Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nhà bán lẻ nội hụt hơi

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Các nhà bán lẻ nước ngoài đang tận dụng kẽ hở pháp luật để mở rộng mạng lưới l Doanh nghiệp trong nước ngày càng gặp khó.

Với tổng mức doanh thu tăng trên 25%/năm, thị trường bán lẻ VN đang được xem là mảnh đất màu mỡ đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, cũng trên lĩnh vực này, các doanh nghiệp (DN) bán lẻ trong nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Minh họa: Nguyễn Tài
Lách luật, né quy định 
Tại TPHCM, các DN bán lẻ nước ngoài hiện đã chiếm khoảng 40% thị phần và đang có xu hướng phát triển mạnh với hình thức đại siêu thị (Metro, Lotte), khu bán lẻ phức hợp (Lotte, BigC, Parkson), chuỗi cửa hàng tiện lợi (Family Mart)…
Năm 2010, thị trường bán lẻ VN chứng kiến cuộc “chạy đua” mở rộng hệ thống của các DN bán lẻ nước ngoài. Từ đầu năm đến nay, BigC đã mở thêm 5 siêu thị, đưa tổng số siêu thị tại VN lên 14. Metro Cash & Carry cũng vừa đưa vào hoạt động trung tâm bán sỉ thứ 13 của hệ thống tại TP Vũng Tàu. Lotte Mart có thêm một siêu thị tại tòa nhà EverRich (940B 3 Tháng 2, Q.11- TPHCM). Mặc dù không công bố chính thức kế hoạch tương lai nhưng các “đại gia” này đều cho biết đang triển khai một số dự án mới, sẽ đưa vào hoạt động trong năm sau.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, cho biết nếu trước đây, nhà bán lẻ nước ngoài chỉ chú ý chọn mở điểm bán ở các khu vực ngoại thành, diện tích lớn thì gần đây, họ bắt đầu tiến vào nội thành, sẵn sàng thuê cả mặt bằng nhỏ để khai thác.
Nếu đối chiếu với các cam kết về việc mở cửa thị trường bán lẻ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thì việc các nhà bán lẻ nước ngoài liên tục mở rộng hệ thống là không bình thường. Một cán bộ Bộ Công Thương cho hay VN gia nhập WTO, các nhà bán lẻ quốc tế khi được cấp phép có quyền mở điểm bán lẻ đầu tiên. Từ điểm bán lẻ thứ 2 trở đi thì phải tuân thủ việc kiểm tra nhu cầu kinh tế.
Theo đó, việc cấp phép thêm điểm bán lẻ cho các nhà bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài phải tuân thủ 3 tiêu chí về quy mô địa lý, số lượng nhà cung cấp dịch vụ đang hiện diện trên địa bàn, sự ổn định của thị trường đối với các cơ sở bán lẻ thứ 2 trở đi. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng ban hành thêm 2 tiêu chí để xem xét cấp phép các cơ sở hoạt động bán buôn của nhà bán lẻ nước ngoài là mật độ dân cư trên địa bàn tỉnh/TP và sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch của địa phương. Tuy nhiên, các quy định trên quá chung chung và không được thực thi.
Liên doanh, nhượng quyền thương mại?
Chiêu phổ biến nhất của các “đại gia” bán lẻ ngoại đang sử dụng để mở rộng hệ thống là “liên doanh”, “nhượng quyền thương mại” với các DN trong nước. Ngoài ra, các DN này xin phép mở điểm bán đầu tiên ở tỉnh, TP khác rồi trở ngược vào TPHCM mở chi nhánh kinh doanh. P. là một ví dụ. Trung tâm thương mại này được cấp phép mở điểm bán đầu tiên ở Hải Phòng, trở vào TPHCM mở chi nhánh và các điểm bán khác. Hay như siêu thị L., mặc dù siêu thị L. ở quận 7 không nằm trong quy hoạch phát triển siêu thị, trung tâm thương mại của TPHCM, từ khi xây dựng đến khi đi vào hoạt động đã không được sự đồng ý của UBND TPHCM nhưng… vẫn hiển nhiên tồn tại. Đến khi L. mở siêu thị thứ hai, sự việc cũng diễn ra tương tự.
Một cán bộ Sở Công Thương TPHCM bức xúc: Theo quy định, khi mở điểm kinh doanh thứ hai trở đi, các DN bán lẻ nước ngoài phải thông báo với Sở Công Thương trên địa bàn nhưng hầu như tất cả DN đều… làm ngơ. Thậm chí, khi phát hiện các điểm bán này không phù hợp quy định, quy hoạch, sở cũng không làm gì được vì giấy phép xây dựng, kinh doanh của họ được cấp từ các bộ…
Theo các chuyên gia kinh tế, các tập đoàn bán lẻ nước ngoài khi vào VN đều có tư vấn luật rất chặt chẽ, họ vận dụng và khai thác tối đa những lỗ hổng của pháp luật, lách luật, né luật, biết xin phép đúng nơi, “gõ” đúng cửa để mở rộng hệ thống…
Ông Nguyễn Ngọc Hòa băn khoăn: Với tình hình hiện nay, các DN trong nước không mạnh mẽ vươn lên thì rất khó giữ được “sân” nhà. Ngoài việc nỗ lực tìm lối đi riêng, tăng cường hợp tác với các đối tác trong nước, giảm chi phí…, các nhà bán lẻ trong nước rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước để phát triển mạng lưới bán lẻ nội địa.

Cạnh tranh gay gắt 
Giám đốc một hệ thống siêu thị tại TPHCM nhận xét: “Cạnh tranh trên thị trường bán lẻ ngày càng gay gắt, quyết liệt mà phần thiệt thuộc về DN trong nước do không thể theo kịp DN nước ngoài về vốn, khả năng tài chính, khả năng chịu lỗ…”. Vị giám đốc này phân tích: Các DN bán lẻ ngoại với tiềm lực kinh tế dồi dào, sẵn sàng phá giá thuê mặt bằng để có được những mặt bằng đẹp, chịu đựng được lỗ ban đầu từ 9-10 năm, trong khi DN trong nước chỉ có thể cầm cự lỗ tối đa 3-5 năm. Đánh vào tâm lý chuộng hàng giá rẻ của người dân, các nhà bán lẻ nước ngoài khi đầu tư vào VN đều có chiến lược bán dưới giá vốn để thu hút khách. Điển hình là B. liên tục tung ra những chương trình khuyến mãi hấp dẫn với hàng trăm mặt hàng được giảm giá “sốc” khiến các siêu thị VN phải chạy theo hụt hơi.

Thanh Nhân / NLĐ

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)