Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Nha đam, dược phẩm đặc biệt

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Do đặc tính là loại dược liệu kỳ diệu, nha đam chữa được nhiều bệnh và là một loại mỹ phẩm đắt giá.

Theo truyền thuyết Ai Cập, nữ hoàng Cléopâtre đã sử dụng nha đam (tên khác là lô hội) để có được một làn da mịn màng, tươi tắn. Còn đại đế Hy Lạp Alexandra đã dùng nha đam để chữa vết thương cho binh lính của mình trong những cuộc viễn chinh. Những dòng chữ tượng hình và các hình vẽ còn lưu lại trên nhiều bức tường của các đền đài Ai Cập cho thấy cây nha đam đã được biết đến và sử dụng cách đây hơn 3.000 năm. Cho đến tận ngày hôm nay, con người đã chứng minh và khẳng định được vai trò của cây nha đam trong cuộc sống. Cụ thể hơn là trong lĩnh vực dược phẩm, thực phẩm và mỹ phẩm.

Từ nha đam, các nhà dược học cho ra đời nhiều loại mỹ phẩm dưỡng da Ảnh: HỒNG THANH
Vào cuối thế kỷ XIII, nhà thám hiểm người Ý Macro Polo (1254-1323) đã thực hiện một chuyến thám hiểm toàn châu Á. Đến Trung Hoa, Polo đã giới thiệu cho người dân bản xứ một loại dược thảo mà sau này chúng ta gọi là nha đam. Từ Trung Hoa, cây nha đam được di thực sang Việt Nam. Nha đam thuộc chi Aloe – họ huệ tây (liliaceae) cũng có sách phân vào họ agavaceae.
Rạch một đường giữa lá nha đam tươi, dùng muỗng nạo ở giữa lá nha đam ra, ta sẽ có một chất gel trong suốt, được gọi là lô hội (lô là đen, hội là tụ lại), tức là nhựa của nha đam khi cô đặc lại sẽ có màu đen (còn gọi là Aloès).
Những nghiên cứu gần đây đã chứng minh gel nha đam có tính sát khuẩn và gây tê, dùng để sát trùng, thanh nhiệt, thông tiểu. Làm êm dịu vết thương khi bị phỏng nhẹ, khi bị côn trùng châm chích hay da bị chai cứng. Gel nha đam cũng có tác dụng làm tăng vi tuần hoàn (giúp máu ngoại vi lưu thông tốt). Nhũ dịch được bào chế từ nha đam dùng để bào chế các loại thuốc trị eczema hay các mụt, chốc lở, làm vết thương mau kéo da non. Dịch tươi nha đam có tính kháng khuẩn lao. Thời xa xưa, nền y học phương Đông lẫn phương Tây, từ Hippocrates đến Hải Thượng Lãn Ông, nhân loại đã biết đến đặc tính nhuận trường, nhuận gan, điều kinh của nha đam.
– Liều thấp: 20-50 mg nhựa Aloès khô có tính bổ đắng, kiện tì vị, nhuận gan.
– Liều vừa: 100 mg (3-5 lá tươi): Sát trùng đường ruột, điều kinh, nhuận trường, xổ.
– Liều cao: 200-500 mg (10-20 lá): Xổ mạnh.
Tại Pháp hiện có khoảng vài chục biệt dược có tác dụng nhuận trường, xổ mà thành phần có chứa Aloès. Dưới đây là một số cách dùng phổ biến của nha đam:
– Trị viêm loét dạ dày: Uống gel tươi của lá nha đam. Cứ vài giờ uống 1 muỗng canh gel tươi lúc bụng đói sẽ làm lành vết viêm loét dạ dày (không được dùng quá 400 mg gel tươi/ngày).
– Trị bệnh ngoài da: Dịch nha đam tươi có tác dụng làm săn da, làm nhỏ lỗ chân lông. Bôi gel tươi hằng ngày lên mặt có tác dụng ngừa nám, làm mịn da, ngừa mụn…
– Trong thực phẩm, lá nha đam dùng để ăn tươi với đường hoặc nấu chè. Cũng có thể dùng lá nha đam để nấu canh. Ngoài ra, gel nha đam còn được làm chất đông kết cho rất nhiều món ăn.
Do những đặc tính kỳ diệu trên, nhiều loại mỹ phẩm dưỡng da được điều chế từ gel nha đam. Độ pH của gel nha đam gần giống với pH của da nên chúng làm cho da tươi tắn và điều hòa được độ axít của da.
Hiện trên thị trường, nhiều hãng mỹ phẩm đã lấy ngay chính tên Aloe vera làm tên thương mại cho những loại kem chống nắng, dưỡng da, các loại dầu gội, dầu khử mùi hôi, chất có tác dụng chống mốc, xà phòng, dầu cạo râu…
Không dùng cho phụ nữ có thai
Nha đam cũng có những tác dụng phụ không thể xem nhẹ. Dùng nha đam quá mức có thể đau bụng, tiêu chảy, mất nước và mất cân bằng điện giải.. Do có tác dụng hạ áp nên những người có huyết áp thấp cần cẩn trọng khi dùng. Đặc biệt, phụ nữ có thai và đang cho con bú không được dùng nha đam.
Dược sĩ NGUYỄN BÁ HUY CƯỜNG
(NLĐ)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)