Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nhà giáo đi B: Mong được trở lại chiến trường xưa

Tạp Chí Giáo Dục

 

Cũng giống như nhiều người bước ra khỏi cuộc chiến tranh, rất nhiều nhà giáo từng đi B mong muốn một lần được trở lại chiến hào năm xưa. Nhưng đôi khi, ước mơ tưởng như hiển nhiên ấy lại trở nên xa vời…
Bà Phạm Thị Hải Ấm, nguyên cán bộ văn phòng Bộ GD-ĐT

Bà Phạm Thị Hải Ấm

Học xong sư phạm, ra trường cô gái Phạm Thị Hải Ấm mới 21 tuổi. Lúc đó, phong trào vì miền Nam ruột thịt đang diễn ra sôi nổi trên khắp cả nước. Nhà toàn con gái (9 chị em gái), nhưng vẫn mong được đóng góp sức mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước nên Hải Ấm quyết định nộp đơn tình nguyện vào Nam. Toàn tỉnh Phú Thọ khi đó, chỉ có mình bà là nữ và làm trong ngành giáo dục. Với bà, hình ảnh buổi sáng ngày 5-3-1969, lễ tiễn chân diễn ra tại bờ hồ Hoàn Kiếm Hà Nội là một ký ức đẹp và mãi không phai mờ. Trời dường như cũng hiểu lòng người, lất phất mưa phùn. Lễ tiễn lên đường được tổ chức rất long trọng và những người trẻ tuổi như bà đều thấy rằng dù khó khăn mấy cũng vượt qua… Lên xe lá ngụy trang bít bùng, mọi người cùng hát để quên say xe, quên nỗi nhớ nhà. Sau một thời gian tập huấn tại Trường 105 Hòa Bình, đoàn hành quân vào chiến trường miền Nam. Cuối năm 69, bà về khu 8 miền Trung Nam bộ sau 6 tháng hành quân dọc Trường Sơn. Bà được phân công về Trường cấp 1, cấp 2 Nguyễn Văn Bé, chuyên dạy con em cán bộ. Kỷ niệm thời đó là tất cả thanh niên khu 8 đến làm lớp học, giáo viên của trường đa số đều là người miền Bắc. Địch thả bom khắp nơi vài tháng lại phải đổi chỗ. Dạy HS dưới hầm B52, chỉ khoảng 10m2, học sinh lớp 4, 5. Cũng trong thời gian này, bà bị thương khi ở trong trường vì bị trúng bom bi, giờ trên người bà nếu tính ra có đến 68 vết thương. Là giáo viên miền Bắc nên rất được mọi người quý mến, có những đồng chí chỉ đến để nghe tiếng bà nói chuyện cho đỡ nhớ quê hương. Dù bị thương nhưng bà vẫn chống gậy đi thăm thương binh ở các lán. Có những anh bị thương chỉ biết nằm đó kêu mẹ ơi, chị ơi, vì họ còn quá trẻ chưa có người yêu khiến bà ứa nước mắt.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng cũng đã lấy đi của những người như bà tuổi trẻ. Bây giờ đối với những người lính ngày ấy thời gian là vàng, mỗi người mỗi nơi được gặp lại là vô cùng quý. Thời gian không còn bao lâu, nhiều người trong đoàn của bà đã ra đi. Ngày ấy, bà trẻ nhất giờ cũng đã 62 tuổi.
Nhiều người muốn đi vào thăm lại chiến trường xưa, gặp lại những người cũ để tri ân, hoặc muốn đưa mộ đồng đội về quê cũng khó. Ngành công an sau khi nghỉ hưu họ được hưởng 3 tháng lương nhưng với những người trong ngành giáo dục thì lại không được hưởng chế độ gì mặc dù thời đó họ vừa phải cầm bút, vừa cầm súng chiến đấu. Bà mong muốn được thăm lại chiến trường xưa. Bà nhớ cô cấp dưỡng, lúc bà bị thương nặng phải truyền máu. Nhưng nhóm máu của bà thuộc nhóm máu AB rất hiếm. Rất may, cô cấp dưỡng cùng nhóm máu, cô ấy đã cho rất nhiều máu. Bà sống được đến ngày hôm nay cũng một phần nhờ cô ấy. Nhưng giờ bà không có điều kiện vào đó tìm ân nhân để tri ân.
Nhà giáo Phùng Thứ, nguyên giảng viên Học viện Tài chính

Nhà giáo Phùng Thứ

Năm 1973, khi đang là giảng viên của ĐH Tài chính (nay là Học viện Tài chính), ông xung phong lên đường đi B vào Nam chiến đấu. Từ năm 1973 đến 30-4-1975, ông về Tiểu ban Tài chính, Ban Kinh tế Trung ương Cục miền Nam. Sau đó được điều động sang Tiểu ban Giáo dục thuộc TW Cục miền Nam. Tiếp sau đó ông về công tác tại Bộ Giáo dục và Thanh niên của Chính phủ lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam. Đất nước thống nhất, ông về làm Tiểu ban Tài chính. Đến năm 1978, ông công tác tại Bộ Giáo dục. Sau này, ông chuyển sang Bộ Tài chính cho đúng “chuyên ngành”. Dù không trực tiếp cầm súng ra chiến trường chiến đấu, nhưng trong ông vẫn đau đáu nỗi nhớ miền Nam. Khi chuyển hẳn ra Hà Nội công tác, ông may mắn được gặp lại nhiều đồng đội cùng làm giáo dục. Và người ông được gặp gỡ thường xuyên nhất là thầy giáo Nguyễn Văn Tề, công tác tại ĐH Kinh tế TP.HCM. Dẫu vậy, ông vẫn chưa một lần được trở lại chiến trường năm xưa, nhất là chiến trường Tây Ninh, nơi ông gắn bó suốt thời gian trong quân ngũ. Đến nay, đã bước sang tuổi 66, ông vẫn ao ước một lần trở lại miền Nam mà vẫn chưa có điều kiện. Có lẽ, những người đồng đội của ông năm xưa có người còn, người mất và họ cũng như ông, vẫn mang trong mình “nỗi nhớ miền Nam”.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Đặng Huỳnh Mai
“Hàng năm đến ngày giải phóng miền Nam bộ tập hợp lại những nhà giáo đi B trực thuộc cơ quan bộ và một số đồng chí công tác ở trung ương… Cả một thời tuổi trẻ vượt Trường Sơn vào miền Nam chiến đấu, họ vừa là nhà giáo vừa là chiến sĩ. Những nhà giáo vượt Trường Sơn họ muốn hàng năm có cuộc gặp mặt kể lại chuyện xưa.
Dự kiến, năm nay nhà giáo kháng chiến trong miền Nam đến tháng 10 ra Hà Nội nhân dịp sự kiện 1.000 năm Thăng Long, còn tháng 7 nhà giáo miền Bắc đi vào thăm lại chiến trường xưa. Họ muốn được sinh hoạt, muốn chia sẻ, giúp đỡ nhau. Những nhà giáo đi B có con tốt nghiệp sư phạm nhưng chưa có việc làm, chúng tôi cũng tìm cách giúp đỡ. Hơn ai hết, tôi cũng là người bước ra từ trận chiến nên tôi hiểu những mong muốn của những người lính sống trong thời bình. Sắp tới, tôi cho rằng nên có những hỗ trợ về đời sống nhà ở, con cái cho những nhà giáo từng đi B. Có nhiều nhà giáo hoàn cảnh khó khăn lắm. Lần trước chúng tôi đến thăm một cô giáo đi B ở Trung Tự, Hà Nội. Nhà cô chỉ rộng có 8m2 phải cơi ban công ra để làm phòng cưới cho con. Có nhiều nhà giáo mong một lần được trở lại chiến trường xưa nhưng bây giờ điều ấy là không thể bởi không còn sức khỏe. Đó cũng là những thiệt thòi. Sắp tới, chúng tôi kêu gọi mỗi tỉnh sẽ thành lập một chi hội nhà giáo đi B nhằm giúp đỡ và tạo điều kiện để các nhà giáo được gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ cùng nhau”.
Nghiêm Huê

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)