu tiên tổ chức thi ĐH nhưng chỉ có 50 TS đến dự thi và kết quả thi chỉ có 34 em đạt 14 điểm trở lên cho 3 môn thi, năm nay CT tuyển sinh của trường là 500, trường sẽ xét tuyển NV2, 3 cho tất cả các ngành. Trường ĐH Quảng Nam sẽ dành 20%-30% để xét NV2, CT ĐH là 700.
Các trường ở khu vực Tây Nguyên điểm thi năm nay cực kỳ thấp. Cụ thể, Trường ĐH Đà Lạt có tổng CT lên đến 3.000 nhưng kết quả điểm thi chỉ có 885 TS đạt từ 13 điểm trở lên. Nếu lấy bằng điểm chuẩn năm 2010 (khối A, D: 13 điểm: khối B, C: 14 điểm), toàn trường chỉ có 274 TS trúng tuyển (chưa tính điểm ưu tiên). Trong đó, nhiều ngành thiếu CT trầm trọng gồm: công nghệ kỹ thuật điện tử truyền thông chỉ có 7 TS trúng tuyển; ngành công nghệ sinh học 4 TS; toán học 9 TS; nông học 7 TS… Nghiêm trọng nhất là ngành công nghệ sau thu hoạch, cả khối A và khối B chỉ có 3 TS. Tương tự, các trường khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng nằm trong tình trạng như các trường trên. Trường ĐH An Giang phải xin Bộ GD-ĐT cho trường được áp dụng điều 33 Quy chế tuyển sinh để hạ điểm chuẩn cho 3 ngành: khoa học cây trồng, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Qua trao đổi, tiến sĩ Võ Văn Thắng, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Không chỉ điểm thi thấp mà nhiều ngành của trường nếu lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn năm 2010 sẽ có ít TS trúng tuyển. Vì đây là một vùng đồng bằng có thế mạnh sản xuất nông nghiệp rất cần nhân lực kỹ thuật nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt nhưng tiếc thay TS không chịu học. Trường đã dự kiến, nếu điểm sàn không hạ, tuyển sinh không đủ thì sẽ không mở ngành đào tạo sư phạm”. Cũng nằm trong top “điểm thi cực kỳ thấp” là Trường ĐH Trà Vinh. Hiện Ban giám hiệu nhà trường đang nóng lòng chờ điểm sàn của bộ.
Không chỉ có các trường ở địa phương mà các trường ĐH công lập có CT tuyển sinh lớn tại TP.HCM cũng đang tìm phương án “tốt nhất” cho việc xét NV2, NV3. Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM chỉ có 198/3.562 TS thi khối A có tổng điểm từ 13 trở lên và có 985 TS thi khối B có tổng điểm là 14 điểm trở lên, CT năm nay của trường 4.000 và trường xét NV2 cho tất cả các ngành. Tại Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông cơ sở 2 tại TP.HCM, năm nay chỉ có 363 TS đạt 13 điểm, điểm chuẩn vào trường có thể bằng điểm sàn và phải xét NV2 cho tất cả các ngành, CT năm nay của trường 850.
Nhiều chiêu để “hút” TS
Dù Bộ GD-ĐT chưa công bố mức điểm sàn chính thức nhưng nhiều trường “biết thân, biết phận” mình sẽ không tuyển đủ được NV2, 3 nên đã dùng nhiều chiêu để thu “hút” TS. Chẳng hạn như Trường ĐH FPT dành hàng trăm suất học bổng cho các TS đoạt giải quốc gia, quốc tế và đạt điểm cao trong kỳ thi ĐH 2011. Trường ĐH Tân Tạo dành đến 500 suất học bổng toàn phần cho SV (trị giá 3.000 USD/năm) và một laptop dành cho các sinh viên trúng tuyển. Các năm tiếp theo, tùy theo lực học, sinh viên có thể nhận được học bổng 70-100% giá trị học phí. Tương tự, TS.Nguyễn Mạnh Hùng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cho biết: “Trường Hồng Bàng không chỉ có các chế độ miễn giảm học phí, trao học bổng mà còn cam đoan ổn định học phí trong suốt khóa học, áp dụng trong mùa tuyển sinh 2011 từ 6-10 triệu đồng/ năm tùy vào ngành học”.
Bên cạnh tặng học bổng, một số trường ĐH đang xúc tiến tư vấn cho các TS. Một cán bộ phòng đào tạo trường ĐH khu vực miền Trung cho hay, năm nay để thu hút các TS, trường đã phát 8.000 tờ rơi giới thiệu về các chương trình học, CT các ngành nghề đào tạo, học bổng, chương trình liên thông liên kết với 9 trường ĐH đối tác ở khu vực Đông Bắc của Thái Lan, đáp ứng 100% chỗ ở cho sinh viên trong KTX… Ngoài ra, nhà trường còn cam kết với sinh viên sau khi tốt nghiệp, nhà trường sẽ hỗ trợ việc làm. Cô Ngô Thị Mỹ Loan, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Hoa Sen cho biết: “Như mọi năm trường chúng tôi đều tổ chức ngày hội tuyển sinh để cho TS nắm bắt thông tin về xét tuyển NV2, CT cho các ngành, học bổng, chương trình liên kết với nước ngoài và các chương trình học tiên tiến…”.
Thanh Tàu
Bình luận (0)