Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Nhà giáo đừng đánh mất mình!

Tạp Chí Giáo Dục

Có lần ngồi hầu chuyện với nhà giáo Dương Thiệu Tống (đã mất), ông tâm sự làm nghề dạy học phải có cái chí. Trong cuộc mưu sinh, dù khó khăn, vất vả đến đâu nhưng có hai việc mà người thầy không được làm. Đó là lợi dụng học sinh như là phương tiện để kiếm tiền và không được chà đạp, bôi nhọ lên đồng nghiệp để tiến thân. “Nếu anh làm không được hai việc ấy thì tôi khuyên anh nên chọn nghề khác”, thầy Tống nói. Nhân cách của người thầy có ảnh hưởng rất lớn, rất lâu dài đến học trò. Nếu người thầy đánh mất nhân cách mình thì cũng đồng thời làm hỏng một thế hệ học sinh mình giảng dạy. Những lời thầy Tống ngắn gọn mà thấm thía làm sao!

Nhắc lại các chuyện trên để đề cập đến một câu chuyện đang thời sự trên truyền thông. Mới đây, qua truyền thông, được biết có một cô giáo ở tỉnh Nghệ An trong giờ coi thi học sinh giỏi đã chép bài của một học sinh này cho một học sinh khác chép lại. Em học sinh bị chép bài đã lấy tay che nhưng cô giáo với “quyền” giám thị cứ hành xử theo cách của mình. Hành vi của cô giáo chỉ bị phát hiện khi có một học sinh đưa chuyện này lên facebook. Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An chỉ đạo nhà trường nơi cô giáo công tác làm rõ và có hình thức xử lý phù hợp. Cô giáo thú nhận có việc như vậy. Ban đầu, Hội đồng kỷ luật nhà trường đã đưa ra hình thức kỷ luật khiển trách vì “vi phạm quy chế thi”, nhưng bị dư luận phản ứng cho rằng mức này là quá nhẹ nên sau nâng lên cảnh cáo.

Nghị định 138/2013 của Chính phủ quy định về “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục” tại điều 13 có quy định: “Có thể bị phạt từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi làm bài hộ thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài”. Mức kỷ luật của nhà trường đối với cô giáo có thỏa đáng hay chưa thì dư luận đã lên tiếng. Tuy nhiên, điều cần nhấn mạnh là lỗi vi phạm của cô giáo không chỉ thuộc phạm vi hành chính mà còn vi phạm cả đạo đức nhà giáo nữa. Theo quy định “Về đạo đức nhà giáo” của Bộ GD-ĐT ban hành năm 2008, tại điều 6 về “Giữ gìn, bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo” có ghi rõ nhà giáo “không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật, quy chế, quy định; không gây khó khăn, phiền hà đối với người học và nhân dân; không gian lận, thiếu trung thực trong học tập, nghiên cứu khoa học và thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục…”. Nếu có các hành vi này thì nhà giáo bị coi là đã vi phạm quy định đạo đức nhà giáo.

Truyền thông khen em học sinh đã dũng cảm tố cáo hành vi sai phạm của cô giáo lên facebook. Nhưng chúng ta cũng cảm thấy bùi ngùi vì hình ảnh đẹp của người thầy trong em có lẽ đã mất đi ít nhiều. Chúng ta lại không dám nghĩ xa hơn một khi các em đã đánh mất niềm tin vào những người dạy dỗ các em nên người thì tương lai của các em nói riêng và xã hội nói chung sẽ ra sao.

Tất nhiên, vi phạm hành chính thì dễ xử, còn vi phạm đạo đức thì xử thế nào đây? Có lẽ không ai mong nhà trường sẽ tiếp tục tăng thêm mức kỷ luật, vì với vi phạm đạo đức thì không biết mức bao nhiêu là đủ. Tuy nhiên, cần hơn các mức kỷ luật kia là nhà trường và cô giáo hãy cùng ngồi lại, phân tích để nhận ra hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo đã ảnh hưởng xấu như thế nào trong môi trường giáo dục. Có vậy mới góp phần ngăn những chuyện tương tự đừng bao giờ xảy ra trong nhà trường nữa.

Từ Nguyên Thạch

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)