Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nhà bán cho dân, giấy “bán”… ngân hàng

Tạp Chí Giáo Dục

Tại nhiều dự án bất động sản ở TP HCM, chủ đầu tư đã bán căn hộ cho khách hàng nhưng không làm thủ tục cấp giấy chứng nhận mà ngược lại, đem giấy tờ thế chấp ngân hàng để lấy thêm tiền.

Hành vi nêu trên không những có dấu hiệu lừa đảo mà còn khiến TP HCM gặp trở ngại trong cuộc chạy đua nước rút để bảo đảm hoàn tất việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các tài sản trên giấy khác (GCN) vào ngày 30-9 như chỉ tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đã giao.

Sai phạm nối sai phạm

Đầu năm 2013, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (VPĐK) TP HCM nhận được hồ sơ đề nghị cấp GCN của các hộ mua nhà tại chung cư Gia Phú, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân do Công ty TNHH Thiết kế – Xây dựng Trung Nam làm chủ đầu tư. Trước đó, VPĐK TP phối hợp cùng Thanh tra Sở Xây dựng đã kiểm tra và phát hiện công trình này xây dựng sai phép (tăng kích thước chiều rộng khối nhà A 0,3 m và khối nhà B 0,9 m) nhưng vẫn cho phép tồn tại phần công trình cơi nới.
Để bảo vệ quyền lợi cho người mua, VPĐK TP HCM hướng dẫn VPĐK quận Bình Tân vẫn công nhận phần diện tích này và xúc tiến cấp GCN riêng cho từng căn hộ. Thế nhưng, khi làm việc với chủ đầu tư, VPĐK quận Bình Tân “tá hỏa” vì phát hiện giấy tờ quyền sử dụng đất của chung cư Gia Phú (diện tích 8.520 m2) đã được cầm cố tại Ngân hàng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn với giá 7 tỉ đồng.

40 căn hộ cao cấp tại Sông Đà Tower vẫn chưa được cấp GCN vì GCN chung đã bị thế chấp tại ngân hàng
Theo lý giải của Công ty Trung Nam, việc đem cầm cố quyền sử dụng đất là do chưa tách riêng phần diện tích của chủ đầu tư với diện tích 389 căn hộ nên ngân hàng vẫn giữ GCN chung. Chủ đầu tư cam kết rằng ngân hàng đã đồng ý cho Công ty Trung Nam lập thủ tục xin cấp GCN cho từng khách hàng với hình thức giấy xác nhận của ngân hàng (theo quy định, chủ đầu tư phải cung cấp quyền sử dụng đất chung thì mới tách để cấp GCN riêng từng căn hộ) vì phần tài sản này không nằm trong tài sản thế chấp.
Tuy nhiên, đại diện VPĐK quận Bình Tân cho biết chủ đầu tư đã tiến hành chuyển nhượng căn hộ từ năm 2006 – lúc này, quyền sử dụng đất không còn của riêng chủ đầu tư mà đã chuyển thành quyền sử dụng chung. Bên cạnh đó, theo những gì thể hiện trên phần bổ sung GCN lô đất thì chủ đầu tư đã thế chấp bằng quyền sử dụng tổng thể 8.520 m2 và cả tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai. Vì thế, đến nay, khách hàng sở hữu 389 căn hộ chung cư Gia Phú vẫn chưa được cấp GCN.
Căn hộ cao cấp không mảnh giấy lận lưng
Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với 40 hộ dân đang sống ở các căn hộ cao cấp tại Sông Đà Tower (14B Kỳ Đồng, phường 9, quận 3) do Tổng Công ty CP Đầu tư phát triển Sông Đà làm chủ đầu tư.
Thông tin từ VPĐK TP HCM cho hay từ tháng 10-2009, Công ty Sông Đà đã ký hợp đồng mua bán và bàn giao căn hộ với 40 khách hàng. Thế nhưng, thay vì tiếp tục thực hiện việc cấp GCN riêng cho khách hàng, đến tháng 7- 2012, Công ty Sông Đà đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất cho Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) chi nhánh Tân Bình.
Tháng 6-2013, VPĐK TP đã làm việc với Công ty Sông Đà và Techcombank Tân Bình. Phía ngân hàng cho biết trường hợp của Công ty Sông Đà đã chuyển thành nợ xấu nên chi nhánh không giải quyết được và đề nghị chủ đầu tư phải làm rõ khả năng trả nợ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, Sông Đà Tower đã bán hết 40/40 căn hộ, hiện chỉ còn 3 tầng có chức năng kinh doanh – thương mại là thuộc quyền sở hữu của chủ đầu tư.
Mới đây, VPĐK TP HCM đã có văn bản đề nghị chủ đầu tư làm việc với ngân hàng, sớm chuyển giao GCN cho VPĐK chuyển hình thức sử dụng đất thành sử dụng chung để cấp cho người dân. Đồng thời, Công ty Sông Đà phải điều chỉnh tài sản thế chấp từ quyền sử dụng đất sang quyền sở hữu phần tài sản của công ty. Trong tháng 7- 2013, nếu Công ty Sông Đà không thực hiện các thủ tục này, VPĐK TP HCM đề nghị Sở Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) và UBND TP chuyển cơ quan chức năng xem xét dấu hiệu vi phạm pháp luật – dùng quyền sử dụng đất xây dựng căn hộ đã bán cho khách hàng (người mua đã nhận bàn giao, đang ở) thế chấp ngân hàng. Đến nay, Công ty Sông Đà vẫn chưa thực hiện các thủ tục trên, vì thế VPĐK TP đã chuyển hồ sơ cho Thanh tra Sở TN-MT.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết một số khách hàng của dự án khu biệt thự tại xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi cũng lâm vào tình trạng ngồi trên lửa vì chủ đầu tư “cắm” quyền sử dụng đất cho ngân hàng. Dự án biệt thự này do Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh nhà Tuyết Anh làm chủ đầu tư. Công ty Địa ốc Hoàng Quân mua lại một số nền, sau đó chuyển nhượng cho khách hàng nhưng không làm thủ tục cấp GCN mà đem GCN chung thế chấp ngân hàng.
Người dân không có lỗi
Ngày 20-8, trong cuộc họp về cấp GCN do Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín chủ trì, Sở TN-MT đã báo cáo các vụ việc này. Theo đại diện Sở TN-MT, các vụ việc nêu trên có dấu hiệu lừa đảo vì xét về bản chất, chủ đầu tư đã đem một căn nhà bán cho nhiều khách hàng khác nhau.
Ông Nguyễn Hữu Tín đã chỉ đạo Sở TN-MT và các quận – huyện rà soát lại để tiếp tục phát hiện các trường hợp tương tự và đề xuất hướng giải quyết. “Không thể lạnh lùng cho rằng người dân mua nhà như thế thì ráng chịu hay để người dân và chủ đầu tư tự thỏa thuận với nhau… Cơ quan nhà nước vẫn phải có trách nhiệm giải quyết việc này. Quan điểm của thành phố là người dân không có lỗi nên sẽ xem xét để cấp GCN, giao dịch – tranh chấp giữa chủ đầu tư và ngân hàng sẽ do hai bên tự giải quyết” – ông Tín nêu rõ.

 

Bài và ảnh: MINH KHANH
(NLĐ)

Bình luận (0)