Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nhà báo không thẻ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nghề báo cũng giống như là một cuộc chơi, đã dấn thân vào nghề thì phải có lòng kiên nhẫn. Nghề báo đối với “nhà báo không thẻ” thật là gian truân nhưng cũng không kém phần thú vị.
Trên khắp các mặt báo, nhiều tên tuổi của các “nhà báo nghiệp dư” cứ xuất hiện đều đều, giống như con tằm cần mẫn nhả cho đời những sợi tơ vàng óng ánh. Họ là ai? Họ gồm đủ thành phần từ một anh bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo, sinh viên, học sinh đến các anh công nhân, bác hưu trí, anh bán hủ tiếu ở một thị trấn… Tất cả họ đều có chung một đam mê, đam mê được viết, được thử sức về lòng kiên nhẫn của chính bản thân.
Đến với nghề báo không phân biệt thành phần xã hội hay lứa tuổi. Họ cứ cặm cụi đi, đọc, viết và xem đó như là một nhu cầu sống không thể thiếu trong họ. Nhiều người chẳng khác gì là một nhà báo chuyên nghiệp. Họ tự móc tiền túi ít ỏi, để trang bị những phương tiện cần thiết cho công việc của mình. Đặc biệt, họ cũng không ngừng trau dồi kiến thức để không khỏi bị lạc hậu; nếu không họ sẽ bị đẩy ra khỏi cuộc chơi. Họ phải tự vươn lên bằng chính khả năng và niềm đam mê của bản thân.
Nhà báo không thẻ, họ luôn phải nhạy cảm trong việc tìm chủ đề, lại phải viết đa dạng với nhiều thể loại, nhất là gửi nhiều bài có chất lượng đến nhiều báo! Họ lặng lẽ viết, cùng nếm đủ vị cay đắng và sự ngọt ngào. Bài viết xong, họ còn phải nhanh chân gửi đến tòa soạn cho kịp báo “ra lò” vào một dịp kỷ niệm, một chủ đề nào đó trong ngày, tuần, tháng tới, rồi ngồi thấp thỏm đợi chờ. Một tuần trôi qua, hai tuần rồi lại ba…
Mỗi ngày, họ đều ra thư viện, phòng đọc bưu điện hay sạp báo tận trên huyện, tỉnh có khi tới hai ba lần. Nhiều người có vốn thì đặt luôn cả tháng, cả quý mà báo mình đã gửi bài. Đâu phải chỉ một hai loại báo mà có khi đặt mua cả chục tờ báo. Mua báo để chờ tin bài. Thấy tên mình hay tên bạn viết đăng mục hộp thư cộng tác thì cũng đã là một niềm vui nho nhỏ được thắp lên; vì bài của mình đã không bị thất lạc, biết tin bạn viết (chưa bao giờ gặp mặt) vẫn còn mạnh khỏe; đồng thời để lấy thông tin cho các bài viết khác. Có khi những “nhà báo không thẻ” không hẹn, lại gặp nhau ở các sạp báo ngày hai ba lần, rồi dần riết quen. Hễ thấy báo đăng bài của người nào quen biết, thì mua gửi ngay đến người ấy, để cùng vui.
Bài đã đăng rồi. Mừng rồi. Viết thì cũng cần có giấy mực, một phần tạo động lực để viết tiếp. Trông bài được đăng, rồi lại trông chờ nhuận bút. Có một số báo, bài đã đăng rồi, vẫn không thấy báo biếu đâu, và nhuận bút thì cũng phải đợi dài dài đến mỏi cả cổ. Biết bao điều của cuộc sống đang vây quanh họ, họ vẫn kiên nhẫn viết. Phần nhiều những “nhà báo không thẻ” đều có chung một niềm đam mê được viết. Dẫu niềm vui đến với họ rất nhỏ bé; song họ vẫn kiên trì và tự nhủ với chính mình rằng: bài này không đạt thì sẽ được đăng ở bài sau, thế là họ viết tiếp.
Nỗi niềm trăn trở của nhà báo không thẻ, được gửi gắm qua từng trang viết, từng nỗi đau của cuộc đời và chính họ phải chấp nhận những nỗi đau thất bại, để làm hành trang bước đến sự thành công, đầy vinh quang của nghề báo.
Một năm nữa lại đến, trong niềm vui kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, dẫu nhà báo chuyên hay nghiệp dư, chúng ta đều cùng bên nhau phấn đấu cho một xã hội ngày càng tốt đẹp.
Trần Thành Trung

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)