Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Nhà báo Phương Hà: Lặng lẽ một biên tập viên

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà báo Phương Hà là con của hai người làm ruộng ở làng Phương Sơn. Cái tỉnh nhỏ bé, mưa thúi đất, nắng nổ tre của ông xưa nay không có tên làng trùng nhau, nên nói đến Phương Sơn là dân trong vùng biết nó thuộc xã nào, huyện nào của Quảng Trị. Chín tuổi, theo chị Hai tập kết ra Bắc, năm 1965, vừa xong lớp 10/10, ông từ chối du học, viết đơn xin vào Nam đánh Mỹ. Rất may là ông được trở về quê hương trong một đơn vị Quân Giải phóng, chiến đấu khắp mặt trận Trị – Thiên – Huế. Rồi đợt 2 cuộc tổng tấn công năm Mậu Thân (1968), ông bị đối phương bắt nhốt ở đảo Phú Quốc cho đến khi trao trả tù binh vào tháng 3 năm 1973.
Anh có thể nói về nghề nghiệp…
– Tôi chỉ có hai nghề, đánh giặc ngoại xâm và làm báo. Đánh giặc thì có đến bốn huân chương, nhưng viết báo và làm báo thì so với nhiều đồng nghiệp, tôi chẳng có tiếng tăm gì, mặc dù có cả ngàn bài báo mà biên tập viên không phải mất công sửa hay bắt thêm bớt. Tôi vào nghề báo cũng chẳng phải tình cờ mà cũng không cố ý. Hồi học phổ thông tôi từng đi thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc. Ở chiến trường, tôi viết khá nhiều cho Báo Quân Giải Phóng Quân khu Trị – Thiên – Huế, Báo Cờ Giải Phóng của tỉnh Thừa Thiên, Báo Cứu Quốc của tỉnh Quảng Trị. Nhiều bài trong đó được gửi ra Bắc phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, in trên Báo Quân Đội Nhân Dân. Ở tù ra, tôi viết một loạt bài về trại tù binh Phú Quốc, về sự lấn chiếm vùng giải phóng của quân lực Việt Nam Cộng hòa cho Báo Giải Phóng và Thông tấn xã Giải phóng của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Thế là gần cuối năm 1973, Báo Giải Phóng lấy tôi về làm phóng viên. Từ đó đến nay, tôi sống bằng cái nghề “nói dóc” ấy.
Anh còn chụp ảnh, viết văn, làm thơ, tất cả đều “mát tay”?
Viết báo mà biết chụp ảnh là thêm một thế mạnh. Tôi khoái chơi ảnh, chơi cho mình là chính. Văn, thơ cũng là thú chơi riêng nên tôi ít công bố. Nhưng năm nay tôi sẽ in một tập truyện chiến tranh, toàn chuyện trai gái yêu nhau, có cả sex, rất hấp dẫn!
Anh nói nghề thứ hai là viết báo và làm báo?
– Có người viết báo giỏi nhưng làm báo lại không ăn ai, và trái lại. Làm báo là tổ chức cho ra một tờ báo (cả báo nói, báo hình, báo mạng) trong tình hình nước nhà chưa có báo tư nhân, mà có nhiều người đọc là không dễ. Viết báo thì có thể có bài hay, bài dở, nhưng làm báo mà dở thì anh chị em trong tòa soạn đói, trừ những tờ báo được phát tiền. Tiếc rằng, trong cơ chế hiện nay, nhiều quan báo chẳng biết làm báo.
Anh viết báo, làm báo lâu năm vậy, chắc là có rất nhiều kỷ niệm…
– Thừa tư liệu để viết hồi ký, nhưng tôi chưa muốn “ôn nghèo kể khổ hỷ nộ cuộc đời”. Khi mới về Báo Giải Phóng, mũi tôi cứ phập phồng vì được Chủ nhiệm Trần Bạch Đằng, Tổng biên tập Nguyễn Văn Khuynh khen chịu đi chiến trường, chịu viết, viết khá. Tháng 1-1979, khi làm phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, từ chiến trường biên giới Tây Nam ra chiến trường biên giới phía Bắc, tôi lại gặp những nữ thanh niên xung phong tắm suối không y phục, như thời chống Mỹ, hôm sau thì những tấm thân trinh trắng ấy bị đạn pháo của đối phương. Tôi khóc các em như từng khóc các em thanh niên xung phong mười tám đôi mươi ngã xuống dọc Trường Sơn. Mấy chục năm liền tôi hăm hở dùng ngòi bút “đâm mấy thằng gian”, cả trăm bài báo chống tiêu cực làm bút tôi tà mà nạn tham ô, nạn nhũng nhiễu dân lành không giảm. Thì ra mình quá nhỏ bé trong bể đời mênh mông! Vậy nhưng tôi vẫn theo chủ nghĩa lạc quan Trịnh Công Sơn, luôn ca với lòng mình “Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng”.
Hình như tài sản nhà anh lớn nhất là sách. Đọc nhiều thế, anh mê nhà văn, nhà báo nào nhất?
– Chỉ nói về nhà báo thôi nhé. Có một nhà báo không viết, nếu có viết thì sai chính tả tùm lum, mà tôi rất khâm phục, đó là nghệ sĩ nhân dân, anh hùng Phạm Khắc, chức to nhất trước khi mất là Giám đốc Đài Truyền hình TP.HCM. Tôi mê ảnh bởi tư chất trí dũng trong tâm hồn nghệ sĩ. Phạm Khắc là phóng viên quay phim dũng cảm nhất trong hàng ngũ phóng viên chiến tranh thế giới. Trong trận Bình Giả năm 1965, tự anh đánh chiếm một xe bọc thép lội nước trong đoàn xe của địch tiếp viện cho căn cứ rồi đứng thẳng người trên chiếc M113 ấy quay phim cảnh hai bên đánh nhau. Hay như trận Đồng Xoài ngày 10-6-1965, Phạm Khắc đã theo sát chiến sĩ xung kích, quay được những thước phim đặc tả gương mặt lính ta lính địch choảng nhau bằng lưỡi lê. Đợt tổng tấn công mùa xuân Mậu Thân, anh có mặt trên đường phố Sài Gòn, bị thương nặng vẫn không rời tay máy. Phạm Khắc lao động báo chí và nghệ thuật quên mình, có rất nhiều thành tựu nhưng gần như không nói về mình.
Nhà báo nước ngoài thì tôi thán phục Wilfred Burchett, người Úc (1911-1983). Ông là nhà báo đầu tiên đến Hiroshima ngay sau khi thành phố này bị bom nguyên tử của Mỹ, từ đó ông căm ghét chiến tranh và luôn ủng hộ các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Việt Nam là đề tài vô tận của ông, cả kháng Pháp lẫn kháng Mỹ. Ông đã có mặt ở Việt Bắc khi chiến dịch Điện Biên Phủ nổ ra, đã có mặt ở địa đạo Củ Chi những năm Mỹ đánh phá dữ dội nhất. Ông bị giới cầm quyền Úc chối bỏ vì cho rằng phản bội tổ quốc khi lên án họ đưa quân sang Nam Việt Nam. Hàng ngàn bài báo, hàng chục cuốn sách của Wilfred Burchett là tài liệu học tập cho bao thế hệ nhà báo tác nghiệp vì công lý trên khắp thế giới.
Có thể gọi anh là “nhà báo cách mạng lão thành” được không?      
– Đừng to tát thế, bởi làm “nhà” khó lắm. Tôi chỉ nhận mình là “người viết báo”. Vì thế mà tôi dị ứng với những người chỉ mới được đăng năm ba cái tin, vài bài viết nhạt nhẽo, đi đâu cũng xưng mình là “nhà báo”. Đã là nhà báo thực thụ thì phải có đầy đủ ba chữ T, đó là tài (năng khiếu cộng với học tập) – tình (cái tâm trong sáng, luôn vì dân vì nước) – tiền (sống đàng hoàng bằng nhuận bút).
Nghe nói anh được phong danh hiệu “Biên tập nhân dân”…
– Tôi tự phong đấy! Phong để giễu mình chơi, vì ở xứ ta, chữ “nhân dân” bị “lạm phát” quá mức, thành ra không còn “thiêng” nữa.
Nhưng mà qua việc làm biên tập viên cho nhiều tờ báo, anh đã góp phần đào tạo khá nhiều phóng viên.
– Ở các nước tiên tiến, sinh viên báo chí ra trường là viết được ngay, còn ở ta, hầu hết cử nhân ngành này không diễn tả được ý tứ của mình, chấm phẩy cũng sai be bét, do hỏng từ khâu thi tuyển và đào tạo. Năng khiếu là điều kiện tiên quyết để trở thành nhà báo, nhưng ta không tuyển sinh viên báo chí theo tiêu chí này mà cứ đủ điểm là lấy, nên dù học bốn năm rất tốn kém mà vài trăm cử nhân báo chí ra trường may ra có một hai người theo được nghề. Làm biên tập lâu năm, chỉ đọc qua vài bài của anh chị em mới vào nghề, tôi biết ai có thể viết được, ai không, từ đó có cách giúp họ. Mình tận tình và trong sáng thì lớp trẻ thương và nghe theo. Với tôi đó cũng là ơn đời…
Vậy là anh lặng lẽ làm thầy?
– Lặng lẽ một biên tập viên.
Đã từng là “sếp” của nhiều người, sau này anh “làm lính” một trong những người ấy, có gì cấn cái không?
– Lòng tự trọng và tinh thông nghề nghiệp, dù là nghề quét rác, cũng làm cho một “phó thường dân” trở thành người đáng kính.
Duy Khanh

Bình luận (0)