Mỗi ngày ga Sài Gòn, bến xe Miền Đông phải đưa đón hàng chục nghìn hành khách. Có nguy cơ “dính” cúm A/H1N1 cao như vậy nhưng các địa danh này lại đang phải tự “gồng mình” chống cúm mà chưa có được sự quan tâm đúng mức.
Nhà ga không có máy đo thân nhiệt
Bà Nguyễn Thị Thanh Phương, Trưởng ga Sài Gòn cho biết, ngay khi có thông tin về dịch cúm xảy ra ở một số nước trên thế giới, ga Sài Gòn đã nhận được thông báo tình hình của Cục Y tế dự phòng – Môi trường (Bộ Y tế).
Tiếp đó, Trung tâm y tế dự phòng (Tổng Công ty đường sắt Việt Nam) cũng có Công văn số 111/HD-YT hướng dẫn chi tiết cách phát hiện và phòng ngừa loại vi rút cúm này gửi đến các đơn vị trong ngành đường sắt để nâng cao ý thức bảo vệ cộng đồng.
Kiểm tra khách bằng mắt tại cửa ra tàu hỏa.
Những ngày qua, ga Sài Gòn đã triển khai nhiều phương án chống cúm như phát tờ rơi, dán thông báo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh. Cán bộ, nhân viên các bộ phận khách vận, bảo vệ, đội vé… trực tiếp tiếp xúc với hành khách được trang bị khẩu trang.
Để đảm bảo an toàn, nhà ga cũng cho phun thuốc khử trùng (thuốc ICON) toàn bộ khu vực. Ngoài ra nhà ga còn dành một phòng riêng để nhân viên y tế sơ khám nếu như phát hiện hành khách có biểu hiện mắc cúm A/H1N1.
“Nhìn khách nào có biểu hiện mệt mỏi, chảy nước mắt, mũi, hắt xì liên tục… thì phỏng đoán là người đó mắc bệnh. Chúng tôi không thể đi kiểm tra từng người được” – bà Phương nói. Trên toa tàu, nhân viên đo thân nhiệt khách bằng máy đo nhiệt độ cầm tay.
Anh Đỗ Ngọc Chín (ngụ TPHCM) cho biết: “Tôi thường đi lại giữa TPHCM và Đà Nẵng bằng máy bay. Nhưng giờ công việc kinh doanh ở Đà Nẵng bộn bề quá. Nếu đi máy bay mà thể trạng không tốt như thế này, sợ bị cách ly thì… “toi” nên đi tàu cho chắc ăn”. Hiện nhiều hành khách cũng có tâm lý “trốn” đi máy bay vì lý do này.
Những ngày qua, trung bình mỗi ngày, ga Sài Gòn đưa đón khoảng 10.000 lượt khách. Vì thế việc kiểm tra sức khỏe từng hành khách là điều không thể. “Mong các ban ngành có điều kiện hỗ trợ cho ga Sài Gòn máy đo thân nhiệt để phục vụ tốt hơn trong việc ngăn ngừa, chống cúm A/H1N1” – bà Nguyễn Thị Thanh Phương bày tỏ.
Chống cúm vượt ngoài tầm tay
Cùng cảnh ngộ “gồng mình” chống cúm A/H1N1 như ga Sài Gòn là bến xe Miền Đông. Hàng ngày, bến xe này “tiếp” khoảng 45.000 lượt khách liên tỉnh. Đó là chưa kể hàng chục tuyến xe buýt trong bến đón nhận khách rồi đưa đi các quận, huyện trong thành phố.
Đa phần hành khách tại bến xe… “không sợ cúm”.
Tại bến xe, với nhiều cửa ra vào, đa dạng thành phần khách, việc kiểm soát cúm tới từng hành khách là điều “ngoài tầm tay” như lời bà Tạ Thị Ánh Nguyệt, Trưởng phòng tổ chức hành chính bến xe cho biết.
Theo quan sát của PV, đa phần hành khách tại bến xe không mang khẩu trang. Ở những quầy bán vé, chỉ những điểm trực thuộc quản lý của bến xe thì nhân viên mới đeo khẩu trang, còn quầy vé của doanh nghiệp thì nhân viên đều “nói không với khẩu trang”.
Bến xe có 3 chốt cửa kiểm tra hành khách, soát vé trước khi ra xe. Thế nhưng, một số nhà xe bán vé trước nên dẫn khách ra xe qua 2 cửa bỏ ngỏ bên hông. Vì thế, việc “bắt cúm bằng… mắt” của bến xe không thể kiểm tra được số khách này.
Trước sự việc 2.000 học sinh trường Nguyễn Khuyến “vỡ tổ” về quê, bà Nguyệt cho rằng không loại trừ các em đã qua bến xe Miền Đông. “Khách đi máy bay ai cũng được kiểm tra để ngăn chặn, còn đi qua bến xe làm sao phát hiện được cúm. Đó cũng là thiệt thòi cho khách chưa kể đến khả năng lây lan cho người khác” – bà Nguyệt suy tư.
Nhưng bà Nguyệt vẫn lạc quan cho rằng, may mắn cho bến xe là môi trường hoạt động trong hệ thống mở, khí hậu nóng, không sử dụng máy lạnh ở hệ thống nên vi khuẩn ít có điều kiện lây lan. May mắn hơn nữa đó là đa phần khách nội đia, ít khách nước ngoài.
Được biết hiện bến xe Miền Đông vẫn chưa tiến hành khử khuẩn, thiếu tờ rơi phát cho hành khách, nhà xe. “Nơi công cộng, đông người mà phun thuốc diệt khuẩn, làm không khéo sẽ gây ra sự hoang mang cho hành khách. Cốt yếu là làm sao để người dân ý thức được việc tự bảo vệ mình khi đến những nơi công cộng” – bà Nguyệt chia sẻ.
Hiện cách phòng chống cúm A/H1N1 của bến xe Miền Đông cũng chỉ chú trọng tăng cường tuyên truyền qua hệ thống phát thanh là chính để hành khách ý thức việc tự bảo vệ mình là chính.
Công Quang – Vân Sơn (dantri)
Bình luận (0)