Người đưa máy sấy thương hiệu Việt xuất ngoại
Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo tỉnh Thừa Thiên – Huế, thầy Phan Hiếu Hiền đã sống cuộc sống lam lũ như những nông dân chân lấm tay bùn. Do đó, thầy tường tận chuyện nhà nông và nỗi khổ của nông dân khi mùa gặt đến. Vì thế, ngay từ khi còn là sinh viên, thầy đã ước mơ chế tạo ra những chiếc máy có thể giúp nhà nông.
Ước muốn đó luôn theo canh cánh trong lòng thầy Phan Hiếu Hiền suốt những năm tháng học tập ở Philippines. Năm 1974, thầy Hiền về nước và làm công tác giảng dạy ở Đại học Nông lâm TP.HCM. Tại đây, thầy cùng với nhóm sinh viên của mình bắt đầu thực hiện mơ ước. Năm 1980, chiếc máy sấy đời đầu tiên F1 đã ra đời và tiếp đó các thế hệ máy sấy F2 và F3 được chế tạo thành công. Nhờ có máy sấy này mà bà con nông dân không còn phải lo ngại trời mưa vào những mùa gặt.
Trong những năm tháng miệt mài nghiên cứu, có lúc tưởng như không thể tiếp tục nghiên cứu được nữa vì gia đình gặp nhiều khó khăn về kinh tế trong thời buổi chuyển sang cơ chế thị trường. Thầy Hiền tâm sự: “Lương ba tháng nghiên cứu của thầy lúc bấy giờ cũng không bằng một người làm xưởng trong vòng một tháng”. Tuy nhiên, với nỗi trăn trở là làm sao để có chiếc máy hoạt động tối ưu nhất và bà con nông dân đỡ cực khổ hơn là động lực thúc đẩy thầy tiếp tục hoàn thành máy sấy đời F2. Đến năm 1995, công nghệ máy sấy đời F2 được đưa vào sử dụng hầu hết ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Cần Thơ, Long An, Sóc Trăng… Vào những năm này, khi đi đến bất kỳ một xã vùng sâu, vùng xa nào ở đồng bằng sông Cửu Long thì tên tuổi của “ông vua máy sấy” Phan Hiếu Hiền cũng được người dân ở vùng châu thổ đồng bằng này rất ngưỡng mộ. Cũng dễ hiểu, từ khi có chiếc máy sấy về đồng bằng thì sản lượng hao hụt sau thu hoạch được khắc phục đáng kể, mỗi năm đem về cho người dân nơi đây hàng trăm tỷ đồng.
Bên cạnh việc nghiên cứu chế tạo, thầy luôn quan tâm “đặc biệt” đến vấn đề bảo vệ môi trường. Nên qua nhiều thời gian tìm tòi, nghiên cứu thầy lấy vỏ trấu làm chất đốt cho máy để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm được nguồn nguyên liệu không tái tạo. Năm 1996 thầy cùng các đồng nghiệp của mình tại Khoa Cơ khí – Công nghệ Đại học Nông lâm đã phối hợp với Viện Nghiên cứu quốc tế (IRRI) và Khoa Cơ khí Trường Đại học Hohenheim chế tạo thành công lò đốt trấu bán tự động dùng cho máy sấy lúa (1996).
Nhận thấy những ưu điểm và tính năng của máy sấy lúa, thầy và các cán bộ giảng dạy Trường Đại học Nông lâm đã không ngừng cải thiện để chiếc máy sử dụng hiệu quả hơn. Máy sấy thế hệ F3 được gọi là “Máy sấy đảo chiều không khí”. Theo thầy Hiền thì “Nếu ở thế hệ F2, máy sấy thóc khô không đồng đều do chỉ sấy được phần thóc ở dưới lên trên và nông dân phải ngưng máy giữa chừng hì hục đảo lại lúa thì ở thế hệ F3 này máy sấy lúa khô đồng đều nên không cần ngưng máy lại giữa chừng”. Việc áp dụng loại máy này vào lĩnh vực nông nghiệp đã giảm được chi phí lao động cào đảo lúa, giảm diện tích mặt bằng lắp đặt, cho năng suất cao (dãy năng suất từ 1-10 tấn/mẻ). Với thành công đó, máy sấy đảo chiều không khí đã đạt giải 3 – giải thưởng sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam VIFOTEC năm 2005. Tính đến nay, có trên 3.500 cái được lắp đặt tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ, Tây Nguyên, Trung bộ. Không những vậy, công trình sáng tạo của thầy còn được các nước biết đến và sang học hỏi kinh nghiệm. Thầy cùng với các cán bộ giảng dạy trong trường đã tổ chức giảng dạy về công nghệ của máy sấy lúa cho các học viên của khối các nước ASEAN anh em. Hiện nay, công nghệ về máy sấy lúa của thầy và đồng nghiệp đã được chuyển giao và xuất khẩu sang nhiều nước trong khu vực châu Á như Myanmar, Banglades, Philippines…
Đối với thầy, “Một sản phẩm hoàn thành chưa hẳn đã hoàn tất”. Vì vậy, thầy vẫn tiếp tục hướng dẫn các sinh viên cải tạo chiếc máy sấy lúa để nó đạt hiệu quả tối ưu nhất.
Với thầy Hiền, công việc nghiên cứu và giảng dạy là hai lĩnh vực mà thầy đặc biệt quan tâm. Hơn 30 năm giảng dạy, thầy luôn được sinh viên và đồng nghiệp kính phục về sự tận tụy nghiên cứu và truyền đạt cho các thế hệ sinh viên. “Là người mẫu mực và có ý thức tổ chức rất cao, luôn thương yêu và hướng dẫn tận tình các học trò của mình. Vì vậy, thầy được các bạn sinh viên và đồng nghiệp hết sức yêu mến và kính trọng”, thầy Nguyễn Văn Tuấn đồng nghiệp của thầy tại Trường Đại học Nông lâm cho biết.
Khi viết bài này cũng là lúc thầy Phan Hiếu Hiền được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân. Đó là danh hiệu mà hơn nửa đời người của thầy giáo Hiền đã dành cho sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu. Giờ đây, dù tuổi đã ngoại tuần nhưng niềm đam mê chế tạo ra một “tác phẩm” mới vẫn không bao giờ ngừng chảy trong tâm huyết của Nhà giáo nhân dân Phan Hiếu Hiền.
Dương Bình
Bình luận (0)