Sự kiện giáo dụcTin tức

Nguyện vọng 2: Cửa rộng, thí sinh chớ buông xuôi

Tạp Chí Giáo Dục

Theo ông Ngô Kim Khôi, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), trước ngày 20-8 các trường sẽ gửi nhu cầu xét tuyển NV2 về Bộ, ngày 25-8 sẽ thông báo trên phạm vi cả nước. Như vậy, đối với những thí sinh không đủ điều kiện nhập học theo NV1, năm nay, họ vẫn còn rất nhiều cơ hội lựa chọn NV2. Đặc biệt là các trường ĐH địa phương.
Cửa rộng
Trừ những trường top trên, những trường ĐH công lập thuộc top 2 trở xuống đều có nhu cầu tuyển thêm NV2. ĐH Quốc gia Hà Nội có 5 trường ĐH, khoa thành viên có cơ hội dành cho thí sinh NV2. ĐH Khoa học Tự nhiên có 11 khoa tuyển NV2 với mức điểm xét tuyển 17. ĐH KHXH&NV có 8 ngành học cần tuyển NV2 và mức điểm nhận hồ sơ là 18. ĐH Giáo dục có 13 chỉ tiêu cho NV2 Khoa Sư phạm Vật lý với mức điểm 17. ĐH Ngoại ngữ có 3 ngành và Khoa Luật có 17 chỉ tiêu cho NV2. Các ĐH công lập khác cũng còn rất nhiều chỉ tiêu cho NV2. Như ĐH Công nghiệp Hà Nội với khoảng hơn 700 chỉ tiêu và mức điểm nhận hồ sơ từ 15 điểm trở lên. ĐH Nông nghiệp 1 cũng nhận hồ sơ xét tuyển NV2 ở mức điểm 15, ĐH Công đoàn, ĐH Y tế công cộng, ĐH Điện lực, ĐH Mỏ Địa chất cũng đều còn chỉ tiêu cho thí sinh vào NV2.
Như vậy, so với những năm trước, NV2 ở các trường ĐH công lập năm nay rộng hơn nhiều. Mức điểm xét tuyển cũng ở mức vừa tầm, không quá sức đối với những thí sinh trên điểm sàn 1 – 2 điểm. Theo lãnh đạo Vụ Giáo dục ĐH, cơ hội vào NV2 rất lớn, tất cả phụ thuộc vào lựa chọn cũng như sở thích của thí sinh. Bên cạnh đó, vị lãnh đạo này cũng cho rằng, khi lựa chọn NV2 thí sinh cần cân nhắc một số yếu tố như: mức điểm của mình, khả năng tài chính, sức học và cái quan trọng là cơ hội đỗ khoảng bao nhiêu phần trăm. Tâm lý chung của các thí sinh khi phải làm thủ tục xét tuyển NV2 thường bắt đầu nản và “nhắm mắt” buông xuôi. Nhưng NV2 thực sự vẫn có rất nhiều trường để thí sinh lựa chọn. Do đó, thí sinh nên cân nhắc thật cẩn thận.
ĐH địa phương: tiện đôi đường
Ở khu vực phía Bắc, có thể nói, chưa có trường ĐH nào có khuôn viên rộng và vị trí đẹp như ĐH Hà Hoa Tiên của Hà Nam. Trường nằm ngay quốc lộ 1A với diện tích rộng được tính bằng hecta, không tính bằng m2. Trường đã và đang được xây dựng để hoàn thiện. Từ hai năm nay, trường đã đi vào tuyển sinh. Năm nay, trường không tổ chức thi mà xét tuyển. Mức điểm nhận hồ sơ của trường từ điểm sàn trở lên. Các ngành thuộc ĐH Thái Nguyên cũng đều có chỉ tiêu cho NV2. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên cũng dành nhiều chỉ tiêu để xét tuyển với mức điểm từ sàn. ĐH Hà Tĩnh, ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa), ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh, ĐH Vinh… đều có nhiều chỉ tiêu cho NV2.
So với các trường ĐH, ĐH địa phương có nhiều ưu thế hơn như: phù hợp với khả năng tài chính, điều kiện đi lại, ăn ở của thí sinh cũng thuận tiện hơn rất nhiều. Đối với những thí sinh có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoàn toàn có thể yên tâm nhập học tại các ĐH địa phương.
Ngoài các trường ĐH địa phương, thí sinh còn có cơ hội để vào học tại các trường ĐH ngoài công lập.
Theo ông Ngô Kim Khôi, hồ sơ xét tuyển NV2 của thí sinh bao gồm: Giấy chứng nhận điểm số 2 có ghi đầy đủ thông tin về mã ngành, mã trường đăng kí xét tuyển. 1 phong bì có dán sẵn tem và địa chỉ để nhận kết quả xét tuyển. Lệ phí xét tuyển 15.000 đồng. Hồ sơ xét tuyển gửi qua đường bưu điện bằng hình thức chuyển phát nhanh (không được nộp trực tiếp tại trường). Điạ chỉ của trường đăng ký nguyện vọng 2. Thời gian nhận hồ sơ kể từ ngày 25-8-2009 đến hết giờ giao dịch bưu điện ngày 10-9-2009.
 
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)