Sáng 26-4, Hội Cựu giáo chức TP.HCM đã tổ chức buổi họp mặt kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4-1975/ 30-4-2023) cùng toàn thể nhà giáo nội đô (thầy cô tham gia cách mạng, hoạt động trong lòng địch) và nhà giáo đi B (vượt Trường Sơn vào Nam chống Mỹ cứu nước).
Ông Nguyễn Văn Hiếu (Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) tặng hoa chúc mừng Hội Cựu giáo chức TP.HCM
Tại buổi họp mặt, các thầy cô giáo đã có dịp ôn lại những trang sử hào hùng cũng như một thời mình đã xông pha lên đường chiến đấu anh dũng để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.
Bà Nguyễn Thị Yến Thu (Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP.HCM) chia sẻ, các thầy cô ngồi đây ngày ấy còn rất trẻ, đa số ba mươi mấy, số ít chừng 40 đã phải gác lại sự nghiệp để đóng góp phần công sức của mình làm nên chiến thắng vẻ vang cho dân tộc, thống nhất đất nước.
Thời chống Mỹ cứu nước, các nhà giáo nội đô hoạt động trong lòng địch. Lực lượng này hàng ngày đứng trên bục giảng, xung quanh là tai mắt của địch nhưng dám dùng lời nói, cây bút của mình giáo dục lòng yêu quê hương đất nước cho nhân dân, nhất là thế hệ học sinh, sinh viên. Lực lượng này đã góp phần hình thành nên phong trào học sinh sinh viên tham gia chống Mỹ, một số đã trở thành biệt động, lực lượng vũ trang, một số trở thành nhà giáo.
Lực lượng thầy cô giáo đi B, vượt Trường Sơn vào Nam chống Mỹ cứu nước là những cán bộ cách mạng của miền Nam, có tri thức, có giác ngộ. Họ được phân làm nhiều nhiệm vụ khác nhau như: Làm văn hóa cho quân giải phóng, làm báo, đài, văn nghệ. Khi bình yên, thầy cô còn dạy chữ cho nhân dân, lúc giặc đến họ cầm súng chiến đấu bảo vệ cơ quan, bảo vệ căn cứ, bảo vệ trường học.
Nhà giáo nội đô, nhà giáo đi B vui mừng ôn lại kỷ niệm
Ngoài ra còn nhiều thầy, cô giáo tham gia kháng chiến, đi công tác bị bắt, bị tù đày. Trong lao tù dù bị tra tấn dã man nhưng họ vẫn trung kiên, bất khuất, kiên cường một lòng trung thành với đất nước.
Sau 1975, giáo viên nội đô, giáo viên đi B là lực lượng chủ chốt giúp Ban quân quản tiếp thu toàn bộ công tác giáo dục của Sài Gòn – Gia Định (nay là TP.HCM). Dù công việc bộn bề, chế độ bao cấp cuộc sống khó khăn nhưng với niềm vui toàn thắng đội ngũ nhà giáo cách mạng làm việc ngày đêm, khai giảng năm học đầu tiên đúng ngày 5-9-1975.
Năm 2015, lực lượng trí thức nhà giáo nội đô, nhà giáo đi B đều được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.
Bà Thu cho biết, đến thời điểm này, đội ngũ giáo viên nội đô, giáo viên đi B đều đã nghỉ hưu, đa số từ 80 tuổi trở lên. Thầy cô đã hoàn thành nhiệm vụ người kỹ sư tâm hồn, tất cả đều tự hào vì suốt đời một lòng theo Đảng, thời tuổi trẻ đã đóng góp một phần công sức, máu xương của mình vào công cuộc chống Mỹ cứu nước, đóng góp trí tuệ của mình mình vào sự nghiệp giáo dục của cách mạng để giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Đội ngũ này luôn giữ trọn niềm tin, phẩm chất đạo đức trong sạch, bền bỉ vượt qua thử thách, sống giản dị, không tham ô, tham nhũng, nêu gương tốt cho học sinh noi theo hết long vì thế hệ trẻ.
Tiết mục văn nghệ do nhà giáo nội đô, nhà giáo đi B biểu diễn
“Dù đã nghỉ hưu nhưng một số nhà giáo nội đô, nhà giáo đi B còn khỏe vẫn đóng góp cho địa phương. Các thầy cô tích cực xây dựng TP.HCM văn minh, nghĩa tình, tham gia xây dựng nông thôn mới, tham gia khuyến học, xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ các vùng thiên tai, lũ lụt, đóng góp ủng hộ biển đảo quê hương tuyến đầu Tổ quốc”, bà Thu bày tỏ.
Tại họp mặt, ông Nguyễn Văn Hiếu (Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) mong các thế hệ thầy cô đi trước luôn mạnh khỏe, tiếp tục truyền lửa cho các thế hệ nhà giáo đi sau noi theo. Song song đó, ngành giáo dục cũng mạnh dạn đề xuất, tham mưu lãnh đạo TP.HCM và bộ, ngành trung ương nhiều chính sách, mô hình đào tạo mới nhằm nâng cao và phát triển toàn diện hơn nữa chất lượng giáo dục và đào tạo.
Hồ Trinh
Bình luận (0)