Kỳ II: Câu chuyện của nhà sưu tầm
Nhà báo Trần Thanh Phương viếng mộ 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc (23-6-2005) |
Làm báo hơn 40 năm, rất nhiều năm giữ cương vị Phó tổng biên tập Báo Đại Đoàn Kết phụ trách chi nhánh phía Nam, nhà báo Trần Thanh Phương rất hiểu giá trị của thông tin và tư liệu. Sinh ra và lớn lên ở vùng rừng đước, rừng tràm Cà Mau, 15 tuổi tập kết ra Bắc, hình bóng quê hương đất phèn ngập mặn luôn day dứt trong ông. Ông bắt đầu sưu tầm tư liệu về Cà Mau, sau đó là về miền Nam. Dần dần, kho tư liệu của ông mở rộng ra khắp các lĩnh vực khoa học xã hội, khoa học kỹ thuật.
PV: Với cá tính người đất Mũi – dường như anh không thích những nhà báo hay “quảng bá” về nghề của mình mỗi khi gặp nhau?
Nhà văn – nhà báo Trần Thanh Phương: Tôi thường chơi thân với những nhà báo mỗi khi gặp nhau ít nói tới nghề nghiệp, chuyên môn và tuyệt đối không nói xấu đồng nghiệp. Vui nhất và cũng thú vị nhất là kể chuyện tiếu lâm và chuyện đời…
Anh ấn tượng nhất nhà báo nào và tờ báo nào (trong nước và trên thế giới). Vì sao? Anh cho một vài ví dụ?
Ở trong nước, Dương Thị Xuân Quý là nhà báo tôi kính trọng và cảm phục. Cuộc đời ngắn ngủi của chị thật đẹp đẽ, trong sáng.
Tôi đặc biệt quý trọng nhà báo người Úc tên là Uyn-phrết Bớc-sét. Những năm chống Mỹ, Bớc-sét vào miền Nam nước ta trong bộ bà ba đen, cổ quàng khăn rằn, đầu đội mũ tai bèo, chân mang dép lốp. Ông đi xe đạp trên đường Củ Chi cùng với nữ nhà báo Pháp Ma-đơ-len Ríp-phô cũng áo bà ba, nón lá, khăn rằn… Những con lộ 15, đường An Nhơn, vùng Xóm Thuốc, Gót Chàng… xanh tươi hồi đó đã in dép lốp của Bớc-sét.
Có ba tờ báo, khi nào còn sống, tôi còn nhớ, lúc chết thì mang theo là Báo Nhân Dân, Báo Giải Phóng và Báo Đại Đoàn Kết.
Trên phương diện nhà văn, anh thích tác phẩm văn học nào?
Chẳng lẽ kể ra: Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Chinh phụ ngâm, Hương rừng Cà Mau, Chiến tranh và hòa bình, Những người khốn khổ… Nhưng những tác phẩm văn học do tôi viết ra, tôi yêu quý hơn cả.
Để nói về kinh nghiệm làm báo, xin anh nói vài câu?
Trong cuốn Ngòi bút và cây kéo, hồi ký báo chí của mình vừa xuất bản cuối năm 2008, trang cuối của sách, tôi viết: “Kỹ thuật và phương pháp làm báo luôn thay đổi, phát triển theo hướng hiện đại nhưng cái tâm trung thực, tinh thần không mệt mỏi, chu đáo, cẩn thận của người làm báo thì mãi mãi trường tồn”.
Lúc còn là phóng viên, anh đi cơ sở nhiều. Điều thú vị của anh sau mỗi chuyến đi là gì?
Có thêm bạn đồng nghiệp mới, thêm “bà con”, nhất là những nhân vật trong bài viết của mình, nhiều người trở nên thân thuộc.
Động lực nào khiến anh đến với việc sưu tầm tư liệu báo chí và văn chương? Xin anh cho biết đôi nét về bộ sưu tập này?
Đây là “nguyên liệu sản xuất”. Người trồng lúa phải có giống má, cày bừa, phân bón… người thợ xây phải có sắt thép, gỗ, gạch, ngói, xi măng… Ai thiếu thứ gì tự lo tìm thứ ấy. Nghề chữ nghĩa, không giấu dốt được. Trên trang báo, mình viết sai, người đọc biết liền. Tôi tập kết ra Bắc lúc 15 tuổi. Hiểu biết về miền Nam rất mù mờ, nên phải chuẩn bị cho mình càng nhiều càng tốt những kiến thức. Thế là bắt tay vào sưu tầm báo chí, cắt cắt, dán dán. Không ngờ hôm nay có một “gia tài” tư liệu đáng giá, mà nhiều người mơ ước.
Bộ sưu tập cắt dán 10.239 bài báo xuất bản từ năm 1975 tới năm 2005 được xếp hạng kỷ lục Việt Nam về các chủ đề như: danh lam thắng cảnh – di tích văn hóa – phong tục lễ hội – ẩm thực – trang phục… Chiều cao bộ sách là 1,2m; chiều rộng là 8,8m; khối lượng là 87kg…
Quí IV năm 2008, Nhà xuất bản Giáo dục đã in và phát hành cuốn sách quý Chân dung và bút tích nhà văn Việt Nam (tập I) của vợ chồng anh chị. Ý tưởng nào giúp anh chị biên soạn cuốn sách công phu này?
Ngay từ khi còn học ở trường, tôi đã rất cảm phục và tò mò muốn biết các nhà văn có điều kỳ diệu nào mà viết ra hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn trang sách? Chữ của họ có gì đặc biệt? Có người nói: nét chữ thường biểu hiện cá tính của người viết. Không biết có đúng không, nhưng tôi xem chữ viết của nhà văn như một tài liệu quý và được trân trọng lồng trong khung kính để nâng niu, gìn giữ hơn 30 năm. Mươi năm nay, nhiều nhà văn “viết” bằng máy tính. Nếu cất công có thể lưu giữ mọi thứ bằng máy quét và kỹ thuật đa phương tiện, nhưng phần hồn của những nét bút ra đời từ một bàn tay chắc hẳn nói lên nhiều điều lý thú. Do vậy tôi rất quý những dòng bút tích mà mình có được. Đến nay, tôi đã sưu tầm được hơn 500 bút tích và chân dung nhà văn Việt Nam. Tập I gồm 250 nhà văn (mỗi người 2 trang khổ giấy A4, gồm một tấm ảnh, một đoạn bút tích (chữ viết tay của tác giả), tiểu sử văn học, những tác phẩm đã in, một đoạn văn hoặc thơ tâm đắc, một số lời nhận xét của đồng nghiệp. Sách được thiết kế công phu, hiện đại và in màu rất trang trọng. Tuy mới là tập 1, nhưng cũng đủ mặt các thế hệ nhà văn: Lớp “tiền chiến” có Hàn Mặc Tử, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Nhược Pháp, Vũ Trọng Phụng… Lớp chống Pháp có Nguyễn Đình Thi, Hoàng Trung Thông, Bàn Tài Đoàn, Hữu Mai, Hồ Phương… Lớp chống Mỹ có Nguyễn Quang Sáng, Đinh Quang Nhã, Vũ Quần Phương, Nguyễn Khắc Phục, Trần Nhật Thu, Cảnh Trà, Vương Trọng, Thạch Quỳ… Nhà văn, nhà thơ đã trở thành liệt sĩ có Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý…
Được biết vợ anh là nhà giáo dạy văn nên chị đã giúp anh rất nhiều trong việc sưu tập, biên khảo?
Trong cuốn phim tài liệu dài 19 phút nói về việc làm tư liệu của tôi, có lời bình: “Việc sưu tầm tư liệu của ông Phương ví như con kiến tha lâu đầy tổ. Không phải một mà hai con kiến”. Con kiến thứ hai chính là vợ tôi.
Có người cho rằng là người Nam bộ, nhưng văn chương của anh không đậm chất Nam bộ, anh nghĩ sao?
“Tôi xem chữ viết của nhà văn như một tài liệu quý và được trân trọng lồng trong khung kính để nâng niu, gìn giữ hơn 30 năm”. |
Vài chục năm gần đây, hay nói đúng hơn là từ ngày thống nhất đất nước, bữa cơm của nhiều gia đình miền Bắc, bữa cơm của nhiều gia đình Hà Nội, thường có tô canh chua, cá kho tộ, khổ qua là các món ăn đặc sệt Nam bộ. Và trong mâm cơm của nhiều gia đình ở Nam bộ, ở Sài Gòn cũng thường có tô canh riêu cua, cà pháo, mắm tôm. Nghĩa là những món ăn của từng vùng, từng miền không còn đặc quyền của nơi nào nữa. Ngày tết, nhiều gia đình miền Bắc chưng hoa mai, nhiều gia đình ở miền Nam chơi hoa đào.
Anh đi nhiều, trong Nam, ngoài Bắc, lên rừng xuống biển, ngoài tình yêu công việc, anh còn có “tình” nào khác không?
Tục ngữ ta có câu: “Người đàn ông như cái nơm, bạ đâu úp đấy”. Tất nhiên không phải người đàn ông nào cũng vậy. Nếu “úp” nhiều, thế nào cũng bị lộ. Vì người đàn ông giấu cái gì cũng được cả, chỉ trừ say rượu và tình yêu.
Xin trân trọng cảm ơn anh.
Duy Khanh
Bình luận (0)