Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Nhà giáo, nhà báo Tạ Văn Doanh: Người hoàn hảo trong chữ “thầy”

Tạp Chí Giáo Dục

Như mọi bữa sáng chủ động giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, tôi tự pha cà phê nhấm nháp trước khi làm việc thì có tin báo: “Thầy Doanh mất rồi”. Ly cà phê hôm nay như đắng hơn mọi ngày. Hai hôm trước tôi đã biết về tình hình sức khỏe của chú, đúng như tiên lượng của bác sĩ nhưng vẫn không khỏi bàng hoàng.

Tôi chuyển tin đến một vài anh em, câu trả lời mà tôi nhận được là những biểu tượng cảm xúc, những dòng trạng thái buồn. Không buồn sao được khi mình mất đi một người thầy, người anh, người đồng nghiệp đáng kính.

Tôi không quen gọi chú là thầy như nhiều anh em đồng nghiệp. Có người thắc mắc, sao không gọi thầy vì thầy có nhiều năm đứng lớp rồi làm quản lý trước khi làm báo, không học được ở trường cũng học trong cơ quan ít nhiều? Lúc này, tôi buột miệng: “Gọi thầy không khéo ảnh hưởng đến thầy vì có đứa học trò lưu manh như mình. Gọi chú nhưng trong tâm mình, chú luôn là thầy”. Thôi thì lần này, cháu xin phép được gọi chú là thầy, cho trọn đạo nghĩa.

Thời gian làm việc với nhau không dài như nhiều anh em khác nhưng từ ngày thầy nhận sổ hưu, cũng lắm bận thầy trò ngồi với nhau. Hôm thì cà phê, lúc thì ăn uống đâu đó nên ít nhiều tôi hiểu về thầy, một chút thôi. Mà ở đời, hiểu về ai đó một chút thôi đã là duyên.

Có những chuyện tưởng chừng sẽ rối tung lên nếu ai đó đón nhận và xử lý. Riêng thầy chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ cố làm cho nhỏ hơn rồi tìm cách giải quyết. Thầy luôn lắng nghe, tôn trọng ý kiến người khác và cân nhắc kỹ càng trước khi đi đến quyết định. Đó là cốt cách của nhà mô phạm, không giáo điều qua suy nghĩ và hành động. Trong mắt người khác thầy là một người đi trước, một người dẫn dắt bằng uy tín cá nhân hơn là uy quyền – một kỹ năng mà không phải ai cũng sở hữu.

Lúc bấy giờ, tôi phụ trách trang Tòa soạn và Bạn đọc. Có đơn thư khiếu nại, tố cáo, thầy giao cho tôi và dặn dò kỹ nào là phải thu thập đầy đủ thông tin, không đứng về phía nào, làm cho đến nơi đến chốn… Có lần thầy cho gọi vào phòng, đưa tôi chồng đơn tố cáo, bảo về đọc đi rồi sáng mai trình bày hướng tác nghiệp thế nào, ổn thì triển khai, không thì bàn tiếp. Trước khi ra khỏi phòng, thầy nói với: “Bị đơn là học trò của thầy nhưng sai tới đâu thì phản ánh tới đấy. Mình làm báo trước hết phải tôn trọng bạn đọc chứ không thể tôn trọng một cá nhân nào đó cậy chức quyền mà làm bậy”. Một bài học lớn mà tôi học được ở thầy nữa sau một thời gian công tác, đấy là bản lĩnh nghề nghiệp, dám làm dám chịu.

Tôi không dám nhận xét thầy là một con người hoàn hảo, vì nó rộng quá, mênh mông quá. Chí ít thầy cũng đã “hoàn hảo” trong chữ “thầy”. Tôi đi đến đâu, hỏi ra biết tôi làm ở tờ báo do thầy làm Tổng Biên tập, thế là họ huyên thuyên nhắc nhớ kỷ niệm với thầy, dù chỉ là vài buổi thầy đứng lớp chia sẻ kinh nghiệm quản lý ở ĐH Sài Gòn. Tôi thấy rõ ánh mắt họ sáng lên vì niềm tự hào về thầy.

Nhớ lần tôi cùng họa sĩ Trần Đạt đang bù khú trên vỉa hè đường Lê Văn Sỹ, cách nhà thầy chừng hơn cây số. Anh em đang chiều say, bỗng từ sau có người vỗ vai rồi kéo ghế ngồi. Ông họa sĩ vốn tánh ba gai, thấy vậy liền hất hàm hỏi: “Chú mày ở đâu tới?”. Thầy cười, nhẹ nhàng đáp: Trên đường về nhà, thấy anh em ngồi nên tấp vô làm một lon nói chuyện chơi. Từ cuộc gặp hôm ấy, ông họa sĩ cứ tự trách mình không phải, còn thầy lần gặp thì sao không gọi Trần Đạt đến chơi? Ấy là thời gian thầy đã biết bệnh, đang chữa chạy. Nhắc điều này để thấy, dù ở một cương vị khác, thầy vẫn hòa đồng, vẫn không tách mình ra khỏi cái tập thể, dẫu biết có hỗn tạp.

Thầy đã bình yên ở một nơi hoàn toàn khác nhưng cái tên Tạ Văn Doanh – nguyên Tổng Biên tập Báo Giáo dục TP.HCM, bút danh Nghiêm Ý, Nhuận Đức… vẫn còn mãi trong trái tim bao thế hệ học trò, đồng nghiệp và anh em bạn bè. Hãy yên nghỉ, thầy nhé!n

Trn Trng Tri

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)