Tuyên truyền pháp luậtVăn minh đô thị

Nhà dân thấp hơn đường ở TP.HCM do lỗi quy hoạch

Tạp Chí Giáo Dục

Ủng hộ đề xuất chi 305 tỉ đồng hỗ trợ những trường hợp nhà dân ngập do thấp hơn đường, nhưng theo các chuyên gia, TP phải quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước, nếu không ngân sách sẽ không đủ để chạy theo hỗ trợ nhà ngập.

Nhà dân thấp hơn mặt đường trên đường Phan Văn Hân (P.17, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) /// Ảnh: Ngọc Dương

Nhà dân thấp hơn mặt đường trên đường Phan Văn Hân (P.17, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) Ảnh: Ngọc Dương

Sở Xây dựng TP.HCM vừa đề xuất hỗ trợ các hộ dân bị ngập vì dự án nâng cấp đường, hẻm, môi trường… với tổng kinh phí khoảng 305 tỉ đồng trích từ ngân sách.
Theo Sở Xây dựng, hiện có 8.432 trường hợp nhà dân tại các quận 6, 8, Bình Tân, Bình Thạnh, Thủ Đức thấp hơn mặt đường, mặt hẻm do triển khai các dự án trong thời gian qua. Việc hỗ trợ các trường hợp trên được thực hiện theo hai phương thức: trực tiếp bằng tiền không hoàn lại, lấy từ nguồn kinh phí thực hiện dự án; bằng cho vay vốn ưu đãi.

 
 
Đối với các hộ gia đình nền đã thấp hơn đường, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng mỗi nhà dân tùy theo địa hình, cấu trúc, tình hình sẽ khác nhau nên phải tùy từng trường hợp để xử lý. TP nên đưa về ít nhất mỗi quận, huyện một đơn vị tư vấn bảo trợ. Đơn vị này có nhiệm vụ thiết kế, công khai thông tin, tư vấn xử lý cho từng hộ dân sao cho phù hợp cả về mặt gia cố hạ tầng lẫn việc đề xuất xin hỗ trợ.

 
Mức hỗ trợ cụ thể đối với trường hợp sửa chữa cải tạo nâng nền là 262.070 đồng/m2; cải tạo mặt bằng 398.192 đồng/m2; chi phí cải tạo mặt tiền và cấp thoát nước khoảng 12,1 triệu đồng/trường hợp.
Những trường hợp nền nhà dân chênh lệch với mặt đường, hẻm từ 0,3 m trở lên, nhà còn khả năng cải tạo hoặc không còn khả năng cải tạo sau khi nâng cấp đường, hẻm sẽ được hỗ trợ.
Đường, nhà chặn lối thoát nước
Ông Nguyễn Văn Tám, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc một số nhà dân thấp hơn mặt đường, bị ngập. Thứ nhất, người dân làm nhà bám theo mặt đường hiện hữu, nhưng cao độ đó chưa ngập như bây giờ. Thứ hai, cao độ nền nhà tương đối cao nhưng không làm móng sâu, một thời gian sau nhà bị lún, thậm chí đường cũng bị lún. Còn một nguyên nhân nữa là do biến đổi khí hậu khiến mực nước triều thời gian qua cao lên; lượng mưa lớn hơn khiến nước không thoát kịp gây ngập.
PGS-TS Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Khoa học công nghệ và quản lý môi trường – Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM – cho rằng việc hỗ trợ nền nhà dân thấp hơn nền đường, hẻm mang tính nhân văn vì đa phần các hộ thuộc diện nghèo. Tuy nhiên, theo ông, để xảy ra tình trạng này có phần do cốt nền, nhưng nguyên nhân chính là do nước không thoát theo tự nhiên được. Những khối nhà, những con đường chắn ngang làm sao nước thoát?”, ông Huy Bá nói và chỉ rõ TP.HCM là đô thị nền đất yếu, ngập triều và bán nhật triều. Mỗi ngày nước ra vào 2 lần và chênh lệch triều gần 3 m. Vì vậy, phải quy hoạch đô thị và bố trí dân cư, đường sá hợp lý để nước thoát nhanh.
Thế nhưng, TP lại cho làm nhiều tuyến đường chặn ngang như Nguyễn Thị Thập, Nguyễn Văn Linh… “Đó là những sai lầm, vì nước triều không có lối ra bởi những con đường này tạo nên những lưu vực, nhưng lưu vực này lại cô lập lẫn nhau khiến nước quẩn quanh, không thoát ra được, gây ngập úng”, ông Bá nói.
Thoát nước manh mún
Kỹ sư Lê Văn Thịnh, nguyên Trưởng phòng Giám định 1 Cục Giám định nhà nước về các công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), khẳng định để hạn chế tình trạng “nhà thành hầm”, trước hết phải có bản quy hoạch tổng thể thoát nước cho toàn TP.HCM. Hiện quy hoạch thoát nước ở TP.HCM chỉ manh mún từng lưu vực cục bộ, như lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tân Hóa – Lò Gốm… Trong khi đó, quan trọng nhất là quy hoạch thoát nước tổng thể toàn TP.HCM đến nay vẫn chưa có”, ông nói và dẫn chứng “đại lộ Đông Tây đoạn gần QL1 đã bắt đầu ngập. Trước đây xung quanh đoạn đường này có rất nhiều hồ nên nước không thoát được mà lại bị triều cường tấn công nên đã ngập”.
Đồng quan điểm trên, KTS Nguyễn Ngọc Dũng đánh giá quy hoạch của TP hiện nay đang làm theo kiểu đối phó, chạy theo thực trạng mà không hướng đến tương lai. Về giải quyết vấn đề cốt nền nhà dân thấp hơn cốt nền đường, ông Dũng đề nghị Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc nhanh chóng có bản đồ cốt nền toàn TP dựa trên các dự án thoát nước đang triển khai trong toàn TP có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu. Mức cốt nền được các dự án công bố phải là mức đã tính toán sau khi nâng cấp trong tương lai.
“Điều này đáng ra phải có từ lâu, bởi từ đó các quận, huyện mới có căn cứ cấp phép xây dựng cho nhà dân. Không thể cứ làm vô tội vạ rồi lại lấy ngân sách ra hỗ trợ. Nếu không có phương án lâu bền, bao nhiêu ngân sách bỏ ra cũng vô ích”, KTS Dũng cảnh báo.
Hồ Dầu Tiếng xả lũ xuống hạ du sông Sài Gòn
Ngày 14.6, Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa (trực thuộc Bộ NN-PTNT) bắt đầu vận hành xả nước tràn xuống hạ du sông Sài Gòn, với lưu lượng 200 m3/giây nhằm hạ thấp mực nước hồ Dầu Tiếng. Đợt vận hành xả nước lần này kéo dài đến sáng 1.7. Trước đó, Công ty khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa đã có công văn gửi UBND TP.HCM đề nghị vận hành xả nước xuống sông Sài Gòn để điều tiết hạ thấp mực nước hồ về cao trình mực nước trước lũ (19 m).
Theo ông Nguyễn Văn Trực, Phó trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) TP.HCM, với lưu lượng xả tràn 200 m3/giây của hồ Dầu Tiếng vào thời điểm thủy triều ở hạ du sông Sài Gòn đang ở mức thấp (hiện nay dưới mức báo động 1 là 1,3 m) sẽ ít gây ảnh hưởng đến địa bàn TP.HCM.
Giang Phương

Hà Mai – Đình Mười (TNO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)