Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Nhà báo & đối thoại

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà báo Huỳnh Biển: Vui nhất là đem niềm vui đến cho xã hội

Nhà báo Huỳnh Biển ở nơi tận cùng Tổ quốc

Những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Huỳnh Biển cùng Huỳnh Kim (Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, Ngô Hoàng Giang (Lao Động), Nguyễn Thị Kỳ (Sài Gòn Giải Phóng) là những nhà báo đại diện sớm nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Làm báo miệt sông nước này rất khác lạ, bởi tính tài tử đã ăn sâu vào lòng người hàng thế kỷ. Một cuộc hành trình từ Vĩnh Long về Cần Thơ, đang lúc phà chạy ngang sông Hậu, trong tiếng máy phà khua nước kêu rì rầm anh kể cho tôi nghe về mình.
– Nghề báo đến với tôi thật bất ngờ. Vì thời học sinh trung học, tôi mơ ước trở thành nhà khoa học để nghiên cứu sáng tạo chứ không nghĩ đến nghề báo. Thế nhưng, tôi lại không có “duyên” với nghiên cứu khoa học mà “nợ” với nghề báo. Khi học xong trung học, tôi được UBND tỉnh Hậu Giang chọn đi học làm báo. Lúc đó, báo chí chưa phát triển như bây giờ. Muốn có được tờ báo để đọc không phải dễ nên đối với học trò nhà quê như tôi bấy giờ khó thể hình dung được nghề báo như thế nào? Chưa biết chọn lựa nghề như thế nào thì ba tôi bảo nghề báo cũng được. Vì hồi nhỏ, ba tôi có được một nhà nho dạy học, rất thường viết báo về những vấn đề bức xúc trong xã hội. Thế là tôi làm hồ sơ nhập học. Đến tháng 10-1986, tôi tốt nghiệp ra trường, bước vào nghề báo. Kể từ đó, tôi mắc “nợ” nghề báo đến bây giờ.
Đã qua hơn 20 năm làm báo, chắc ông có rất nhiều chuyện vui buồn?
– Chuyện vui buồn trong nghề báo nhiều lắm! Tôi cũng được nhiều giải thưởng báo chí, nhưng tôi không vui bằng những bài viết đem lại cho xã hội một niềm vui. Nhớ lại hồi năm 1991, khi viết phóng sự Những người đàn bà đạp xe vua đăng trên Báo Thanh Niên, phản ảnh cuộc đời nghèo khó của những người phụ nữ của thị trấn Phú Lộc (huyện Thạnh Trị nay là huyện Phú Lộc, tỉnh Sóc Trăng), hàng ngày phải gồng lưng đạp xe chở khách để kiếm cơm áo gạo tiền và cuối bài đặt vấn đề địa phương hãy cho họ cần câu để mưu sinh. Sau khi báo đăng, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Hậu Giang đọc phát lại bài, phát thanh viên Xuân Thu rơi nước mắt đọc trong niềm xúc động, người nghe cũng đồng cảm. Nhiều người gặp tôi, chúc mừng chia sẻ. Đó cũng là lời an ủi nhưng vui hơn là sau bài viết đó, Hội đồng nhân dân huyện Thạnh Trị đã họp bàn chuyện hỗ trợ chuyển đồi nghề cho những người đàn bà đạp xe vua. Lần khác được một cựu chiến binh cung cấp thông tin cho biết có một mẹ Việt Nam Anh hùng (huyện Ngã Năm, Sóc Trăng) rất nghèo khó, nhà cửa không đủ che mưa che nắng, đợi chờ nhiều năm nhưng chưa được xây dựng nhà tình nghĩa. Đến tận nơi, thấy gia đình rất nghèo khó, cả cái bàn để tiếp khách, ăn cơm cũng chẳng có, chỉ có những tấm bằng Tổ quốc ghi công treo đầy nhà. Ngày hôm đó, mẹ mời ở lại ăn cơm nhưng thấy khó khăn cho gia đình, tôi lựa lời nói khéo là phải về ngay để viết kịp bài cho số báo tới. Sau khi bài đăng trên báo, tôi không có dịp trở lại thăm mẹ nhưng qua người cựu chiến binh – đồng đội của chồng mẹ năm xưa, cho biết mẹ rất vui mừng là sau khi báo đăng, địa phương đã xây nhà tình nghĩa cho mẹ. Biết được mẹ có mái ấm đàng hoàng, tôi cảm thấy hạnh phúc cho nghề… Chuyện vui có nhiều nhưng chuyện buồn cũng không ít. Đó là khi viết bài điều tra về vụ việc lừa đảo bảo hiểm. Ngay trong thời gian điều tra, thu thập thông tin, chứng cứ, điện thoại của tôi liên tục bị gọi, nhắn tin đến đe dọa, đề nghị không viết bài. Tôi nghĩ mình làm việc tất cả bằng cái tâm, bằng niềm tin của bạn đọc nên không ngần ngại viết. Khi bài đăng rồi, đối tượng lừa đảo bảo hiểm nêu ra trong bài viết đã đến tận nhà đe dọa cả vợ tôi. Thế là mấy đêm liền, vợ tôi không ngủ yên. Tất cả có chứng cứ đàng hoàng, cuối cùng, công ty bảo hiểm nhân thọ không thể phủ nhận, cảm ơn báo đã phát hiện ra một nhân viên bán bảo hiểm không có đạo đức nghề nghiệp, còn đối tượng lừa đảo bảo hiểm trong bài viết cũng thừa nhận những sai trái, bồi thường và xin lỗi những người bị hại…
Ông có thể cho biết việc tác nghiệp báo chí ở vùng đất này như thế nào?
– Tôi sinh ra và lớn lên trên miệt sông nước đồng bằng sông Cửu Long rất hiểu đời sống sinh hoạt của cư dân nơi đây nhưng chuyện tác nghiệp lại hoàn toàn khác. Địa hình sông nước đi lại rất khó khăn. Mấy năm gần đây, đường bộ đã được đầu tư đi lại dễ dang hơn, còn trước đây mỗi lần đi thu thập thông tin rất vất vả, có khi phải nằm 5-6 giờ trên tàu. Nhớ mùa lũ năm 1991, tôi bị hụt chìm tàu giữa cánh đồng mênh mông nước. Lúc đó, tôi là đặc phái viên Báo Thanh Niên tại đồng bằng sông Cửu Long. Năm đó, lũ về sớm, tôi nhận được bức điện (điện tín – lúc đó phương tiện thông tin rất nghèo nàn, điện thoại bàn cũng khó, còn điện thoại di động không có) của Báo Thanh Niên yêu cầu có bài gấp viết về lũ lụt đồng bằng sông Cửu Long. Đó cũng là lúc tôi mới lập gia đình được 3 ngày. Tuy nhiên, do yêu cầu thời sự tôi phải vội vàng tốc hành đến điểm nóng của vùng lũ. Đến huyện Tân Châu, tỉnh An Giang, trên đường đi từ Châu Đốc đến Tân Châu rất khó khăn, phải đi xe ôm, đi đò. Lũ chảy cuồn cuộn, cuốn sập 2 mô cầu sắt trên đường đi. Đến nơi đã chiều tối. Sáng hôm sau, Tuyên giáo huyện cho phương tiện là chiếc vỏ lãi để đến đầu nguồn lũ. Vỏ lãi băng qua đồng ruộng mênh mông nước, cây cối đã bị lũ nhấn chìm, chỉ còn vài đọt tre phất phơ. Vỏ lãi thì nhỏ, nước chảy cuồn cuộn, ập vào thành, chiếc vỏ lãi quay vòng. May thay là không lật. Nếu lật vỏ lãi thì cũng khó sống được vì đồng ruộng bây giờ là biển lũ ngập đến 5-6 mét…
Chuyện tác nghiệp tại các cơ quan, doanh nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long cũng vậy. Không phải dễ dàng có được thông tin để viết báo. Nhớ hồi cuối năm 1999, tôi đăng ký với Tòa soạn Báo Doanh Nghiệp viết bài cho Báo xuân Doanh Nghiệp 2000 với bài Nhịp cầu nối hai thế kỷ. Đó là sự kiện cầu Mỹ Thuận – cây cầu dây văng dài nhất của Việt Nam lúc bấy giờ, hợp long. Tuy đã đăng ký đề tài nhưng đến đêm hợp long rất lo, sợ không thể lên cầu đến tận công trường để chụp ảnh và trao đổi cùng với kỹ sư trưởng, công nhân… Mặc dù đã đăng ký với Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận tham dự đêm hợp long cầu Mỹ Thuận để viết bài báo xuân nhưng khi đến đêm hợp long gặp nhiều rắc rối. Đêm đó, có rất nhiều đồng nghiệp báo chí địa phương, trung ương, TP.HCM nhưng được vào công trường thì không dễ. Muốn vào công trường, phải có thẻ với chữ ký của Tổng giám đốc Dự án cầu Mỹ Thuận, Richard Magnusson. Thẻ này báo chí không phải dễ xin được vì phía nước ngoài cung cấp. Không ít đồng nghiệp không có thẻ phải đành đứng ngoài và ra về. Ngay cả Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long vào cổng cũng không được mặc dù có thư mời nhưng không có thẻ. Không có thẻ thì làm sao vào công trường chụp ảnh, viết bài được? Bí quá, tôi gặp Phó văn phòng Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, nói rõ: “Bài báo xuân đã đăng ký với tòa soạn rồi. Nếu không hoàn thành sẽ bị kỷ luật”. Phó văn phòng Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận đồng cảm, liền lấy cho tôi một thẻ – tôi vẫn giữ đến bây giờ để làm kỷ niệm. Được thẻ đã mừng rồi nhưng khi bước vào cổng gặp nhân viên giám sát người nước ngoài kiểm tra buộc phải mang giày, đội mũ bảo hộ lao động mới cho vào công trường. Giày thì đã có nhưng kiếm đâu ra mũ. May thay, lúc đó một công nhân thấy vậy cho mượn mũ. Thế là được vào tận công trường chứng kiến đêm hợp long cầu Mỹ Thuận và hoàn thành bài viết.
Ông viết nhiều về thể loại phóng sự, nhưng hình như ông không thích văn chương, bởi đọc phóng sự của ông tôi thấy số liệu nhiều hơn là hình tượng?
– Nói không thích văn chương là không phải. Công việc làm báo luôn tất bật tôi ít có thời gian để đọc tiểu thuyết, nhưng có lẽ tôi thích nhất nhà văn, nhà báo Vũ Trọng Phụng. Tuy cuộc đời nghèo khó, ngắn ngủi (chỉ 27 năm sống trên cõi đời) nhưng ông để lại cho đời rất nhiều bài báo và tiểu thuyết hay. Thích nhất là những phóng sự xã hội của Vũ Trọng Phụng như Cạm bẫy người, Kỹ nghệ lấy Tây, Lục xì… mà mọi người tôn ông là “ông vua phóng sự đất Bắc”. Đó cũng là những bài học lớn giúp tôi có nhiều thành công trong viết phóng sự xã hội của mình trong những năm qua.
Duy Khanh

Bình luận (0)