Hội nhậpGiáo dục phát triển

Nhà giáo Cao Minh Thì – Cánh én đầu mùa mãi xôn xao

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Hơn bốn mươi năm miệt mài cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của TP.HCM từ những ngày đầu giải phóng với chồng chất khó khăn, ở tuổi 80, vẫn hết lòng với những công trình nghiên cứu, đó là chân dung của NGUT, PGS.TS. Cao Minh Thì – nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH), một trong những người mở đường tâm huyết cho ngành giáo dục Thành phố thời kỳ đổi mới.

Từ trọng trách “Trường Sài Gòn phải dạy…”

Sinh ra trong một gia đình nhà giáo ở Cần Thơ, thầy xung phong đi bộ đội từ năm 14 tuổi. Như rất nhiều người con ưu tú của miền Nam thời kỳ đó, năm 1954, thầy tập kết ra Bắc, thi vào trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Vật lý, thầy được giữ lại trường công tác rồi được cử đi học và lấy bằng Tiến sĩ của trường ĐH Tổng hợp Lomonosov Moscow danh tiếng nhất Liên Xô (Nga). Tháng 4/1975, thầy theo đoàn quân giải phóng vào tiếp quản Sài Gòn, vai không tải súng đạn mà nặng trọng trách được cố Tổng Bí thư Lê Duẩn dặn dò – “trường Sài Gòn phải dạy…”.

Ở tuổi 80, PGS.TS. Cao Minh Thì vẫn luôn miệt mài cống hiến cho sự nghiệp giáo dục

Vào Sài Gòn, thầy gắn mình với công việc quản lý – làm Trưởng ban Quân quản trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Thủ Đức, sau đó làm Phó Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm TP.HCM, xuôi ngược từ Bắc vào Nam để xin thiết bị cho phòng thí nghiệm của trường cũng như tìm hiểu nhu cầu giáo viên của các địa phương,… Rồi về làm Hiệu trưởng trường CĐ Sư phạm TP.HCM (nay là Đại học Sài Gòn), thầy lại tiếp tục “đi huyện” – Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh,… tìm hiểu thực tế để đào tạo cho đúng nhu cầu.

Từ năm 1989, thầy vừa làm Hiệu trưởng trường CĐ Sư phạm TP.HCM vừa đảm nhận vị trí Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – đó là thời điểm khó khăn, giáo viên bị nợ lương, nhiều người bỏ nghề dạy, giáo viên đã thiếu lại càng thiếu thốn hơn, trường lớp lại cũng còn nghèo nàn,… Công việc đầu tiên của một Giám đốc Sở là cùng cộng sự giật gấu vá vai “trả nợ” giáo viên, vận động địa phương xây dựng trường lớp,… để dần dần, giáo viên tuy chưa thể sống bằng lương nhưng hàng tháng cũng được lĩnh lương đúng kỳ hạn – một chuyện đơn giản, nhưng là thành tích của một thời kỳ.

Luôn vững vàng vị trí lá cờ đầu

Khi nhà nước bắt đầu chủ trương mở trường ngoài công lập, thầy cùng bạn bè mở ba trường Đại học tại TP.HCM, trong đó có ĐH Kỹ thuật Công nghệ (tiền thân của ĐH Công nghệ TP.HCM – HUTECH hiện nay) – ngôi trường mà thầy dành hầu hết công sức và tâm huyết của đời mình. Đối với thầy, mở thêm trường nghĩa là có thêm chỗ học cho các em bởi theo thầy “cứ mười em mới có một người vào Đại học, những em còn lại sẽ học ở đâu?”.

Giữ vai trò Chủ tịch HĐQT HUTECH trong 3 nhiệm kỳ đầu, thầy định hướng cho những bước đi vững vàng đầu tiên của một trường đại học chất lượng

Trong suốt 15 năm, từ 1995 đến 2010, thầy đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị HUTECH, định hướng cho những bước đi vững vàng đầu tiên của một trường đại học tư thục chất lượng. Hoàn thành trọng trách quan trọng của 3 nhiệm kỳ liên tục này, thầy về hưu. Hơn nửa đời làm giáo dục là ngần ấy thời gian dành cho quản lý, “về hưu” đối với thầy là để tập trung nhiều hơn cho chuyên môn. Kể từ năm 2011, thầy tham gia giảng dạy, hướng dẫn sinh viên làm đề tài luận văn tốt nghiệp và nghiên cứu vật lý. Thêm một lần nữa, thầy giữ vai trò mở đường, bởi công nghệ nano – lĩnh vực mà thầy tập trung nghiên cứu – là hướng đi hầu như hoàn toàn mới mẻ tại Việt Nam hiện nay. Năm 2013, phòng thí nghiệm nano mang tên Cao Minh Thì (CM Thi Lab.) đặt tại Trụ sở chính của HUTECH được thành lập và đi vào hoạt động.

Mang trọn tâm huyết của một nhà nghiên cứu, toàn bộ trang thiết bị của CM Thi Lab. – từ hệ khử quang, hệ phủ nhúng, hệ phủ quay, hệ nghiền bi,… do phòng thiết kế và lắp ráp đến các hệ lọc nước, bể rửa siêu âm, máy li tâm tốc độ cao,… với tổng trị giá gần 4 tỷ đồng. Tất cả đều do thầy “tự thân vận động”.

Phòng thí nghiệm Nano CM Thi Lab. là địa chỉ để sinh viên HUTECH và sinh viên các trường ĐH tại TP.HCM tham gia nghiên cứu, học tập

Hiện tại, CM Thi Lab. hợp tác chặt chẽ cùng với các đơn vị trong nước như khoa Khoa học và Công nghệ Vật liệu, Khoa Vật lý – Vật lý kỹ thuật, trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM và Viện Khoa học ứng dụng HUTECH, trở thành địa chỉ nghiên cứu cho rất nhiều sinh viên, trong đó có sự tham gia của sinh viên trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM, HUTECH, ĐH Bách Khoa – ĐHQG-HCM và một số học sinh THPT chuyên Lê Hồng Phong. Đồng thời, CM Thi Lab. cũng hợp tác với nhiều tổ chức khoa học nước ngoài như Viện Công nghệ Toyota, ĐH Kyushu (Nhật Bản), ĐH Quốc gia Miền Trung (Đài Loan), Viện Nghiên cứu Gốm (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Trung Quốc),… vừa để phát triển nghiên cứu, vừa tạo thêm cơ hội chuyển tiếp và du học cho sinh viên, học viên.

Những khát vọng của tuổi cổ lai hy

Thành lập từ năm 2013, đến nay, phòng thí nghiệm của thầy đã công bố 10 bài báo trên các tạp chí khoa học trong nước, hơn 40 bài báo trên các tạp chí quốc tế. Thầy chủ biên ba đầu sách là Khoa học và ứng dụng công nghệ Nano, Fundamentals of Nanotechnology, Nano kim loại và Oxit kim loại do NXB Khoa học kỹ thuật ấn hành. Thầy cũng đồng biên soạn Lý thuyết tương đối và Điện động lực học cùng với GS.TS. Nguyễn Hữu Minh và ThS. Đỗ Chiêu Hà.

Tám mươi tuổi, Nhà giáo Cao Minh Thì vẫn nói về những công trình nghiên cứu, về cách mạng 4.0, về tương lai công nghệ nano,… bằng cả tâm huyết. Với tôn chỉ bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực vật liệu mới, khoa học và công nghệ nano, CM Thi Lab. trong khát vọng của thầy là trở thành bệ phóng vững vàng cho một thế hệ đủ sức đón đầu xu hướng công nghệ hiện đại. Đồng thời, CM Thi Lab. cũng giới thiệu những học viên giỏi nhất đi du học tại Hàn Quốc, Đài Loan để các em có được cơ hội thực hiện hoài bão trong nghiên cứu khoa học. Giữa nhịp sống rất nhanh ở trung tâm thành phố, phòng thí nghiệm nano mang tên Nhà giáo Cao Minh Thì từng ngày thầm lặng in bóng một người thầy tâm huyết. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, cánh én cứ miệt mài gọi mùa xuân cho ngành giáo dục Việt Nam, để mỗi ngày lại càng vươn xa cùng thế giới.

Nguyên Xuân

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)