Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nhà giá rẻ cho giáo viên: Khi nào có?

Tạp Chí Giáo Dục

Kỳ II: Giấc mơ xa vời

Thầy Lê Trường Thịnh (GV Trường TH Linh Đông, Thủ Đức) dạy hàng chục năm trời vẫn mãi ở nhà thuê

“An cư rồi mới lạc nghiệp”, nếu cứ phải sống cảnh nay mướn nhà chỗ này, mai thuê phòng chỗ khác thì làm sao mà “lạc nghiệp”. Sống mãi cảnh không nhà, một số giáo viên dẫu rất yêu nghề vẫn phải bỏ trường, xa lớp. Những người ở lại, lúc nào cũng đau đáu một ước nguyện là có được căn nhà riêng để sống cho ra sống… Nhưng xem ra giấc mơ sở hữu một căn nhà dù là nhỏ của nhiều giáo viên vẫn còn xa vời vợi…
Sống dưới chuẩn nghèo tiền đâu mua nhà?
Chuẩn nghèo của thành phố hiện nay đã được nâng lên 12 triệu đồng/người/năm. Với mức lương 2 – 4 triệu đồng/tháng, thậm chí những giáo viên mới vào nghề chỉ có 1,5 triệu đồng/tháng lại nuôi thêm vợ, con nên hàng ngàn giáo viên đang phải sống dưới chuẩn nghèo. Làm một cuộc khảo sát nho nhỏ với 50 giáo viên thì có tới 25 thầy, cô cho rằng thu nhập của họ không đủ lo cho gia đình, 20 người cho rằng nếu chi tiêu tằn tiện thì vừa đủ, chỉ còn 5 người nói dư chút đỉnh.
Và đấy cũng chính là lý do có nhiều giáo viên cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của thành phố, đào tạo ra hàng ngàn học sinh ưu tú nhưng cuối đời vẫn phải sống cảnh nhà trọ. Cá biệt có những gia đình, hai đời làm nhà giáo mà vẫn chưa mua nổi một căn nhà, dù chỉ là nhà cấp 4.
Trường hợp của thầy Nguyễn Cảnh, giáo viên Trường THCS Tân Phú, Q.9 là một ví dụ. Hơn 30 năm gắn bó với nghề “gõ đầu trẻ” nhưng hiện tại cả gia đình thầy vẫn phải ở trọ trong căn phòng chưa đầy 10m2 trên đường Lã Xuân Oai (Q.9). Thầy Cảnh nhẩm tính: “Mức lương của tôi hiện nay là trên 2 triệu đồng/tháng, nhưng phải chi tiền thuê nhà, điện, nước mất 1 triệu đồng, tiền sữa cho con (2 tháng tuổi) 300 ngàn đồng, tiền ăn của 4 người hết 1,5 triệu đồng, tiền cho cháu lớn học đại học hơn 1 triệu đồng. Rồi tiền xăng xe máy, mua sắm đồ đạc trong gia đình… Vì vậy mấy tháng nay tôi phải cắn răng đi vay tiền để chi trả sinh hoạt phí trong gia đình”.
Hay như trường hợp của hai vợ chồng thầy Lê Trường Thịnh, giáo viên Trường Tiểu học Linh Đông, Q.Thủ Đức. Hai vợ chồng đi dạy cả chục năm trời nhưng vẫn không mua được nhà. Thầy Thịnh tâm sự: “Lương của hai vợ chồng tôi hiện nay là gần 4 triệu đồng/tháng. Số tiền ít ỏi này không chỉ để mua thực phẩm, đóng tiền học cho con mà còn phải trả tiền nhà trọ…”.
Thầy Lê Nguyên Vịnh, Trưởng phòng GD-ĐT Q.11 khẳng định: “Toàn quận có gần 30% giáo viên sống dưới mức trung bình theo tiêu chuẩn của UBND TP.HCM…”.
Thầy Lưu Văn Thành, Trưởng phòng GD-ĐT Q.4 cũng cho biết: “Trên địa bàn quận có tới 19% giáo viên chưa có nhà ở, 23% trong số này thuộc diện khó khăn. Đời sống giáo viên vất vả là vậy nhưng ngành giáo dục quận chỉ biết động viên.
Nỗi niềm gác trọ
Cô Nguyễn Thị Huê, giáo viên một trường THCS trên địa bàn Q.10 tâm sự: “18 năm lấy chồng là gần chừng ấy năm tôi phải sống cảnh chật chội, bất tiện ở nhà trọ nhưng mua nhà là điều không thể. Thậm chí ngay đến việc mua nhà tôi cũng không dám nghĩ”…
Kể về những tháng ngày sống cảnh nhà trọ, cô Huê nói: “Cực và… nhục lắm. Năm 1995, lúc đó tôi vừa sinh cháu thứ 2. Cả nhà 4 người – 2 vợ chồng, 2 đứa con sống chen chúc trong một căn phòng khoảng 14m2, nhà vệ sinh, nhà tắm, bếp đều gói gọn trong đó. Cũng may có cái gác để lấy chỗ ngủ. Nhà cửa chật chội, nóng nực nên đứa trẻ thường xuyên quấy khóc cả ngày lẫn đêm. Có đêm nghe bé khóc, bà chủ nhà đập cửa ầm ầm mắng vốn: “Vợ chồng cô làm gì mà để thằng bé khóc dữ vậy. Tôi chịu hết nổi rồi. Trong tuần này, cô chú dọn đi chỗ khác, tôi không cho mướn nhà nữa. Con chưa đầy 3 tháng tuổi vậy mà phải theo ba mẹ đi tìm nhà trọ”.
Tâm sự của cô giáo Huê cũng là nỗi niềm của nhiều giáo viên “không nhà”. Cô Lê Thị Nhung – giáo viên tiểu học ở Q.5 kể lại: “Con gái đầu của tôi bằng tuổi con gái út của bà chủ. Thấy con gái tôi có đồ chơi, sách truyện, băng đĩa mới là con gái bà chủ nhà sang mượn rồi không trả. Lúc đầu tôi cho qua nhưng càng ngày con gái bà chủ càng làm tới. Thậm chí tôi mua cho con đôi dép mới, cái nón mới nó cũng mượn luôn. Bực mình, tôi sang nói với chủ nhà, bà ấy không những không dạy bảo con mà còn nói tôi là nhỏ mọn, keo kiệt. Sau đó thì kiếm cớ đuổi chúng tôi đi…”.
Vì không có tiền mua nhà riêng nên gia đình cô giáo Nguyễn Ngọc Trinh – giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 phải ở chung với đại gia đình nhà mẹ đẻ. “Ở chung nên muốn dạy bảo con cái cũng khó. Hai đứa con – một trai, một gái ngày càng lớn, cha mẹ muốn tâm sự với con cũng không có nơi. Còn chuyện tình cảm vợ chồng thì lại càng khó. Chúng tôi thèm lắm một căn nhà. Nhưng làm sao mà mua nhà được đây khi lương còn chưa đủ sống?” cô Trinh tâm sự.
Thầy Hoa Thanh Tùng – Trường Tiểu học Trần Quang Khải, Q.1 cho biết: “Cả tiền lương và tiền dạy buổi thứ 2, mỗi tháng tôi lãnh được 4 triệu đồng. Trong khi đó, nếu mua nhà trả góp thì mỗi tháng phải dư cỡ 5 triệu đồng để trả lãi, còn gốc chưa tính. Vấn đề của tôi bây giờ là cố gắng làm việc để nuôi hai đứa con ăn học nên người, còn nhà cửa thì … “quên nó đi” để bớt đau đầu”…
Tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố, bây giờ lại là giáo viên của trường công lập. Thế nhưng gần cả đời người, tôi và chồng con phải sống cảnh nhà mướn. Phải trả tiền điện, tiền nước giá cao gấp 4 – 5 lần so với giá của Nhà nước. Thật là bất công…”, cô Thúy Hạnh (giáo viên về hưu ở Q.3) bức xúc.
 
Hòa Triều – Văn Mạnh 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)