Mặc dù Việt Nam không nằm trong vùng xảy ra nhiều động đất như Nhật Bản và nhiều nước khác trên thế giới, nhưng cuộc sống ngày càng phát triển, nhà cao tầng theo đó cũng mọc lên nhiều hơn ở nước ta. Do đó, đã đến lúc chúng ta phải đưa tiêu chuẩn chống động đất vào các công trình xây dựng, nhất là nhà cao tầng để hạn chế tối đa những rủi ro bất trắc…
Hoàng Công Phước Khánh bên mô hình nhà chống động đất |
Em Hoàng Công Phước Khánh (học sinh lớp 12A2 Trường THPT Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) chia sẻ như vậy khi chúng tôi hỏi em lý do thiết kế ra mô hình nhà chống động đất. Mô hình này đã xuất sắc giành giải nhì (không có giải nhất) tại Cuộc thi sáng tạo trẻ tỉnh Quảng Trị năm 2016, và vinh dự được chọn tham dự Cuộc thi sáng tạo trẻ toàn quốc.
Tuy mới học lớp 12 nhưng Khánh tỏ ra quan tâm và có nhiều trăn trở về tình hình động đất ở nước ta. Khánh bảo, Việt Nam dù chưa xảy ra động đất lớn nhưng nhiều nơi vẫn đối mặt với nguy cơ cao về động đất, hay rung chấn mạnh. Hà Nội – nơi tập trung nhiều nhà cao tầng là một trong số đó. Do đó, sự cẩn trọng để phòng ngừa động đất là rất cần thiết. Thực tế, từ trước đến nay việc xem xét, phê duyệt thiết kế các công trình xây dựng hầu như rất ít tính đến khả năng chống chọi với động đất. Trong khi các đô thị ngày càng nhiều nhà cao tầng mọc lên. Không ai biết được, bao nhiêu trong số đó được thiết kế đủ tiêu chuẩn để có thể đứng vững khi xảy ra một trận động đất lớn như ở Nhật Bản. Từ đó, em đã thiết kế ra mô hình nhà chống động đất theo cấu trúc miễn chấn. Khánh cho biết: “Về cơ bản, cấu trúc miễn chấn là cấu trúc làm giảm thiểu dao động của tòa nhà xuống mức thấp nhất có thể khi xảy ra động đất, và tăng cường khả năng chống chịu động đất của tòa nhà nên em đã chọn kiểu thiết kế này. Theo đó, khi có động đất, chấn động sẽ tác động vào phần móng, theo lực quán tính thì ngôi nhà bình thường có thể rạn nứt hoặc sập ngay. Tuy nhiên, trong cấu trúc miễn chấn, sẽ lắp vào bên dưới các tòa nhà (phần tiếp xúc với mặt đất) các bộ phận miễn chấn, có tác dụng hấp thu các rung lắc của động đất, làm cho năng lượng động đất khó truyền đến tòa nhà”.
Khánh cho biết thêm: “Điểm mới của ngôi nhà là phần móng được sắp xếp các nan sắt đặt song song theo phương thẳng đứng, kết nối với nhau qua các thanh sắt hình ziczac để giảm ma sát khi có chấn động vì khối lượng của tòa nhà rất lớn, phần móng có thể chịu được động đất từ nhiều phương khác nhau song song với mặt đất. Ở phần thân nhà, gồm khung thép, các khung dầm có nhiều thanh sắt đan chéo nhau tạo sự chắc chắn cho tòa nhà”. Với mô hình này, một ngôi nhà 2 gian chống động đất, chi phí lắp đặt hệ thống móng miễn chấn cao hơn chừng 25-30% so với một ngôi nhà thông thường nhưng mọi người sống trong ngôi nhà này thấy yên tâm hơn.
Tuy được các chuyên gia đánh giá cao nhưng Khánh vẫn còn rất trăn trở với sản phẩm của mình: “Chưa tính đến động đất, chỉ đơn giản nhìn vào hệ lụy của những cơn lốc, bão quét qua vùng quê nghèo, cũng đủ để thấy một ngôi nhà có kết cấu theo cấu trúc miễn chấn là cần thiết. Tuy nhiên để biến mô hình này thành hiện thực, em rất cần sự hỗ trợ các nhà khoa học để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện nó. Và em cũng hy vọng rằng, từ mô hình này sẽ có nhiều ngôi nhà chống động đất được xây dựng phù hợp với điều kiện kết cấu của từng miền, từng vùng đất để đem lại sự an tâm cho người dân, đặc biệt là những người dân nghèo”.
Trăn trở của Khánh, cũng là tâm trạng chung của nhiều học sinh, khi lâu nay các sản phẩm được đánh giá cao tại các cuộc thi dành cho lứa tuổi học trò đều không được chú ý phát triển để ứng dụng vào cuộc sống. Gần như phần lớn trong số đó đều chìm vào đâu đó trong muôn vàn cuộc thi đã diễn ra, có rất ít sản phẩm mang tính sáng tạo được tiếp tục phát triển, thương mại hóa trong thị trường.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)