Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nhà giáo nhân dân Lâm Es: 50 năm gieo chữ nơi vùng đất nghèo

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Thầy Lâm Es đang xem lại quyển sách giáo khoa dạy tiếng Khmer vừa được xuất bản vào tháng 8-2008 do thầy làm Tổng chủ biên. Ảnh: T.HThầy giáo Lâm Es là nhà giáo nhân dân đầu tiên của vùng đồng bằng sông Cửu Long – vùng được xem là có trình độ dân trí thấp nhất nước. Hỏi thầy bí quyết thành đạt – thầy cười chất phác nói: “Tôi là nhà giáo nhân dân xuất thân từ chăn trâu, bò mà nên”…

Miệt mài gieo chữ

Lúc chúng tôi đến nhà thầy Lâm Es ở ấp Trà Tép, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, thầy đang xem lại tóm tắt báo cáo thành tích đề nghị tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba của mình. Thầy nói: “Tôi cũng chẳng nhớ hết những bằng khen giấy khen mà đưa vô đây, chỉ nhớ những cái lớn, quan trọng như: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2002; danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 1994 và danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm 2002… Những thành tích mà tôi có được ngoài nỗ lực của bản thân còn do sự hỗ trợ của nhiều người nhưng trong đó có cả sự may mắn”.

Thầy tự nhận mình may mắn nhưng qua buổi trò chuyện với thầy, chúng tôi lại cho rằng thành quả mà thầy có được là một nỗ lực phi thường. Đó là sự cố gắng vươn lên của cậu bé mồ côi cha khi mới 5 tuổi. Thầy nhớ lại: “Một mình mẹ tôi phải làm quần quật từ sáng đến chiều để nuôi hai anh em tôi. Mẹ tôi không biết chữ nên luôn mơ ước con mình học được những chữ “i”, “t”…  Nhưng nghèo quá, ăn còn chưa no, lấy tiền đâu mà đi học. Thế là tôi được vào chùa học chữ. Mỗi ngày hai buổi đi về hơn 5 cây số để đến chùa Đại Tâm học”. Trong cuộc đời, đôi lúc trong cái khó khăn lại bộc lộ những cơ duyên. Cơ duyên mà thầy Lâm Es có được đầu tiên chính là được ở gần nhà thầy Xuân Tao – một thầy giáo dạy chữ miễn phí của chùa. Mỗi ngày hai thầy trò cùng nhau đi về, những câu chuyện của thầy về nhân nghĩa, về đạo làm thầy… đã từng lúc ăn sâu vào tâm trí của cậu học trò nghèo một buổi học, một buổi chăn trâu, bò… Và từ mơ ước được biết chữ lớn dần thành ước mơ được làm thầy giáo. Học hết lớp 5, thầy được học bổng lên Trường Trung học Đệ nhất cấp Khai Trí ở thị xã Sóc Trăng để theo học cấp 2. Học xong lớp 9, thầy Lâm Es lại tiếp gót thầy mình quay về chùa dạy học miễn phí đến năm 1977. Thầy cười nói: “Nói miễn phí thì chưa đúng lắm vì bà con lo cơm nước nuôi mình. Mình chỉ biết dạy học thôi!”. Lúc ấy, thiếu giáo viên nên thầy vừa dạy tiếng Việt, tiếng Khmer, tiếng Pháp cho học sinh. Đầu những năm 1950, thấy tiếng Anh bắt đầu thông dụng nên thầy tự học tiếng Anh và là người đầu tiên ở Sóc Trăng đưa tiếng Anh vào dạy trong chùa.

Thầy Lâm Es nói: “Người thầy giáo mà không học thì kiến thức sẽ bị cũ đi”.  Vì thế sau giải phóng, thầy tham gia học đại học để vừa nâng cao kiến thức cho bản thân, vừa có đủ điều kiện để thực hiện ước mơ mà thầy đã ấp ủ suốt gần 20 năm dạy học của mình, đó là soạn chương trình sách giáo khoa tiếng Khmer. Năm 1978, sau một năm về công tác ở Sở GD-ĐT tỉnh Hậu Giang (cũ), thầy được Bộ GD-ĐT chọn tham gia soạn sách giáo khoa tiếng Khmer. Thầy cười: “Lúc ấy, quả thật công việc cực hơn nhưng thầy vui lắm vì có điều kiện thuận lợi để tiếp tục thực hiện mơ ước đưa việc dạy tiếng Khmer vào trường phổ thông để dạy cho học sinh dân tộc”. Từ năm 1992, thầy được đề bạt giữ chức vụ Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng và đã có rất nhiều đóng góp cho giáo dục tỉnh nhà với rất nhiều bằng khen, giấy khen. Năm 2003, thầy về hưu.

Không ngừng học

Hơn 60 năm qua, từ cậu bé mồ côi ngày ngày phải vượt đường lầy lội để đến chùa học chữ miễn phí. Đến nay, khi đã đạt được danh hiệu cao quí Nhà giáo nhân dân, thầy bảo rằng mình không có nhiều thay đổi chỉ già đi thôi. Còn thời gian là mình cứ muốn học mãi, nghiên cứu mãi… Chính vì thế, hầu như những quyển sách giáo khoa tiếng Khmer lưu hành chính thức hiện nay đều có bóng dáng của thầy, khi là Tổng chủ biên cho Bộ sách giáo khoa tiếng Khmer tập 1 đến tập 7 đang sử dụng dạy tiếng Khmer trong các trường phổ thông; khi là thành viên biên soạn sách giáo khoa và sách giáo viên dạy tiếng Bali, là tác giả soạn sách Ngữ văn Khmer cấp 3… Giờ đây, thầy lại nhận thêm một nhiệm vụ mới là thành viên thẩm định và phản biện cho những chuyên đề, tài liệu, giáo trình dạy tiếng Khmer …

Giọng thầy trầm xuống: “Tôi có được như hôm nay là nhờ công của bà xã, nhờ bả lo trong ngoài nên tôi có thời gian học tập, nghiên cứu vì tôi cứ đi miết… Cứ định về hưu sẽ ở nhà đỡ đần cùng bả nhưng lại được bầu làm Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh. Lúc ấy, tôi định từ chối vì mình đã “đi” gần hết cuộc đời rồi! Nhưng bả lại động viên, nói: “Người ta cần mình mới bầu, mình đã cố đến giờ này thì cố thêm chút nữa khi nào không thể làm việc được nữa thì hãy về nhà!”. Vậy là từ năm 2003 đến nay, thầy làm Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng… Từ khi có thầy, Hội Khuyến học tỉnh “làm ăn được hơn”, riêng trong năm 2007, Tỉnh hội được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam trao cờ thi đua xuất sắc…

Thầy không nhớ nổi học trò của mình nhưng thầy cảm thấy hạnh phúc mỗi khi có một người dường như không quen biết hỏi: “Thưa thầy, thầy còn nhớ em không?”. Với thầy đó là thành quả lớn lao nhất của một đời dạy học. Thầy cười đôn hậu: “Mấy tháng nay, thầy về nhà rồi! Hơn 70 tuổi ở một mình trên Sóc Trăng, gia đình không yên tâm. Giờ mỗi sáng có anh học trò cũ cho mình quá giang đi làm! Vậy cũng tiện…”.

Biết rằng chọn nghề giáo là đã chọn một cuộc sống đạm bạc, thanh bần nhưng hơn 50 năm theo nghề giáo, thầy vẫn sống trong căn nhà đơn sơ. Căn nhà rất sạch sẽ nhưng những miếng gạch tàu đã cũ bong tróc lên từng mảnh. Bộ ghế ngồi cũ kĩ được đắp thêm nhiều miếng vá, chiếc tivi 14 inch quá cũ, không còn màu sắc rõ ràng… Góc nghiên cứu của thầy là một cái bàn cũng rất cũ chứa đầy sách…

Thái Hải

Bình luận (0)