Nhà Bè phải phấn đấu để trở thành quận, là nhiệm vụ cấp bách được các cơ quan chức năng khẳng định tại hội thảo “Phát triển kinh tế, đô thị trên địa bàn huyện Nhà Bè”, do UBND huyện Nhà Bè tổ chức ngày 17-7. Đồng chí Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, tham dự và phát biểu chỉ đạo.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức phát biểu tại hội thảo.
6 lĩnh vực mời gọi đầu tư
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Võ Phan Lê Nguyễn đã giới thiệu các lĩnh vực mời gọi đầu tư. Về các dự án nhà ở: trục đường “xương sống” của huyện là đường Nguyễn Hữu Thọ, sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án dọc hai bên, trong đó có khu đại đô thị mới Nhơn Đức – Phước Kiển diện tích gần 350ha do Tập đoàn GS Hàn Quốc làm chủ đầu tư; phát triển các dự án nhà ở dọc trục đường 15B (từ cầu Phú Xuân 2B đến cầu Cần Giờ).
Chính quyền khuyến khích đầu tư xây dựng các dự án nhà ở dọc trục hành lang từ đường Nguyễn Bình (nút giao đường Lê Văn Lương) đến đường Phạm Hùng nối dài tại xã Phước Lộc. Tuyến Phạm Hùng là một phần thuộc trục hành lang kinh tế quy hoạch song song với quốc lộ 50 – kết nối TPHCM với tỉnh Long An và Tiền Giang; khu vực quy hoạch đô thị mới phía Bắc xã Phước Kiển (quy mô 300ha) với định hướng kết nối phía Bắc qua quận 7.
Về du lịch, huyện Nhà Bè có lợi thế về hệ thống nhiều sông, kênh rạch, các tuyến giao thông thủy có thể kết nối đến bến Bạch Đằng, Cần Giờ và miền Tây Nam bộ. Do đó, đầu tư các công trình thủy, khai thác quỹ đất dọc các tuyến sông rạch, kết hợp với du lịch đường thủy cũng là một gợi ý đáng được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư.
Kế tiếp là khai thác đất đai phát triển du lịch kết hợp phát triển mảng xanh. Khu đất quy hoạch khu công viên văn hóa du lịch (166ha, tại xã Long Thới) tiếp giáp phía Nam với sông Rạch Dơi có chiều dài đường bờ khoảng 1.000m, phía Bắc giáp với đường giao thông hiện hữu (đường Ngô Quang Thắm, lộ giới 40m). Đây là lợi thế lớn về kết nối giao thông thủy bộ để phát triển du lịch như công viên chuyên đề.
Thứ tư, huyện kêu gọi đầu tư khai thác đất đai kết hợp môi trường bền vững và phát triển mảng xanh. Khu quy hoạch nghĩa trang với quy mô 50ha tại xã Nhơn Đức, phía Đông kết nối đường hiện hữu (lộ giới 25m) và đường quy hoạch (lộ giới 40m), phía Nam là rạch Bà Lào (rộng 190m), có vị trí địa lý thuận lợi, vừa giải quyết hài hòa vấn đề môi trường, vừa kết hợp nhu cầu tâm linh của người dân TPHCM nói chung và huyện Nhà Bè nói riêng.
Với lợi thế đặc biệt của huyện là sông nước, huyện sẽ tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ, bến bãi, logistics. Khu vực được định hướng tại xã Long Thới, tiếp giáp phía Nam với đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, phía Đông giáp sông Soài Rạp, phía Tây giáp đường Nguyễn Hữu Thọ. Đối với định hướng phát triển giáo dục – y tế, huyện kêu gọi đầu tư vào khu vực đã được quy hoạch là khu đào tạo đại học (116ha) và khu Trung tâm y tế kỹ thuật cao (41,9ha), tập trung tại xã Long Thới.
Cần 27.000 tỷ đồng
Để thực hiện hàng loạt hạng mục hạ tầng đô thị, xã hội như vậy, huyện Nhà Bè sẽ cần nguồn vốn “khổng lồ”. Ông Nguyễn Hồng Văn, Phó Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC), ước tính sẽ phải có gần 27.000 tỷ đồng, bao gồm cho dự án chuyển tiếp của giai đoạn 2016-2020 và cho tới năm 2025. Tuy nhiên, vấn đề gọi vốn đầu tư hiện nay khó khăn, vì tổng thu ngân sách để lại cho thành phố chỉ có 18%, trong khi TPHCM rất cần vốn để đầu tư. Hiện nay, thuận lợi là hình thức đầu tư đối tác công – tư (PPP) đã được luật hóa, sẽ có hiệu lực vào đầu năm sau, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các nhà đầu tư tham gia. HFIC sẵn sàng là nhà đầu tư, hoặc là cầu nối, cho vay để các doanh nghiệp tham gia đầu tư.
“Muốn thu hút các tập đoàn, tổ chức tài chính, các nhà đầu tư hàng đầu thế giới thì cần tạo dựng môi trường kinh doanh, môi trường sống tốt nhất có thể. Huyện Nhà Bè phải hình thành được các khu đô thị kiểu mẫu với đầy đủ hệ thống y tế, giáo dục, giải trí. Muốn phát triển logistics thì tại Hiệp Phước phải có được các khu dịch vụ cảng quốc tế, các hệ thống kho bãi hoàn chỉnh, phải có trụ sở của các cơ quan kiểm định, hải quan, thuế… và ứng dụng những hệ thống quản trị hiện đại, hiệu quả, nhằm rút ngắn thời gian xử lý, thông quan hàng hóa và tối ưu chi phí”, ông Phạm Phú Quốc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển công nghiệp Tân Thuận, hiến kế.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức nhắc lại: “Vừa rồi tôi có tháp tùng Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân dự Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Nhà Bè. Một trong những chỉ đạo quan trọng của đồng chí Bí thư Thành ủy đó là Nhà Bè phải có định hướng để tương lai sắp đến sẽ biến huyện thành quận”.
Đi sâu vào nội dung này, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức nhấn mạnh, Nhà Bè có điểm đặc biệt, đó là “xanh”. Mong muốn huyện giữ được điều này trong quá trình đô thị hóa. Khi phát triển đô thị, chắc chắn huyện sẽ có sức hút rất lớn về các dự án bất động sản, chính quyền phải có cái nhìn tổng thể, làm sao các dự án cho dù là nhiều nhà đầu tư khác nhau thực hiện nhưng khi ghép lại sẽ trở thành một bức tranh tổng thể, hiệu quả, có định hướng rõ ràng. Huyện Nhà Bè nên tổ chức các hội thảo chuyên đề sâu hơn, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học… nhằm tiếp thu, thực hiện không chỉ trong nhiệm kỳ này mà kiên trì xuyên suốt các nhiệm kỳ sau, mới có thể xây dựng được địa phương trở thành một đô thị thông minh, đáng sống trong lòng TPHCM.
LƯƠNG THIỆN (theo SGGP)
Bình luận (0)