Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nhà chống lũ ấm lòng bà con vùng lũ

Tạp Chí Giáo Dục

3 năm kể từ ngày thành lập, dự án Nhà chống lũ (NCL) đã phát triển đời sống của bà con vùng lũ, xây dựng được niềm tin của nhiều người.

Một buổi đấu giá tranh của các họa sĩ nổi tiếng ủng hộ cho dự án của NCL

“Triệu thùng mì gói không bằng nhà ngói trên cao”

Năm 2013, với phương châm “triệu thùng mì gói không bằng nhà ngói trên cao”,  dự án NCL đã ra đời. Quan điểm của dự án là không hỗ trợ hoàn toàn giá trị ngôi nhà mà yêu cầu hộ dân được hỗ trợ có vốn “đối ứng” để họ có trách nhiệm với việc xây dựng, có ý thức làm chủ ngôi nhà của mình cũng như có ý thức giữ gìn ngôi nhà trong suốt quá trình sử dụng sau này.

Vừa qua, chương trình đấu giá tranh gây quỹ của NCL được tổ chức tại TP.HCM đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhiều cá nhân, đơn vị. Trước đó, NCL cũng đã thực hiện chương trình này tại Hà Nội. Đêm đấu giá gây quỹ được thực hiện bởi RiverƠi. RiverƠi là một diễn đàn nghệ thuật mở do NCL khởi xướng nhằm hỗ trợ các hoạt động cộng đồng và thúc đẩy sự sáng tạo, nghệ thuật. Trong 2 đêm đấu giá, RiverƠi tiến hành đấu giá trực tiếp hơn 50 bức tranh của nhiều họa sĩ nổi tiếng. Đây được xem như là niềm tin của bao người đã gửi gắm cho NCL để dự án này tiếp tục thực hiện những chương trình ý nghĩa.

Điều đặc biệt của dự án NCL hoạt động độc lập và không được đào tạo chuyên môn sâu về các lĩnh vực chống lũ, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thành viên của NCL là nhà báo, kiến trúc sư, nghệ sĩ, họa sĩ… Họ rong ruổi qua nhiều vùng, tự mình khảo sát thực tế, trực tiếp nghiên cứu, đánh giá để xây dựng mô hình nhà phù hợp và an toàn. Bên cạnh đó, dự án không đưa tiền mặt cho hộ dân mà trực tiếp liên hệ với các nhà cung cấp vật liệu tại địa phương đưa vật liệu đến chân công trình. Trong suốt quá trình triển khai dự án, tình nguyện viên của dự án giúp hộ dân quản lý và giám sát thi công. Chỉ khi số tiền chi trả vật liệu còn thừa so với định mức hỗ trợ, dự án mới đưa tiền cho chủ hộ để chủ hộ chi trả công thợ…

Bà Phạm Thị Hương Giang, thành viên sáng lập dự án NCL chia sẻ: “Khác với những dự án xây nhà tình thương mà cộng đồng thường thấy, NCL chỉ hỗ trợ phân nửa trong số tiền 50 triệu đồng để gia cố một căn nhà, số còn lại thì chủ nhà sẽ tự xoay xở, góp của hoặc góp công. Không chỉ mang đến điều kiện thoát lũ, dự án còn trao cả cơ hội để người dân có trách nhiệm hơn với cuộc sống của mình bằng những hành động thiết thực”.

Nhắc đến NCL không thể không nhắc đến nhà phao – một thiết kế đặc biệt cho người dân vùng lũ mà NCL đã thực hiện được bằng tất cả tâm huyết. Trong quá trình khảo sát ở Tân Hóa (Quảng Bình), các thành viên NCL đã phát hiện ra một ngôi nhà xiêu vẹo, tạm bợ với phần khung là tre, gỗ, vách mái lợp lá cọ, bên dưới được gắn mấy chiếc thùng phuy. Ngay sau đó, nhà phao – nhà bè riêng biệt cho vùng Tân Hóa được NCL triển khai chỉ sau một tháng hình thành ý tưởng và thiết kế.

Dự án ý nghĩa

353 căn nhà được thiết kế khác nhau nhưng vẫn đảm bảo an toàn, chi phí thấp ở các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam… là điều mà NCL đã làm được cho bà con vùng lũ suốt 3 năm qua. Qua mỗi vùng lũ, NCL lắng nghe nhu cầu thật sự của người dân. Các thành viên của dự án đã đến nhiều địa phương với phương châm “vừa đi, vừa thiết kế” và đã xây dựng được 5 mô hình điển hình cho các vùng lũ như: Nhà 2 tầng cầu thang ngoài, nhà cấp 4 mái cao có gác xép bê tông, nhà kê nền – nhà sàn thấp cho vùng sườn dốc có lũ bùn cường độ thấp, nhà 2 tầng cầu thang trong và nhà phao.

Mùa lũ về, nhiều ngôi nhà phao ở vùng lũ đã không bị nhấn chìm trong nước lũ mà ngược lại, lũ dâng đến đâu, nhà nổi đến đó. Bà Phạm Thị Hương Giang, thành viên sáng lập dự án NCL chia sẻ “Khác với những dự án xây nhà tình thương mà cộng đồng thường thấy, NCL chỉ hỗ trợ phân nửa trong số tiền 50 triệu đồng để gia cố một căn nhà, số còn lại thì chủ nhà sẽ tự xoay xở, góp của hoặc góp công. Không chỉ mang đến điều kiện thoát lũ, dự án còn trao cả cơ hội để người dân có trách nhiệm hơn với cuộc sống của mình bằng những hành động thiết thực”.

Thiên tai, lũ lụt luôn là nỗi ám ảnh của bà con vùng lũ. Cuộc chiến “không cân sức” này đã làm bao gia đình phải chịu nhiều mất mát, đau thương. NCL không chỉ giúp người dân vùng lũ “an cư lạc nghiệp” mà còn tiếp thêm niềm tin, nghị lực để họ hướng đến một cuộc sống tích cực hơn ở ngày mai, cố gắng hoàn thành căn nhà mơ ước, ổn định công việc, đảm bảo an toàn hơn trong mùa lũ. Đây chính là ý nghĩa nhân văn mà NCL hướng đến.

Bài, ảnh: Yên Hà

Bình luận (0)