Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nhà bán lẻ Anh chuẩn bị vào Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Ông Simon Brown của tập đoàn bán lẻ Woolworths đang làm việc với đại diện của Vinatex tại TPHCM ngày 18-11 - Ảnh: Mộng Bình Trong những ngày này, đại diện của 5 nhà bán lẻ hàng đầu của Vương quốc Anh đang có những cuộc tiếp xúc cùng doanh nghiệp trong nước để tìm đối tác cũng như cơ hội xâm nhập vào thị trường bán lẻ Việt Nam – khi mà chỉ còn hơn một tháng nữa sẽ mở cửa hoàn toàn cho các công ty nước ngoài.

Debenhams và Woolworths là 2 trong số 5 nhà bán lẻ của Anh đã tiết lộ một phần kế hoạch hiện diện tại thị trường bán lẻ Việt Nam tại hội thảo có chủ đề “Trao đổi kinh nghiệm và cơ hội hợp tác với các nhà bán lẻ hàng đầu của Vương quốc Anh” diễn ra ngày 18-11 tại TPHCM.

Các nhà bán lẻ còn lại là Marks & Spencer, Boots International và BHS cho biết sẽ tiếp tục tìm hiểu thị trường và có thể đưa ra quyết định sau khi cùng đoàn doanh nghiệp Anh kết thúc chuyến tìm hiểu thị trường Việt Nam tại Hà Nội vào ngày 21-11.

Vào Việt Nam thông qua đối tác trong nước

Ông Simon Brown, Trưởng phòng Phát triển và kinh doanh quốc tế của Woolworths, nói rằng tập đoàn này đang tìm kiếm đối tác để thực hiện kế hoạch đưa sản phẩm quần áo dành cho trẻ em có thương hiệu Ladybird vào thị trường Việt Nam vào năm 2009.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online sau khi có cuộc nói chuyện với đại diện của tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tại buổi hội thảo, ông Brown nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm một đối tác có khả năng quản lý chất lượng và tiêu chuẩn của Ladybird sau khi nhãn hàng xuất hiện tại Việt Nam.

“Woolworths sẽ mở cửa hàng tại khu trung tâm và các khu đô thị mới tại cả hai thành phố lớn nhất của Việt Nam là TPHCM và Hà Nội để bán sản phẩm quần áo Ladybird”, ông nói, và tin tưởng Ladybird sẽ nhanh chóng được nhiều người tiêu dùng biết đến, như tại Anh – nơi tập đoàn có hơn 800 cửa hàng thời trang, và tại các hệ thống nhượng quyền kinh doanh ở các thị trường khác như Trung Quốc và Malaysia.

Trong khi đó, Debenhams cũng đang có những kế hoạch để hiện diện tại thị trường Việt Nam, sau khi đã thành công trong việc phát triển hệ thống gồm 202 trung tâm thương mại tại 17 thị trường trên thế giới.

Bà Sarah Jackson, Trưởng phòng Phát triển kinh doanh của Debenhams, cho biết tập đoàn sẽ vào Việt Nam thông qua hình thức nhượng quyền kinh doanh và tìm đối tác tại thị trường này.

Bà nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng Debenhams chưa biết nhiều về thị trường bán lẻ Việt Nam, người tiêu dùng cũng như cách thức hoạt động nên hình thức hợp tác kinh doanh là biện pháp khả thi nhất để tập đoàn có thể dễ dàng vào thị trường này.

“Vẫn chưa trễ để bắt đầu tìm kiếm cơ hội tại thị trường bán lẻ Việt Nam, mặc dù chỉ còn hơn một tháng nữa là thị trường này mở hoàn toàn cho các nhà bán lẻ nước ngoài theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)”, bà Jackson nói.

Lý do là hiện tại sự hiện diện của các tập đoàn bán lẻ và phân phối nước ngoài tại Việt Nam vẫn chưa nhiều nên cơ hội vẫn còn cho các doanh nghiệp mới đến khai thác tiềm năng của thị trường này.

Gần đây, Công ty tư vấn quản lý quốc tế A.T. Kearney đã xếp Việt Nam là thị trường mới nổi bán lẻ hấp hẫn nhất của năm 2008 trong số 30 thị trường mới nổi toàn cầu vì kinh tế tăng trưởng cao, các quy định sửa đổi gần đây có lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhu cầu mua sắm tăng cao.

Cũng cần nói rằng, A.T. Kearney đã xếp Việt Nam trên cả các thị trường lớn là Ấn Độ, Nga và Trung Quốc. Điều này cũng giúp Việt Nam thu hút hút được sự quan tâm của nhiều nhà bán lẻ quốc tế dẫu rằng kết quả của A.T. Kearney chỉ mang tính tham khảo.

Ông Neil Wynn-Jones, Cố vấn thương mại quốc tế cao cấp của Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư của Vương Quốc Anh đồng thời là trưởng đoàn thương mại lần này, khẳng định các nhà bán lẻ của đất nước này sẽ sớm trở lại Việt Nam khi họ nhận ra cơ hội và tiềm năng tại đây.

Thách thức cho những người mới

Làm thế nào để tìm được mặt bằng tại khu trung tâm là một trong các thử thách mà nhà bán lẻ nước ngoài phải đối mặt khi vào Việt Nam - Ảnh: Mộng BìnhÔng Marc Townsend, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam – công ty chuyên về dịch vụ bất động sản, trao đổi tại buổi hội thảo rằng thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng kèm theo đó là hàng loạt những thử thách.

Ông Townsend cho rằng việc các nhà bán lẻ mới đến có thể tìm được vị trí tốt ngay khu trung tâm các thành phố lớn là điều không dễ dàng, vì nguồn cung mặt bằng cho các cửa hàng và trung tâm bán lẻ đạt tiêu chuẩn quốc tế không nhiều.   

Bản thân bà Jackson của Debenhams mặc dù khẳng định tập đoàn này muốn đạt đến ký kết với đối tác trong nước vào năm 2009 nhưng cũng thừa nhận việc mở được một trung tâm bán lẻ tại Việt Nam quả là một tham vọng lớn.

Ông Townsend cũng đề cập đến tiền thuê mặt bằng cao (có khu vực phí thuê gần bằng với thị trường phát triển là Singapore), sự thiếu hụt chỗ đậu xe tại khu trung tâm thành phố, tỷ giá giữa tiền đồng Việt Nam và đô la Mỹ… là những yếu tố mà các nhà bán lẻ nước ngoài cần phải tính toán và chuẩn bị thật kỹ trước khi chính thức vào Việt Nam.

Theo thống kê của CBRE, Hà Nội hiện có 13 trung tâm mua sắm và bán lẻ có tổng diện tích khoảng 100.000 mét vuông chủ yếu tọa lạc tại khu trung tâm và mức giá thuê mặt bằng có nơi lên đến 150 đô la Mỹ/mét vuông. Số trung tâm mua sắm và bán lẻ hiện tại ở TPHCM là 15 với hiện tích là 150.000 mét vuông, và mức giá thuê cao nhất ở khu trung tâm là 250 đô la Mỹ/mét vuông.

Mặc dù vẫn còn nhiều thử thách trước mắt, ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước của Bộ Công Thương, khẳng định rằng Việt Nam chào đón các nhà bán lẻ của Anh và nước ngoài vào thị trường Việt Nam để góp phần giúp phát triển thị trường này và cũng vì lợi ích của người tiêu dùng trong nước.

MỘNG BÌNH (TBKTSG)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)