Là một thầy giáo viết báo “tay ngang”, tôi chỉ mong góp thêm góc nhìn cho ngành giáo dục. Qua một thời gian tham gia trong vai trò cộng tác viên với một số tòa soạn, tôi thấy rằng làm gì cũng đòi hỏi phải có sự chuẩn mực để đánh giá khách quan và có những nhận định sâu sắc. Điều này sẽ giúp độc giả, các đồng nghiệp và phụ huynh, học sinh có cái nhìn xác thực, rõ ràng hơn trước nhiều luồng thông tin.

Đắn đo, trăn trở khi nêu ý kiến
Khi nêu ý kiến hoặc đặt vấn đề trong các bài viết, tôi rất đắn đo, trăn trở dù rằng đó là góc nhìn cá nhân của tác giả nhưng nếu không đủ sự chín chắn trong luận điểm thì có thể ảnh hưởng đến uy tín hoặc có thể bị coi là đưa thông tin sai lệch khi chưa được sự phê chuẩn từ các nhà quản lý, thủ trưởng đơn vị.
Ngày nay quá nhiều người dùng mạng xã hội để truyền tải và nhận thông tin một cách dễ dàng và nhanh chóng. Nhưng đồng thời mạng xã hội cũng tràn ngập thông tin không biết đâu là thật, giả. Ngay cả những sự thay đổi chỉ đạo của cấp trên cũng khiến cho thầy cô đang công tác cảm thấy lúng túng. Đơn cử như sự việc Sở GD-ĐT TP.HCM cùng một số sở GD-ĐT địa phương khác đề xuất với Bộ GD-ĐT về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sớm hơn với lý do thuận lợi trước khi sáp nhập các tỉnh, thành. Khi được hỏi ý kiến, tôi đã nhận định như sau: “Tôi cho rằng đề xuất điều chỉnh thời gian tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sớm hơn là chưa hợp lý với năm học này. Từ đầu năm học 2024-2025, Bộ GD-ĐT đã công bố kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 dự kiến sẽ diễn ra trong hai ngày 26 và 27-6. Do đó, sự thay đổi khi mà kỳ thi chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc sẽ làm xáo trộn tâm lý của học sinh và kế hoạch giảng dạy của thầy cô phải rút ngắn hơn so với dự kiến. Phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trong tháng 6 là hợp lý nhưng nên áp dụng vào năm học sau. Tôi cho rằng đề xuất điều chỉnh thời gian tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 trong bối cảnh cả nước đang thực hiện sắp xếp, sáp nhập tỉnh, thành phố là không đúng quan điểm. Việc sắp xếp lại bộ máy hành chính tinh gọn để hiệu quả hơn mà nay các sở GD-ĐT lại đề xuất thi sớm để giữ “ê-kíp cũ” vì lo ngại vấn đề “kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế” có chăng gây hoang mang cho toàn ngành và xã hội? Tôi cho rằng mọi điều chỉnh, thay đổi thì cần có kế hoạch ngay từ đầu năm học chứ không nên “đào kênh rẽ nước” làm ảnh hưởng đến hàng triệu thí sinh trên cả nước trước kỳ thi quan trọng mang tính quốc gia” (Trích trong bài báo của tác giả đăng trên báo TN ngày 19-3-2025).
Hoặc gần đây, đề xuất bỏ hình thức đình chỉ học sinh tại Dự thảo thông tư về khen thưởng, kỷ luật học sinh đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Tôi cho rằng việc tôn trọng pháp luật, kỷ cương, biết tuân thủ các quy tắc của cộng đồng, của tập thể là yếu tố quan trọng để tạo dựng năng lực giao tiếp và hợp tác, là ý thức trách nhiệm của cá nhân, rất cần thiết trong quá trình hình thành nhân cách của học sinh. Chúng ta phê bình, phản đối những hành vi xúc phạm nhân phẩm, gây tổn thương tâm lý cho học sinh nhưng chúng ta cũng không nên quá dễ dãi, dung dưỡng cho những hành vi sai trái của học sinh. Nếu nhà trường “tự trói tay” khi bỏ các quy định xử lý kỷ luật thì rất dễ dẫn tới học sinh “nắm thóp”, ỷ lại, chây lười, không phấn đấu. Có nhiều trường hợp học sinh vì biết học thế nào cũng được lên lớp, làm gì cũng được hạnh kiểm tốt miễn sao không nghỉ quá 45 buổi như quy định của Bộ GD-ĐT rồi tự buông thả việc học tập, coi thường nội quy của nhà trường (Trích trong bài báo của tác giả đăng trên Tạp chí Giáo dục TP.HCM ngày 4-6-2025).
Đón nhận các ý kiến đóng góp như một sự bổ khuyết
Quan điểm của tác giả bài viết có thể đồng thuận hoặc chưa đồng thuận với các vấn đề của ngành giáo dục đang được xã hội quan tâm. Vì thế, tôi cho rằng lãnh đạo ngành giáo dục cũng như các cá nhân có liên quan nên đón nhận các ý kiến đóng góp của báo chí như một sự bổ khuyết. Báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc đồng hành và hỗ trợ các hoạt động của ngành giáo dục. Thông qua việc đưa tin kịp thời, phản ánh chính xác và phân tích sâu sắc các vấn đề giáo dục, báo chí góp phần nâng cao nhận thức xã hội, lan tỏa những mô hình hay, cách làm hiệu quả, cũng như phản biện, góp ý để chính sách giáo dục ngày càng hoàn thiện. Trong bối cảnh chuyển đổi số, báo chí cũng đang không ngừng đổi mới nội dung, hình thức thể hiện… để tiếp cận và đưa các vấn đề đến gần hơn với độc giả.
Thầy cô giáo là tiếng nói của ngành giáo dục
Cần nhìn thẳng vào những vấn đề bất cập đang còn tồn đọng để tìm giải pháp tháo gỡ kịp thời. Tiếng nói của thầy cô giáo là thật sự cần thiết bởi lẽ thầy cô là người trực tiếp thực hiện các yêu cầu của ngành giáo dục và cũng là nhân tố quyết định cho sự thành bại của quá trình giáo dục. Nhưng thầy cô cũng nên cẩn trọng trong phát ngôn, cần giữ chuẩn mực nhà giáo. Có lẽ sự bội thực thông tin khiến chúng ta khó phân biệt thật – giả, đúng – sai. Do vậy, chúng ta phải là “người tiêu dùng thông thái” để biết chọn lọc thông tin trước nhiều luồng dư luận. Sẽ thật tai hại nếu một thông tin đưa ra chưa chính xác thì việc thu hồi hoặc đính chính là vô cùng khó khăn.
Cần khuyến khích, phát triển tư duy phản biện ở học sinh
Việc dạy học ngày nay không chỉ là truyền thụ kiến thức một chiều nhưng là tổ chức các hoạt động học tập để phát triển kỹ năng, phẩm chất của học sinh. Người thầy không phải là “kênh thông tin chính thức” mà là người truyền cảm hứng học tập. Cần khuyến khích tư duy phản biện của học sinh hơn là thụ động tiếp nhận kiến thức từ người thầy. Bởi vì với sự phát triển công nghệ hiện nay, kiến thức nhân loại được cập nhật từng ngày, cùng với sự tiến bộ của trí tuệ nhân tạo (AI) đang làm thay đổi rất nhiều trong cách tiếp cận thông tin, tri thức. Chúng ta không cần quá giỏi, chuyên sâu về lập trình nhưng vẫn có thể dùng AI để tạo ra một số phần mềm hoặc công cụ cho riêng mình. Chúng ta có thể học tiếng Anh trực tuyến thông qua các ứng dụng chứ không nhất thiết phải đến trung tâm. Vấn đề là làm sao để tạo ra môi trường học tập hấp dẫn, khuyến khích khả năng tự học, có lộ trình bài giảng phù hợp theo năng lực của từng nhóm đối tượng. Người thầy cần khuyến khích học sinh phát biểu cho dù câu trả lời chưa thật chính xác và người thầy cần chuẩn mực, tận tâm với nghề dạy. Giáo viên ngày nay đang gặp rất nhiều áp lực từ công việc, từ phía dư luận xã hội. Vị thế của người thầy đang bị đong – đếm bằng thước đo kinh tế thị trường. Những hình ảnh đáng buồn khi phụ huynh xông vào trường đánh giáo viên là sự báo động cho các giá trị đạo đức của nghề cao quý. Sự tôn nghiêm không nằm ở chỗ độc tôn, là “kênh chính thức” nhưng là sự kính trọng khi người thầy có sự chuẩn mực.
Lâm Vũ Công Chính
Bình luận (0)