Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nhà giáo ăn Tết xưa và nay

Tạp Chí Giáo Dục

Thi gian thm thoát thoi đưa, Tết này là tôi ăn cái Tết ln th 40 bng ngh dy hc. Nhiu cm xúc, nhiu k nim ùa v khi đông qua, xuân ti…


Lá thư ca mt hc sinh cũ đang hc tiến sĩ  M gi cho thy giáo ca mình – tác gi bài viết

Nhớ những cái Tết của mấy mươi năm trước, lúc ấy, kinh tế của cả nước thật sự khó khăn và cuộc sống của những ai làm nghề giáo lúc ấy càng khó khăn hơn. Tôi nhớ mãi câu thơ đăng trên một tờ báo cười: “Tối ba mươi, thầy giáo tháo giày đi chợ Tết/ Sáng mùng một, giáo chức dứt cháo vui xuân”. Cười mà đau xót nghẹn lòng! Tết của nhà giáo những năm ấy cũng chỉ là được mua theo tiêu chuẩn “bao cấp” thời bấy giờ phân phối: 350 gam thịt, 5 gói thuốc lá Hoa Mai, 1 hộp mứt thập cẩm, mấy thước vải… Thịt thì nạc ít mà mỡ thì nhiều, vậy là chia thịt xong phải ghi số, bốc thăm. Ngộ là ai cũng mong bốc được thịt nhiều mỡ, bởi mỡ có thể thắng lấy mỡ nước để chiên, xào; lấy tóp mỡ kho mặn. Thuốc lá Hoa Mai thì giáo viên nam hay nữ cũng đều đem bán “chợ đen” để lấy tiền mua thứ khác. Các thầy hút thuốc lá cũng bán rồi mua thuốc lá vấn tay sẵn (thời ấy nhà tôi ở cạnh nhà làm thuốc vấn tay này nên biết rất rõ, loại thuốc lá này rất rẻ vì có trộn lá đu đủ, lá khoai mì) hay thuốc rê, thuốc lào rẻ tiền hơn mà hút. Hộp mứt thập cẩm ngày ấy cũng rất đặc biệt. Cả hộp chỉ có vài hạt sen, vài miếng mứt khoai lang, cà rốt, củ cải. Phần lớn trong hộp mứt là đậu phộng được bao bột đường trắng bên ngoài mà thời đó hay gọi là mứt “trứng cút”. Giờ đây, tôi không thấy loại mứt “trứng cút” này nữa. Vải thì chỉ một loại, một kiểu hoa văn, màu sắc mà thời ấy hay gọi là vải tám, vải ú, vải lông vịt… Vải “đồng phục” nên nhà nhà, người người mặc giống nhau. Vải thường ưu tiên may cho trẻ nhỏ trong nhà, ít có thầy cô nào may loại vải này để đi dạy. Những năm ấy, tôi chỉ có hai bộ đồ mặc đi dạy. Một bộ tôi mặc từ hồi còn học sư phạm. Một bộ có áo là của công ty người anh cho, còn quần là của xí nghiệp ba tôi cấp. Dĩ nhiên, Tết đến, tôi cũng phải mặc hai bộ đồ ấy. Cả nước khó khăn, gia đình của học sinh cũng nghèo khổ. Tôi lại dạy ở vùng sâu, vùng xa nên trò còn khổ hơn thầy. Tết đến, giáo viên chúng tôi thường chỉ nhận được những lời chúc từ phụ huynh và học sinh, làm gì nghĩ đến chuyện quà cáp. Cũng có khi, giáo viên chúng tôi nhận được quà từ “cây nhà lá vườn” như trứng gà, trứng vịt, gạo, nếp…, nhiều nhất là dừa. Phụ huynh, học sinh mang dừa tặng để thầy cô đem về kho thịt. Thầy cô ậm ừ chứ thịt đâu mà kho nước dừa. Nếu có thì nồi thịt kho nước dừa sẽ thịt ít, trứng nhiều và thêm cái dừa cứng cạy bỏ vào kho chung cho đầy nồi ăn ba bữa Tết. Vui nhất là khi được tặng mứt – mứt dừa, mứt chùm ruột, mứt khế… do chính phụ huynh làm đem tặng. Thời ấy mứt toàn làm bằng đường chảy, đường tán đen thui nên màu mứt nó cũng vàng vàng “kỳ lạ” nhưng ăn thiệt ngon. Không biết vì đó là quà hiếm có lúc bấy giờ hay vì tấm lòng chân thành yêu thương, kính trọng thầy cô từ phụ huynh và học sinh mà thầy cô cảm thấy thế?

Giờ đây, theo sự phát triển của đất nước, Tết của thầy cô cũng đầy đủ, ấm no hơn. Đa số gia đình học sinh đều có kinh tế ổn định nên việc quà cáp gửi thầy cô ngày Tết cũng trở nên bình thường. “Mùng một Tết cha, mùng ba Tết thầy”, một truyền thống tốt đẹp của dân tộc, việc chúc Tết, tặng quà cho thầy cô là điều nên làm. Thế nhưng, những năm gần đây, nhiều giáo viên đã thẳng thừng từ chối quà Tết của phụ huynh, học sinh. Vì sao lại có chuyện lạ lùng ấy? Một lần, cô giáo quen biết kể lại tôi nghe mà còn tức giận đến rưng rưng nước mắt. Theo lời cô, một phụ huynh đến tặng quà Tết, sau đó xin cô chụp hình với phụ huynh và học sinh. Cô vui vẻ chụp ảnh ngay phòng khách nhà mình. Mãi đến sau Tết, qua một học sinh cũ, cô mới biết chuyện tấm ảnh cô chụp cùng phụ huynh và học sinh với gói quà trên bàn đã được đăng trên Facebook của phụ huynh ấy kèm dòng chữ “Đã hoàn thành nhiệm vụ, may là có 1 con, nếu 2 đứa chắc hết tháng lương!”, và sau đó là nhiều bình luận, lời kể lể đầy “ác ý” về việc biếu xén thầy cô vào ngày Tết. Một thầy khác kể: Một học sinh cầm thiệp chúc Tết lên tặng thầy, thầy chưa mở ra, về đến chỗ ngồi là học sinh ấy oang oang nói với các bạn xung quanh: “Má tao cho thầy năm trăm ngàn lận đó”. Thầy mở tấm thiệp ra, cầm năm trăm ngàn đưa lại học sinh, nói: “Em nói với ba mẹ là thầy cảm ơn ba mẹ nhưng thầy chỉ nhận thiệp chúc chứ thầy không nhận tiền”. Một lớp khác, phụ huynh tự tạo nhóm Zalo của lớp, không có giáo viên trong nhóm. Gần Tết, phụ huynh trong nhóm đề nghị góp tiền mua quà cho giáo viên. Người đề nghị nhiều, người đề nghị ít, người không đồng ý. Phụ huynh trong nhóm mâu thuẫn nhau, tranh cãi, rồi có những lời lẽ xúc phạm nhau. Một phụ huynh báo cho ban giám hiệu nhà trường, ban giám hiệu yêu cầu giáo viên giải trình. Giáo viên lớp ấy “ngơ ngác” khi biết chuyện, nỗi lòng này, ai tỏ? “Của cho không bằng cách cho”, nhà giáo cũng như mọi người ở các ngành nghề khác trong xã hội luôn muốn được yêu thương, quý trọng và dĩ nhiên luôn muốn nhận được quà từ những tấm lòng thành chứ không bao giờ muốn nhận quà to từ suy nghĩ tiêu cực, nông cạn: “Sợ thầy cô đì học sinh”, “Để thầy cô quan tâm con cái mình hơn”…

Tôi có một học sinh cũ đang học tiến sĩ ở Mỹ. Em rời đất nước từ khi mới 11 tuổi. Những năm đầu mới đi, năm nào tôi cũng nhận được thư viết tay của em chúc Tết. Những năm sau nữa, em gửi thiệp viết tay lời chúc. Rồi sau này, Tết đến, em gõ những lời chúc Tết gửi tôi qua email, điện thoại thông minh. Cuối lời chúc Tết, em còn viết: “Em ở bên đây lâu quá rồi nên chữ Việt Nam quên nhiều, chắc em viết sai chính tả nhiều lắm hả thầy?”. Mỗi lần em về nước, em đều tìm tôi cho đến khi nào gặp. Tôi chở em dạo khắp thành phố vì em không biết chạy xe gắn máy. Thầy trò đi uống cà phê và đi nhà sách mua sách chữ Việt… suốt cả ngày. Từ khi em còn học tôi ở Việt Nam đến giờ em gần ba mươi tuổi, chưa bao giờ ba mẹ em hay bản thân em tặng tôi một món quà nào có giá trị cao về vật chất. Thế nhưng, thầy trò tôi yêu quý nhau vô cùng và tôi rất quý trọng ba mẹ em vì đã dạy dỗ em thành người có tình có nghĩa, có đức có tài. Giờ đây đôi khi, tôi nhận được món quà Tết “giá cao” nhưng tôi vẫn luôn nhớ những món quà Tết “cây nhà lá vườn” của phụ huynh, học sinh thuở nào. Xem những tấm thiệp chúc Tết điện tử, những lời chúc được sao chép từ các nguồn trên mạng gửi đến liên tục vào dịp Tết (nhiều thiệp điện tử và lời chúc y hệt nhau, nếu không xem kỹ người gửi, tôi đã nhầm tưởng chỉ một người nhưng gửi nhiều lần), tôi lại càng nhớ những lời chúc ghi trên trang giấy vàng ngày nào hay những tấm thiệp tự làm thô vụng nhưng chan chứa tình cảm chân thành. Phải chăng những nhà giáo già như tôi hay “hoài cổ”? Không, chắc chắn là không! Cái mà tôi – người thầy mong muốn nhất là sự tôn trọng, là tình cảm chân thành trong những ngày Tết.

Lê Phương Trí

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)