Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân |
Quả đúng như vậy, nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân là người lao động nghệ thuật không biết mệt mỏi, càng về già ông càng làm việc hăng say, tác phẩm càng tạo được tiếng vang lớn. Hiện, bộ phim Vó ngựa trời Nam dài 40 tập do ông viết kịch bản, Lê Cung Bắc đạo diễn đang quay được nửa đoạn đường. Có thể nói, đây là bộ phim truyền hình lịch sử dài tập nhất từ trước đến nay của Hãng TFS được đầu tư kinh phí rất cao.
Phim ảnh là khúc ruột
Vốn xuất thân là người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, nhưng cũng đã có thời gian ông quyết tâm từ bỏ con đường này, có thể cho biết nguyên nhân vì sao?
– Tôi vốn là sinh viên khoa Văn của Trường Đại học Đà Lạt. Thời đó, tôi là một trong những người chủ chốt thành lập nhóm kịch Thụ Nhân rất nổi tiếng ở Đà Lạt với vai trò diễn viên và đạo diễn. Sau giải phóng, do một số nguyên nhân về kinh tế, tôi về lại quê nhà ở Phan Rí – Bình Thuận làm ruộng, làm vườn chăm lo cho cuộc sống gia đình và quyết tâm không mơ đến nghệ thuật sân khấu nữa. Nhưng rồi ý định này đã bị “phá sản”.
Ông có thể cho biết rõ hơn?
– Khi tôi đã trở thành một người lao động thực thụ ở quê nhà thì một hôm, người bạn của tôi ở Đà Lạt viết thư rủ tôi về Sài Gòn làm việc, hoạt động nghệ thuật. Thế là tôi đã từ bỏ ruộng vườn ra đi. Vào Sài Gòn, tôi không làm nghệ thuật mà làm cán bộ chính trị trong ngành công an. Mỗi lần ngành có dịp liên hoan hay biểu diễn văn nghệ, tôi lại xung phong viết kịch bản, dàn dựng. May mắn, tôi được cố nhà văn Huỳnh Bá Thành giới thiệu về làm phó đạo diễn cho đạo diễn Lê Dân, được người thầy này hướng dẫn tận tình, càng ngày tôi càng vững chân trong nghề hơn. Tuy nhiên, tôi cũng đã trải qua rất nhiều khó khăn, cay đắng mới chạm ngõ thành công như ngày hôm nay.
Ông đã đúc kết được những kinh nghiệm gì cho bản thân mình?
– Làm nghệ sĩ khổ lắm, phải chấp nhận và cảm nhận cả những niềm đau. Điều quan trọng là đừng để tắt ước mơ và biết ước mơ mình ở đâu, như thế nào. Có những kịch bản viết ra tôi không muốn nhớ, vì đã xác định đó là nhu cầu kiếm tiền. Nhưng rồi tôi cứ day dứt, tự trách mình. Vậy là tôi phải “trả nợ” bằng những kịch bản mang tính nghệ thuật thật sự.
Đam mê đề tài lịch sử
Điều gì đã thôi thúc ông viết kịch bản phim Vó ngựa trời Nam?
Huỳnh Đông và Lê Phương – hai diễn viên chính của phim Vó ngựa trời Nam |
– Hãng TFS đã muốn làm một bộ phim truyền hình về Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ từ lâu, cũng đã có nhiều nhà biên kịch viết kịch bản nhưng họ không hài lòng. Chính ông Huỳnh Văn Nam – Giám đốc Đài truyền hình TP.HCM, con ruột của Huỳnh Văn Nghệ đã yêu cầu Hãng nhờ tôi viết kịch bản bởi trước đó tôi đã từng viết nhiều kịch bản về một số anh hùng trong lịch sử được dựng thành phim khá thành công. Có thể nói, đây là bộ phim mà tôi viết lâu nhất, trong suốt 3 năm mới hoàn thành.
Vì là nhân vật có thật trong lịch sử nên hẳn ông cũng gặp rất nhiều khó khăn?
– So với một số nhân vật lịch sử khác thì với Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ tôi có một số may mắn vì những người thân của ông hiện vẫn còn sống. Tôi được đưa đến nhà em út của Huỳnh Văn Nam để tiếp cận với những quyển sách do chính Huỳnh Văn Nghệ viết. Ngoài ra tôi còn tham khảo cuốn Thi tướng chiến khu xanh của nhà văn Nguyên Hùng cùng những tài liệu, lý lịch về ông mới tổng hợp lại thành câu chuyện đồng thời hư cấu thêm một số nhân vật phụ và kịch bản phim đã ra đời. Bộ phim này quay trong vòng một năm rưỡi, bối cảnh của phim cũng trải dài từ khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long đến Bình Dương, Đồng Nai, Đà Lạt, Thái Lan, Campuchia…Tôi cũng đồng hành cùng đoàn làm phim với vai trò cố vấn.
Từng chuyển thể nhiều truyện, tiểu thuyết lên phim, ông có thể cho biết việc chuyển thể và tự sáng tác, cái nào khó hơn?
Gia tài kịch bản của Phạm Thùy Nhân đã qua con số 130, từ phim truyện nhựa, video, phim truyền hình nhiều tập. Trong đó có những bộ phim đoạt giải thưởng cao trong nước và quốc tế: Gánh xiếc rong (giải bạc liên hoan phim quốc tế Nantes – Pháp 1990), Dấu ấn của quỷ (giải đặc biệt liên hoan phim Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 38), Xương rồng đen (giải A Hội điện ảnh 1994), Mê Thảo – Thời vang bóng – giải bông hồng vàng liên hoan phim quốc tế Bergamo – Ý)… |
– Cái nào cũng có cái khó riêng của nó. Tự sáng tác thì không bị áp lực nhưng tất cả mọi tình tiết, nhân vật đều phải do mình đặt ra. Còn chuyển thể có thuận lợi ban đầu là nó đã có được hình bóng, tư tưởng của nhân vật và của cả tác phẩm. Tuy nhiên, nhiều khi nhân vật, tư tưởng không phù hợp với thực tế phải sửa lại còn khó hơn cả sáng tác, đó là chưa nói đến chuyện luôn luôn bị áp lực vì đây là tác phẩm của người khác…
Hiện tại, công việc của anh như thế nào?
– Tôi vừa hoàn thành xong ba kịch bản phim lịch sử nói về cuộc đời anh hùng Trương Định, chuyển thể Trường Ca Đam San thành phim nhựa Dũng sĩ Đam San (Hãng phim Giải Phóng sản xuất) và Anh hùng Nguyễn Trung Trực (phim nhựa, Hãng phim Cửu Long và tỉnh Kiên Giang hợp tác sản xuất). Ngoài việc viết kịch bản phim, tôi còn dạy biên kịch cho sinh viên Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP.HCM đã hơn 10 năm qua.
Xin cảm ơn ông.
LỮ ĐẮC LONG (thực hiện)
Bình luận (0)